Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Góc nhìn TTCK tuần 31/7 - 4/8: VN-Index sẽ kiểm định vùng 1.200 điểm
Trương Thạch - 30/07/2023 08:30
 
VN-Index chinh phục thành công mốc 1.200 điểm, nhưng vẫn ẩn chứa rủi ro, nhà đầu tư cần lựa chọn ngành, doanh nghiệp “có câu chuyện”. Không nên FOMO theo thị trường.

Trong tuần cuối cùng trước hạn phải công bố kết quả kinh doanh, VN-Index tiếp tục duy trì đà hưng phấn để chinh phục thành công mốc 1.200 điểm. Thanh khoản thị trường bùng nổ với hơn 4,7 tỷ cổ phiếu sang tay theo hình thức khớp lệnh, tương đương với giá trị giao dịch khớp lệnh lên tới hơn 95.000 tỷ đồng. Điều này giúp VN-Index đóng cửa ở mức 1.207,67 điểm (tăng 1,42% so với tuần trước).

Dẫn dắt đà tăng của thị trường tiếp tục có sự góp mặt của nhóm ngành dịch vụ tài chính, trong đó ngành chứng khoán là trụ cột (SSI tăng 4,7%, VCI tăng 2,5%, SHS tăng 5,3%). Cùng với sự góp sức của nhóm ngành thực phẩm và đồ uống với sự góp mặt quan trọng của cổ phiếu quốc dân một thời là VNM (tăng 5,5%). Ngoài ra, ngành bán lẻ cũng tiếp tục vai trò dẫn dắt với “đầu tàu” là dòng tiền từ cổ phiếu MWG (tăng 4,5%).

Nguồn: FiinPro
Nguồn: FiinPro

Khối tự doanh tiếp tục một tuần gom hàng với giá trị mua ròng 523 tỷ đồng. Top các cổ phiếu được khối tự doanh mua nhiều nhất là EVF, VPB, PNJ, STB và HPG.

Nguồn: FiinPro
Nguồn: FiinPro

Khối ngoại vẫn tiếp tục cuộc chơi khi giá trị mua ròng trong tuần lên tới 860 tỷ Đồng. Top các cổ phiếu được khối ngoại “nhặt” nhiều nhất tuần là VHM, HPG, KDH, VNM và HSG.

Nguồn: FiinPro
Nguồn: FiinPro

Giá gạo và U-rê tiếp tục lập đỉnh

Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap đã nhận định vào tuần trước, việc Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ khiến cho tình hình an ninh lương thực toàn cầu trở nên căng thẳng, giá gạo lập tức tăng mạnh trước những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung. Ngoài ra, việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã làm cho giá lúa mì thế giới tiếp tục lập đỉnh. 

Diễn biến giá gạo và lúa mì 1 tháng qua - Nguồn: TradingEconomics
Diễn biến giá gạo và lúa mì 1 tháng qua - Nguồn: TradingEconomics

Với tiềm lực sản xuất lương thực vững mạnh, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam chinh phục thị trường thế giới. Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, cơ hội của ngành gạo trong nửa cuối năm 2023 sẽ gần giống như cơ hội mà ngành phân đạm đã chớp được vào năm 2022. Các điểm tương đồng về cơ hội của hai ngành có thể thấy như:

  • Nguồn cung toàn cầu khan hiếm trước lo ngại về thiên tai, xung đột địa chính trị.
  • Một “ông lớn” ra lệnh cấm xuất khẩu.

Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý, việc Ấn Độ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo rơi đúng vào chính vụ hè - thu của Đồng bằng Sông Cửu Long, ngay lúc các doanh nghiệp xuất khẩu đang thu mua lúa và nguyên liệu phục vụ cho các đơn hàng đã ký trước đó. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu thu mua, đặc biệt là khâu đàm phán về giá với người nông dân. Trong bối cảnh các đơn hàng xuất khẩu đã ký từ trước với giá bán đã được ấn định thì trong ngắn hạn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chưa được hưởng lợi ngay lập tức. Thậm chí, các doanh nghiệp Việt Nam có khẳng phải chịu thiệt hại vì giá đầu vào tăng trong ngắn hạn. 

Tuy nhiên, nếu giá gạo tiếp tục neo cao như hiện tại thì việc ký kết các đơn hàng mới thì cơ hội dành cho doanh nghiệp là rất lớn. Đây cũng là tín hiệu vui với những người trồng lúa. Và các nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nhóm các cổ phiếu của ngành gạo như LTG, TAR hay PAN.

Ngoài lương thực, trong tuần qua giá U-rê, loại phân bón chính dùng trong nông nghiệp cho các cây lúa nước và lúa mì cũng liên tục thiết lập những mức giá mới. Trước những lo ngại vê thiếu hụt nguồn cung giá U-rê toàn cầu đã tăng mạnh. Tại Trung Quốc, giá U-rê đóng cửa ngày 28/7 đã lập đỉnh trở lại sau 3 tháng ở mức 2.607 CNY/tấn.

Nguồn: Wichart
Nguồn: Wichart

Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, việc giá U-rê tăng mạnh trong thời gian qua sẽ hỗ trợ tích cực cho những doanh nghiệp xuất khẩu phân U-rê tại Việt Nam. Các nhà đầu tư có thể lựa chọn, tìm cơ hội ở nhóm cổ phiếu phân đạm như DPM và DCM.

FED tăng lãi suất, nên mừng hơn lo

Nhìn ra thế giới, không nằm ngoài dự đoán của thị trường Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, lên biên độ từ 5,25% tới 5,5%, mức cao nhất trong vòng 22 năm qua. Đây là lần tăng lãi suất thứ 11 kể từ khi Fed đẩy nhanh nỗ lực chống lạm phát từ tháng 3 năm ngoái và động thái này diễn ra 1 tháng sau khi Fed tạm dừng nâng lãi suất nhằm đánh giá tình trạng nền kinh tế Mỹ sau gần 1 năm triển khai chính sách tiền tệ thắt chặt. 

Trước những nghi ngại của thị trường, Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap tiếp tục khẳng định việc Fed tăng lãi suất không hề đáng ngại trong bối cảnh vĩ mô hiện tại.

Về áp lực tỷ giá, tại thời điểm hiện tại Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã có trong tay rất nhiều công cụ để xử lý nếu tỷ giá tăng mạnh do chênh lệch lãi suất cho vay USD và VND. Trong đó công cụ quan trọng nhất chính là dự trữ ngoại hối, điều này đã được hỗ trợ rất tích cực kể từ đầu năm do Việt Nam duy trì được cán cân thương mại thặng dư 12 tỷ USD, dòng vốn FDI tăng trở lại và dòng Kiều hối vẫn duy trì ở mức ổn định.

Lãi suất cho vay qua đêm USD và VND trong tuần qua - Nguồn: SBV
Lãi suất cho vay qua đêm USD và VND trong tuần qua - Nguồn: SBV

Thậm chí ở chiều hướng ngược lại, việc Fed và ECB tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt bằng việc tăng lãi suất điều hành còn là tín hiệu tích cực với Việt Nam. Giải thích cho nhận định này,  Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, nếu Mỹ và châu Âu tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ thì lạm phát mục tiêu của 2 nền kinh tế lớn này sẽ nhanh chóng trở về ở mức ổn định (2%). Khi lạm phát được kiểm soát thì sẽ thấy đà phục hồi kinh tế của hai “bạn hàng” lớn nhất của Việt Nam. Khi kinh tế phục hồi thì sức cầu của 2 thị trường này cũng sẽ cải thiện, và đó là tin rất vui không chỉ với riêng Việt Nam mà với cả nền kinh tế toàn cầu.

Hưng phấn nhưng cẩn thận FOMO

Nguồn: FireAnt
Nguồn: FireAnt


Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, dòng tiền lớn dẫn dắt thị trường vẫn sẽ duy trì VN-Index ở mức cân bằng mới trước khi xác lập xu hướng tiếp theo. 

Cản 1.200 điểm là mức cản tâm lý rất lớn dưới góc độ phân tích kỹ thuật. Trong tuần qua, khi VN-Index chạm mức kháng cự 1.200 điểm đã có một lực chốt lời lớn. Tuy nhiên, ngay sau đó, thị trường lại tăng trở lại, đã củng cố niềm tin của thị trường điều đó giúp phiên giao dịch cuối tuần đạt thanh khoản mạnh với mức tăng hơn 10 điểm.

Tính tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 810 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý II, dù kết quả tiêu cực với mức giảm so với cùng kỳ chiếm hơn 50% tuy nhiên VN-Index vẫn tăng điểm. Có thể thấy kỳ vọng nhà đầu tư đã chuyển sang một trạng thái khác, đó là sự khởi sắc của doanh nghiệp, của thị trường sẽ trở lại vào quý III năm nay. 

Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, thị trường sẽ biến động trong biên độ hẹp quanh mốc 1.200 điểm trong một thời gian trước khi xác lập một xu hướng mới theo kỳ vọng của nhà đầu tư. Trong tâm lý tích cực của cả thị trường, sẽ có những áp lực chốt lời khiến cho thị trường không tránh khỏi những phiên điều chỉnh.

Chính vì vậy, để bảo toàn thành quả đạt được, với những nhà đầu tư đã đạt “target” nên chốt lời một phần, hạ tỷ trọng margin ở mức an toàn để kịp thời xử lý khi thị trường bước vào những nhịp điều chỉnh kỹ thuật. Đặc biệt, không nên FOMO, VN-Index thời điểm hiện tại chưa phải thời điểm “mua con nào cũng thắng”, chính vì vậy nhà đầu tư cần cân nhắc lựa chọn kỹ những nhóm ngành, doanh nghiệp được hỗ trợ tích cực bởi chính sách vĩ mô toàn cầu cho đến cuối năm 2023.

Nguồn cung thắt chặt, giá U-rê lập đỉnh sau 3 tháng, kỳ vọng DPM và DCM hưởng lợi
Thị trường U-rê nóng trở lại trước những nghi ngại về thiếu hụt nguồn cung. Nhiều quốc gia tích cực tích trữ trong khi nguồn cung lại bắt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư