Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Góc nhìn TTCK tuần 11-15/7: Thị trường có khả năng quay lại đà giảm
Hải Trần - 10/07/2022 11:09
 
Thanh khoản suy yếu cho thấy tâm lý vẫn còn yếu, thiếu sự ổn định cho một sự hồi phục dài hơi của thị trường. Nên có khả năng thị trường quay trở lại đà giảm trong tuần này.

Thị trường điều chỉnh trở lại trong tuần qua sau khi thất bại trước ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong hai phiên đầu tuần. Điều này khiến cho áp lực bán gia tăng mạnh sau đó và khiến thị trường tạo đáy mới trong năm 2022 ở quanh ngưỡng 1.140 điểm. Lực cầu sau đó xuất hiện trong khi bên bán khá yếu đã giúp thị trường hồi phục trong hai phiên cuối tuần.

Nhưng, dù hồi phục về cuối tuần, nhưng với thanh khoản suy yếu vẫn là điểm trừ, chưa phát ra tín hiệu thị trường ổn định trở lại.

Với góc nhìn dài hạn hơn, thị trường kỳ vọng sẽ có xu hướng tích lũy chặt chẽ dần, ở vùng giá hiện tại mặt bằng giá cổ phiếu vẫn đang ở mức hấp dẫn bởi định giá P/E đang thấp trong bối cảnh đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịnh vẫn được duy trì, nhiều doanh nghiệp niêm yết được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng lợi nhuận trong quý II/2022.

Thực tế cho thấy, động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán chưa rõ ràng, chưa thấy các yếu tố tác động đủ mạnh để thị trường bứt phá. Hầu hết các room  tư vấn đều được khuyến nghị tăng tỷ trọng tiền mặt, hạn chế giải ngân… Cũng bởi vậy thanh khoản chưa thể cải thiện. Vậy nhà đầu tư lấy điểm tựa nào để giải ngân?

Trong Talkshow Chọn danh mục Kỳ 11 do Báo Đầu tư tổ chức chiều ngày 7/7/2022, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, với nhà đầu tư ưa thích trading ngắn hạn và sử dụng phân tích kỹ thuật làm gốc, thì giai đoạn này nên chú ý biểu đồ kỹ thuật và lựa chọn cổ phiếu khỏe hơn thị trường.

Chẳng hạn, thị trường chưa hình thành mẫu hình 2 đáy, nhưng có cổ phiếu đã tạo mẫu hình 2 đáy trên đồ thị kỹ thuật. Hoặc thị trường chưa quay lại trung bình động 20 ngày thì có thể tìm những cổ phiếu đang tích luỹ trên vùng đấy. Hoặc nếu chưa thạo lắm về phân tích kỹ thuật thì đơn giản thôi. Trong phiên ngày 6/7, biến động rất mạnh thì những cổ phiếu nào có biến động giá tốt hơn thị trường là những cổ phiếu khoẻ.

“Tôi cho rằng, ở thời điểm hiện tại, có thể quan sát những đại diện trong nhóm tài chính để có thể thực hiện trading ngắn hạn”, ông Tâm nói.

Còn đối với nhà đầu tư dài hạn, đây là một giai đoạn rất tốt để có thể tích luỹ dần. Chiến lược là canh những nhịp điều chỉnh để mua vào cổ phiếu với góc nhìn từ 2-3 năm. Đại diện là ngành thép, tôn mạ, ngành chứng khoán hoặc một số đại diện đầu ngành trong ngành tiêu dùng và bán lẻ để nhà đầu tư có thể thực hiện chiến lược giao dịch.

Định giá hiếm gặp

Ông Thái Quang Trung, Phó giám đốc Đầu tư, Khối quỹ mở cổ phiếu và trái phiếu, VinaCapital cho rằng, bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết 6 tháng cuối năm vẫn ảnh hưởng bởi tỷ giá, lạm phát, lãi suất. Đồng thời thị trường cũng dần nhìn triển vọng năm 2023 luôn – thay vì nhìn biên lợi nhuận thì nhìn tăng trưởng doanh thu vì có rủi ro kinh tế Mỹ, EU suy thoái, có rủi ro nhất định tăng trưởng kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng lan rộng ra ngoài ngành xuất khẩu, nếu đơn hàng chậm lại, không tăng thu nhập nhiều cho công nhân thì sức mua của người dân có thể giảm. 

Các nút thắt như room tín dụng cho ngân hàng, hay Nghị định 153 tác động ngành bất động sản, dầu khí là dự án Lô B Ô Môn…nếu được gỡ trng 6 tháng cuối năm thì sẽ là điểm sáng lợi nhuận, theo ông Trung.

Nói kỹ hơn về tăng trưởng tín dụng - yếu tố được quan tâm nhiều nhất, ông Trung cho rằng, nhà đầu tư không nên quá lo lắng về sức ép thắt chặt tiền tệ, vì Ngân hàng Nhà nước có lý do chính đáng để kiểm soát lạm phát và dòng tiền nóng vào kênh đầu cơ.

Thế mạnh của Việt Nam trong kiểm soát các yếu tố trên là chính sách điều hành linh hoạt và chủ động. Trong quá khứ đã kiểm soát thành công tỷ giá thông qua giải pháp bắt buộc các hợp đồng giao dịch dân sự phải tham chiếu VNĐ (tránh đô la hóa nền kinh tế), hay thay đổi cơ chế tỷ giá từ neo tỷ giá cổ định (dollar peg) sang chính sách tỷ giá trung tâm (crawling peg/managed float) nhằm tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh linh hoạt và tránh hiện tượng đầu cơ, đồn đoán về các đợt điều chỉnh tỷ giá ở những giai đoạn nhạy cảm.

Hay với vấn đề lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng từng áp dụng các biện áp như áp trần lãi suất huy động; với lạm phát thì cũng xây dựng các chuỗi cửa hàng bình ổn giá do Nhà nước quản ý.

Không phải quốc gia nào cũng thực hiện được. Nếu làm thành công như trong quá khứ thì nhà đầu tư nên đón nhận tích cực, dù trong ngắn hạn thắt chặt là liều thuốc thử mạnh cho thị trường, ông Trung chia sẻ

Và sau đó, sẽ gỡ được nút thắt về tăng trưởng tín dụng, kinh tế và đón dòng vốn ngoại vào Việt Nam. Ông Trung cho rằng, vốn ngoại đã vào từ quý II, lượng mua ròng lớn hơn 270 triệu USD từ các nhà đầu tư đã vào Việt Nam như Thái Lan, Đài Loan, các quỹ từ châu Âu, Mỹ. Hiện chỉ số VN-Index giảm hơn 20% từ đỉnh, đưa định giá P/E dự phóng 11x năm nay, nhìn rộng ra 12 tháng tới thì dưới 11 lần.

Có thể biết đáy ở đâu, cổ phiếu định giá rẻ có thể rơi ở nhóm chu kỳ, có thể tăng lãi suất ảnh hưởng tiêu cực tới định giá của doanh nghiệp. Nhưng tôi cho rằng, mức định giá hiện nay khá hiếm gặp và định giá cũng là điểm sáng, ông Trung nhận định.

[Talkshow] Chọn Danh mục: Tìm cơ hội tháng 7 và triển vọng từ tiêu dùng nội địa
“Thủng đáy” là cụm từ được các nhà đầu tư nhắc nhiều nhất sau khi kết phiên giao dịch hôm nay (6/7/2022).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư