Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Góc nhìn TTCK tuần 18-22/3: Tiếp cận cản mạnh 1.300 điểm, cân nhắc giao dịch quá tích cực
Nhã An - 17/03/2024 13:14
 
VN-Index đang tiếp cận cản mạnh 1.300 điểm và kịch bản điều chỉnh là có khả năng xảy ra, các nhà đầu tư không nên tham gia quá tích cực ở giai đoạn này dù chỉ số có nhịp hồi.

VN-Index ghi nhận lực hấp thụ tốt quanh ngưỡng 1.230 - 1.250, tiếp diễn trạng thái phân hoá, giữa nhóm cổ phiếu bluechips và nhóm midcaps

Trong tuần thanh khoản trên HoSE đạt 126.155 tỷ đồng, giảm nhẹ 6,6% so với tuần trước, duy trì vượt mức trung bình với khối lượng giao dịch trung bình của VN-Index hơn 900 triệu cổ phiếu/phiên. Diễn biến cho thấy dòng tiền vẫn đang duy trì tốt trong thị trường, luân chuyển xoay vòng trong các nhóm ngành, mặc dù áp lực bán ngắn hạn vẫn gia tăng mạnh ở nhiều mã/nhóm mã.

Thông tin vẫn được quan tâm trong tuần là sau hơn 4 tháng, ngày 11/03/2024 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chào bán tín phiếu trở lại. Việc NHNN mở lại hoạt động chào thầu tín phiếu có nét tương đồng so với hồi trung tuần tháng 9/2023 khi tỷ giá USD/VND chịu nhiều áp lực và lãi suất VND liên ngân hàng không có chiều hướng hỗ trợ.

Thông tin này có phần tác động đến tâm lí và diễn biến rung lắc của thị trường, nhưng hoạt động tín phiếu nào chưa ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống, chưa ảnh hưởng đến lãi suất liên ngân hàng cũng như mặt bằng lãi suất theo quan điểm NHNN nên chưa tác động quá nhiều đến thị trường. 

Bên cạnh hoạt động tín phiếu, tăng trưởng tín dụng, thì tuần qua, có một số ban hành về dự thảo thay đổi pháp lý. Vào tháng 1/2024, kì họp Quốc Hội đã thông qua 2 dự thảo luật quan trọng đó là Luật các Tổ chức tín dụng và Luật Đất đai sửa đổi. Trong đó, Luật các Tổ chức tín dụng có một số nội dung quan trọng, tập trung ở việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cho vay, kiểm soát sở hữu chéo ở NHTM. 

Với các văn bản dưới luật, có 4 Thông tư và 2 Nghị định trong năm nay, có 2 thông tư quan trọng được ban hành tuần qua. 

Bao gồm, Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 22/2019 và 23/2020 về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của một số ngân hàng. 

Như Thư tín dụng (L/C - cam kết thanh toán của Ngân hàng đối với các DN nhập khẩu) trước đây không được tính vào tăng trưởng tín dụng, theo đó room tăng trưởng tín dụng ở phần dư nợ liên quan đến L/C không được tính vào. Nhưng nay theo dự thảo, L/C sẽ được tính vào hoạt động tín dụng, cũng vì vậy những ngân hàng nào có tỷ lệ dự nợ cao liên quan đến L/C sẽ có tác động nhất định, chẳng hạn như TCB, HDB, TPB và VPB. 

Một số nội dung đáng chú ý khác là tiêu chí xác định tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng thanh toán; cơ chế đặc biệt dành cho ngân hàng yếu kém và ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc; Tổng Giám đốc quyết định các khoản cấp tín dụng cho người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng của các ngân hàng/tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Bên cạnh đó, trong luật các tổ chức tín dụng mới được đưa vào thông tư sửa đổi lần này là Thông tư sửa đổi Thông tư 39 về hoạt động cho vay. Trong đó, giữ nguyên quy định về số tiền giải ngân để đảmbaro thực hiện nghĩa vụ, trong đó có hoạt động cho vay với mục đích đặt cọc cho các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản/dự án phải được phong toả cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm; đề xuất biện pháp giám sát chặt chẽ hơn đối với hồ sơ tín dụng; điều kiện linh hoạt hơn đối với các khoản vay có giá trị dưới 100 triệu đồng. 

Dự báo thị trường trong ngắn hạn, VN-Index khả năng cao không vượt 1.300 điểm để hình thành uptrend mạnh mẽ, thay vào đó là rung lắc tại 1.300 điểm. Nếu nhìn lại tuần qua, VN-Index tăng 16,43 điểm (1,32%) và đóng cửa ở 1.263,78 điểm - vẫn nằm trong khu vực rung lắc và cần thêm thời gian tích luỹ trước khi tính đến nhịp tăng điểm tiếp theo. Bởi vậy, ở vùng 1.300 điểm có thể có khả năng điều chỉnh giảm khi đà tăng ngắn hạn suy yếu và giảm hưng phấn. 

Dẫu vậy, thị trường luôn có cơ hội, ghi nhận lực hấp thụ cung đáng kể trong tuần qua, một số cổ phiếu đã xuất hiện tín hiệu tạo đáy và bật tăng trước thị trường. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư có thể giải ngân thăm dò các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, có sự tham gia nâng đỡ của dòng tiền khi thị trường điều chỉnh như HPG (29.900-30.150); NKG (23.800-24.200). Các cổ phiếu đã có dòng tiền xác nhận xu hướng mới và vừa thoát khỏi nền tích luỹ như TV2 (44.000-44.300); CTD (73.900-74.300).

Nhưng cũng lưu ý rằng, Index đang tiếp cận cản mạnh 1.300 điểm và kịch bản điều chỉnh là có khả năng xảy ra, nên với các nhà đầu tư không nên tham gia quá tích cực ở giai đoạn này dù chỉ số có nhịp hồi. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư