Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Gói hỗ trợ lãi suất chưa đạt 1% chủ yếu là do… khách hàng
Nguyễn Lê - 06/05/2023 11:14
 
Các khó khăn, vướng mắc khiến cho chính sách hỗ trợ 2% lãi suất mới đạt 0,82% tổng nguồn lực, theo Thống đốc đều có lý do từ khách hàng.
.
Ảnh minh hoạ của Duy Linh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Tại Nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu triển khai quyết liệt Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế, Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu hạ lãi suất cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, yêu cầu này, thời gian qua, Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương.

Kết quả, đến cuối tháng 3/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt gần 91.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 51.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt 327 tỷ đồng cho gần 1.900 khách hàng.

Kết quả này, theo báo cáo của Chính phủ, tương đương 0,82% tổng nguồn lực (40.000 tỷ đồng) đã được Quốc hội quyết định.

Số dự kiến không sử dụng hết của Chương trình là 37.430 tỷ đồng (năm 2022 là 15.900 tỷ đồng, năm 2023 là 21.530 tỷ đồng), theo báo cáo của Thống đốc.

Kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp được Thống đốc báo cáo Quốc hội là do 5 khó khăn, vướng mắc.

Một, khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất, chủ yếu là do tâm lý e ngại thanh kiểm tra của khách hàng (nhất là các doanh nghiệp), cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất (theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

Ngoài ra, khách hàng cũng lo ngại trong trường hợp sau này bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất thì rất khó xử lý vì lúc đó số tiền này đã hạch toán lợi nhuận/chia cổ tức cho cổ đông. Thực tế, một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất, song hiện đã chủ động hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ lãi suất.

Hai, về cơ chế chính sách, ngân hàng thương mại và khách hàng khó khăn trong đánh giá liên quan đến quy định “có khả năng phục hồi” tại Nghị quyết 43/2022/QH15 và khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Cụ thể, qua báo cáo và khảo sát thực tế từ ngân hàng thương mại và các khách hàng, bản thân khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ, song cũng không dám khẳng định “có khả năng phục hồi” (thường được thể hiện thông qua các tiêu chí định lượng như: doanh thu/sản lượng/lợi nhuận tăng hoặc các tiêu chí định tính như đánh giá diễn biến, chiều hướng kinh doanh của khách hàng) vì các đánh giá này là rất khó trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt điều kiện kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế.

Trường hợp khẳng định hoặc đánh giá các tiêu chí doanh thu, sản lượng, lợi nhuận tăng nhưng thực tế do tác động của nhiều yếu tố bất định dẫn tới các chỉ số này không tăng thì các ngân hàng thương mại và khách hàng e ngại sẽ bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá trục lợi chính sách. Ngoài ra, một số khách hàng có doanh thu/lợi nhuận trong giai đoạn dịch cao hơn hiện tại nên rất khó để đánh giá đáp ứng tiêu chí “phục hồi”.

Ba, nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại, tuy nhiên nhiều hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký hộ kinh doanh theo quy định nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Bốn, khách hàng có năng lực tài chính, có lịch sử tín dụng tốt, được các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất ưu đãi nên từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do tự đánh giá đã được vay với lãi suất phù hợp theo các chương trình ưu đãi của ngân hàng thương mại.

Năm, một số khó khăn khác như khách hàng xuất khẩu lựa chọn vay USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

Một số khách hàng đã được hỗ trợ theo các chương trình tín dụng của ngân sách địa phương; Khó khăn trong bóc tách chi phí vay vốn đa ngành nghề. Một số khách hàng có dư nợ hiện hữu thuộc ngành được hỗ trợ lãi suất nhưng lại đang quá hạn nên tạm thời chưa được xem xét hỗ trợ lãi suất theo quy định…

Trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn về vốn thì gói hỗ trợ lãi suất 2% được doanh nghiệp rất mong đợi. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hồi cuối tháng 4/2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  dẫn kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022 cho thấy có tới 56,7% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay.

Trong đó, VCCI nêu rõ, khó đáp ứng điều kiện cho vay là rào cản chính.

PCI 2022: Gói hỗ trợ lãi suất ế, tỷ lệ doanh nghiệp tìm đến tín dụng "đen" tăng
Theo kết quả khảo sát PCI 2022, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải vẫn là tiếp cận tín dụng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư