Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Nguồn cung thắt chặt, giá U-rê lập đỉnh sau 3 tháng, kỳ vọng DPM và DCM hưởng lợi
Trương Thạch - 29/07/2023 18:00
 
Thị trường U-rê nóng trở lại trước những nghi ngại về thiếu hụt nguồn cung. Nhiều quốc gia tích cực tích trữ trong khi nguồn cung lại bắt đầu thắt chặt khiến giá phân U-rê tăng mạnh.

Thị trường phân bón lại thiếu nguồn cung, giá U-rê tăng liên tục 5 tuần

Thị trường phân U-rê đã xảy ra hiện tượng thiếu hụt nguồn cung bất ngờ, điều này khiến cho U-rê đã liên tục tăng giá trong 5 tuần qua. 

Nguồn: Wichart
Nguồn: Wichart

Tại Trung Quốc, tuần qua xuất hiện những mối lo ngại về chính sách hạn chế xuất khẩu U-rê trở lại liên quan đến vấn đề an ninh lương thực của “quốc gia tỷ dân”. Tính đến ngày giao dịch cuối tuần 28/7, giá U-rê đóng cửa tại Trung Quốc đã đạt ngưỡng 2.607,14 CNY/tấn. 

Theo Argus Nitrogen, Tập đoàn China Coal đã ngừng vận chuyển các đơn hàng U-rê mới đến cảng biển để tiến hành xuất khẩu. Tại các địa phương ở Trung Quốc, giá U-rê thiết lập những mức khác nhau nhưng điểm chung đều là tăng mạnh so với 3 tháng gần nhất. Tại Sơn Đông, giá đã tăng thêm 150 CNY đạt mốc 2.450 CNY/tấn. Tại Giang Tô, giá U-rê xuất xưởng tăng lên mức 2.850 CNY/tấn (tăng 20 CNY/tấn so với tuần trước).

Nguồn: Wichart
Nguồn: Wichart

Ở khu vực Trung Đông, giá U-rê thiết lập mức đỉnh mới trong vòng 3 tháng với mức giá 384,6 USD/Tấn. Tại châu Phi, Nigeria đã cắt giảm sản lượng xuất khẩu do thiếu hụt nguồn cung khí đốt trầm trọng. 

Trước những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung, giá U-rê tại Mỹ đã tăng 18% trong tuần qua. Theo Argus Nitrogen, trước những diễn biến về giá và như cầu trên thị trường U-rê thế giới, DPM và DCM đã tăng giá chào bán U-rê lên mức 380-390 USD/tấn.

Doanh nghiệp nào hưởng lợi?

Thông tin trên Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, nhu cầu về U-rê của nước ta mỗi năm chỉ khoảng 1,6 đến 1,8 triệu tấn. Trong khi năng lực sản xuất U-rê của 4 nhà máy đạm lớn nhất Việt Nam đã xấp xỉ khoảng 3 triệu tấn (riêng DCM và DPM đã chiếm đến gần 60% sản lượng cả nước).

Như vậy, nguồn cung U-rê trong nước đã ổn định và dư thừa nhiều năm qua. Theo đó, để mở rộng thị phần, các doanh nghiệp sản xuất phân U-rê buộc phải tiến ra thị trường thế giới. 

Năm 2022 - năm hỗn loạn của thị trường phân bón toàn cầu trước xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung phân bón nói chung và phân U-rê nói riêng- một cách rất trầm trọng. 

Chớp lấy thời cơ, 2 doanh nghiệp sản xuất phân U-rê từ khí thiên nhiên là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã chứng khoán DPM) và Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã chứng khoán DCM) nhanh chóng đẩy mạnh thị trường thế giới bằng việc mở rộng hoạt động xuất khẩu lên gấp 3 lần (với DCM) và 4 lần (với DPM).

Giá trị xuất khẩu U-rê của DPM và DCM - Nguồn: tổng hợp từ BCTC
Giá trị xuất khẩu U-rê của DPM và DCM - Nguồn: tổng hợp từ BCTC


Bước sang năm 2023, Trung Quốc mở cửa thương mại trở lại, giá phân U-rê quay đầu giảm hơn 50% so với mức đỉnh nhưng vẫn duy trì ngang mức giá trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Điều đó khiến cho doanh thu từ hoạt động xuất khẩu của DPM và DCM giảm mạnh nhưng vẫn duy trì ở mức cao hơn trước khi đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine diễn ra. 

Với tỷ trọng xuất khẩu vẫn duy trì ở mức ổn định, việc biến động giá trên thị trường thế giới ảnh hưởng rất nhiều tới lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất U-rê tại Việt Nam như Đạm Hà Bắc (DHB), Đạm Ninh Bình (NFC), DCM và DPM. 

Trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào chính của sản xuất phân U-rê là than đá (DHB, NFC) và khí thiên nhiên (DPM, DCM) trong 6 tháng đầu năm 2023 duy trì ở mức ổn định. Giá khí thiên nhiên và than đá liên tục duy trì ở mức cân bằng tương đương với khoảng thời gian trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra.

Nguồn: Wichart
Nguồn: Wichart

Giá khí thiên nhiên duy trì ổn định ở mức 2 – 2,6 USD/Mmbtu. Trong khi đó giá than đá liên tục giảm kể từ đầu năm từ mức 262 USD/Tấn về mức 134 USD/Tấn vào ngày 27/2.

Giá than đá - Nguồn: TradingEconomics
Giá than đá - Nguồn: TradingEconomics

Giá nguyên vật liệu đầu vào ổn định, trong khi giá bán ra tăng mạnh. Điều này sẽ phản ánh trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất phân U-rê, đặc biệt với những doanh nghiệp dành tỷ trọng lớn cho hoạt động xuất khẩu như DPM, DCM. 

Câu chuyện về thiếu hụt nguồn cung U-rê chỉ mới xuất hiện trở lại sau những mối lo ngại về rủi ro của một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực mà thế giới đang phải đối diện. Hiện tượng hạn hán, nắng nóng kỷ lục vẫn đang đe dọa ngành nông nghiệp trên cả thế giới.

Bên cạnh đó, ngày 17/7 người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen chấm dứt hiệu lực do phần thỏa thuận liên quan đến Nga đã không được thực hiện. Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được các bên ký kết nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do cuộc xung đột giữa hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới là Nga và Ukraine. 

Phần thứ hai trong thỏa thuận có thời hạn ba năm đã được ký kết giữa Liên hợp quốc và Nga dưới dạng biên bản ghi nhớ, đề cập đến việc loại bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga. 

Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn vào tháng 11/2022 (thêm 120 ngày) và tháng 3 năm nay (thêm 60 ngày, tới 18/5/2023) và theo lần gia hạn mới nhất ngày 18/5, thỏa thuận đã chấm dứt hiệu lực vào ngày 17/7. 

Điều này khiến cho giá gạo và lúa mì, đi kèm theo đó là giá phân bón toàn cầu nóng trở lại, nhu cầu tích trữ lương thực và phân bón trước những mối nghi ngại về thiếu hụt nguồn cung lập tức đưa giá của các mặt hàng này tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Diễn biến này “vô tình” giúp cho những doanh nghiệp xuất khẩu lương thực và phân bón tại Việt Nam, trong đó có DCM và DPM sẽ được hưởng lợi trong thời gian sắp tới. 

Theo BCTC quý II/2023 của DCM được công bố mới đây thì lượng hàng tồn kho của DCM hiện tại là hơn 2.300 tỷ đồng, trong đó có đến gần 1.400 tỷ đồng là thành phẩm sẵn sàng để bán. 

Hàng tồn kho ròng của DCM (màu vàng) và DPM (màu xanh) - Nguồn: Wichart
Hàng tồn kho ròng của DCM (màu vàng) và DPM (màu xanh) - Nguồn: Wichart

Trong khi đó, theo BCTC quý 1/2023 của DPM, lượng hàng tồn kho hơn 3.600 tỷ đồng, trong đó giá trị thành phẩm chiếm hơn 2.300 tỷ đồng. Nếu BCTC quý II của DPM được công bố với lượng hàng tồn kho vẫn duy trì ở mức cao như quý 1/2023 thì khả năng hưởng lợi trong ngắn hạn của DPM và DCM từ việc giá U-rê thế giới tăng điều có thể xảy ra.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư