Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Gỡ vướng an toàn thông tin cho cơ chế một cửa
Lê Quân - 13/02/2020 10:39
 
Việc triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia còn chậm so với kế hoạch, một phần do ách tắc trong quá trình thực hiện, thẩm định cấp độ an toàn thông tin.
.
Càng đẩy nhanh tốc độ kết nối thủ tục lên cơ chế một cửa, thì càng sớm có lợi cho doanh nghiệp.

Bên nói khó, bên bảo không

Điểm nổi bật trong điện tử hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành thời gian qua là 13 bộ, ngành đã tham gia kết nối với 188 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia và tổng số hồ sơ hành chính được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia đạt trên 2,8 triệu bộ hồ sơ.

Tuy nhiên, xét riêng năm 2019, số thủ tục được triển khai chính thức và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia chỉ đạt 72,6% (37/51 thủ tục, trong đó mới triển khai được 15/51 thủ tục).

Một trong những nguyên nhân chính nằm ở khâu thẩm định cấp độ an toàn thông tin cho hệ thống công nghệ thông tin phục vụ Cơ chế một cửa quốc gia.

Dẫn quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 về đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ và các văn bản liên quan, Bộ Tài chính cho biết, để phê duyệt dự án, phải thẩm định hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin.

Theo đó, đối với các hệ thống được đề xuất cấp độ 4 như hệ thống công nghệ thông tin phục vụ Cơ chế một cửa quốc gia, quá trình thực hiện thẩm định phức tạp và mất nhiều thời gian do phải xin ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ngành hữu quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng... Trên thực tế, yêu cầu triển khai Cơ chế một cửa hiện nay rất gấp, trong khi quy trình và nguồn lực để thẩm định cấp độ an toàn các hệ thống thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không đáp ứng được yêu cầu về tiến độ phê duyệt dự án, dẫn đến chậm triển khai các thủ tục hành chính theo các yêu cầu và nhiệm vụ mà Chính phủ giao.

Trao đổi tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban Chỉ đạo 1899), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết: “Vấn đề ở đây không quá lớn, có thể bộ phận kỹ thuật của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) chưa nắm rõ hướng dẫn về cấp độ an toàn thông tin cho Cơ chế một cửa quốc gia, nên hồ sơ xin ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông còn thiếu và Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu bổ sung”.

Lý giải việc thẩm định an toàn thông tin cấp độ 4 trở lên phải có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, nguyên tắc đảm bảo an toàn thông tin là không thừa, không thiếu.

“Trong quá trình triển khai, thẩm định hồ sơ an toàn thông tin cấp độ 4, chúng tôi chưa thấy bộ, ngành nào đề nghị sửa Nghị định số 85/2016/NĐ-CP. Do vậy, tôi đề nghị phía cơ quan chuẩn bị hồ sơ để thẩm định an toàn thông tin cấp độ 4 làm lại hồ sơ để chúng tôi giải quyết theo đúng quy trình thủ tục và không gây khó khăn”, ông Hưng khẳng định.

Thí điểm thuê bên thứ ba

Cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ giao Bộ Tài chính ngay đầu năm theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020.

“Càng đẩy nhanh tốc độ kết nối thủ tục lên cơ chế một cửa, thì càng sớm có lợi cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường minh bạch trong thực hiện các giao dịch thuế, hải quan và ngăn chặn tiêu cực trong các khâu thực hiện”.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và kết nối ngoài ASEAN, Bộ Tài chính đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN (với Indonesia và Thái Lan) và chứng nhận kiểm dịch thực vật với Indonesisa.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công thương tiến hành đàm phán để hoàn thiện các nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; đàm phán về trao đổi thông tin về xuất xứ hàng hóa (C/O) điện tử với Hàn Quốc và phối hợp thử nghiệm công nghệ blockchain trong tiếp nhận thông tin chứng nhận xuất xứ từ Hải quan Hàn Quốc.

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) việc áp dụng công nghệ thông tin vào số hóa thủ tục hành chính là xu hướng không thể đảo ngược, vừa tăng cường an toàn thông tin, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính và tiết kiệm chi phí. Ước tính sơ bộ cho thấy, số hóa thủ tục hành chính có thể giúp tiết kiệm đến 2/3 chi phí thông thường cho doanh nghiệp.

Lợi ích từ việc số hóa, kết nối các thủ tục hành chính lên hệ thống một cửa ở các nước là không phải bàn. “Còn với Việt Nam, chúng ta có đủ tiềm lực về hạ tầng và trình độ công nghệ thông tin để đẩy nhanh tiến độ kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Vấn đề là ta có muốn đẩy nhanh quy trình kết nối đó hay không?”, PGS-TS Ngô Trí Long nêu.

Một trong các giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra để thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN thời gian tới là tiếp tục thực hiện các thủ tục về xây dựng, trình phê duyệt và chuẩn bị triển khai Đề án Tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo hướng xử lý tập trung. Đặc biệt, tổ chức nghiên cứu và thí điểm thuê dịch vụ của bên thứ ba trong cung cấp các tiện ích cho cả doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước để thực hiện thủ tục hành chính thông qua hai cơ chế này.

Chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN trong năm nay
Đó là mục tiêu của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại đặt ra tại phiên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư