Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Triển khai chậm là có lỗi với dân
Thùy Liên - 07/07/2021 20:59
 
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19, Bộ LĐTBXH khẳng định người dân sẽ sớm được tiếp cận gói hỗ trợ này.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung

Quyết định táo bạo, thủ tục “không thể thoáng hơn”

Chiều nay (7/7), Bộ LĐTB&XH họp báo công bố Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Quyết định vừa được Thủ tướng ký chiều nay.

Như vậy, từ khi sau đúng 1 tuần kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, các bộ ngành đã chạy đua thần tốc để xây dựng và trình ban hành kịp thời Quyết định trên.

“Bình thường, quy trình ban hành phải kéo dài cả tháng, song với Quyết định này các bộ, ngành cấp tập làm ngày, làm đêm để trình ban hành chỉ trong vòng mấy ngày. Chưa bao giờ có gói hỗ trợ nào mà "táo bạo" như lần này, tất cả vì mục đích người lao động, chủ sử dụng lao động”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, không chỉ gấp rút về thời gian, việc xây dựng Quyết định trên còn khó khăn còn ở chỗ phải thực hiện mục tiêu mà Thủ tướng giao là cắt giảm tối đa thủ tục, đảm bảo thông thoáng nhất cho người lao động, người sử dụng lao động có thể tiếp cận nhanh được gói hỗ trợ.

Ví dụ, gói cho vay ngừng việc trước đây mất hơn 1 tháng mới giải ngân được, nhưng quy trình mới thì chỉ cần 7 ngày. Hay thủ tục tạm dừng đóng quỹ  hưu trí, tử tuất cũngc hỉ còn một bước thay vì hai bước trước đây, thời gian giải giảm từ 25 ngày xuống còn 5 ngày. Hồ sơ kê kh ai cũng giảm 50%.

Theo lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, 12 nhóm chính sách hỗ trợ lao động và sử dụng lao động được quy định rất rõ ràng, chi tiết trong Quyết định của Thủ tướng, cả về điều kiện, hồ sơ, quy trình thủ tục… Với thủ tục thông thoáng, chậm nhất từ 7-10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan liên quan phải giải quyết để chi trả tiền hỗ trợ sớm nhất cho người thụ hưởng.

Triển khai chậm là có lỗi với dân

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Quyết định 23 không không cần một hướng dẫn nào để triển khai mà kèm theo Quyết định sẽ có những biểu mẫu. Ngay từ ngày mai, người lao động, người sử dụng lao động có thể tìm hiểu, tiếp cận ngay gói hỗ trợ.

Trước những lo ngại về việc đơn giản hoá các thủ tục có thể dẫn tới sơ xuất khi triển khai, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, không nên vì lo ngại trách nhiệm mà đưa ra các thủ tục quá khắt khe, phải tạo thuận lợi cho người dân trước tiên, sau đó tiến hành hậu kiểm.

Ví dụ, lao động tự do trước đây muốn hỗ trợ phải về địa phương xin xác nhận song theo quy định mới, lao động tự do sống tại địa phương nào sẽ nhận được hỗ trợ tại địa phương đó, nguồn dữ liệu của các địa phương phải cố gắng liên thông với nhau để tránh chi trả hai lần, sau đó sẽ tiến hành hậu kiểm.

"Chúng ta nhìn thấy, người dân sống trong các khu cách ly vô cùng vất vả, có các cháu còn rất bé, lao động tự do xếp hàng dài nhận các bữa cơm miễn phí, hôm qua người dân Tp.HCM xếp hàng mua nhu yếu phẩm… để thấy rằng, việc triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ là rất cần thiết.  Người dân ngóng từng ngày, nếu cơ quan, địa phương, đơn vị nào làm chậm là có lỗi với dân, nếu có làm sai thì có tội với dân. Chúng ta chống dịch nhưng phải đảm bảo để không người dân nào bị đói, đứt bữa”", ông Dung nói.

Theo Quyết định 23 của Thủ tướng, trong số 12 nhóm chính sách hỗ trợ, có 7 nhóm chính sach trực tiếp hỗ trợ tiền mặt với lao động bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng do ảnh hưởng dịch, chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiêp và nhóm yếu thế như như lao động nữ mang thai, các F0, F1, trẻ em bị ảnh hưởng do dịch; nhóm lao động đặc thù như nghệ sĩ trong các đơn vị công lập, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ.

Còn lại có 5 nhóm chính sách hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp: giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất trong vòng 12 tháng; đào tạo giữ việc làm cho lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ hộ kinh doanh và cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc, khôi phục sản xuất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư