Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Gọi vốn vào tín dụng xanh: Cần cả "cây gậy" và "củ cà rốt"
Thùy Liên - 03/04/2024 14:32
 
Tín dụng xanh mới chiếm 4,4% tổng dự nợ nền kinh tế, trong khi trái phiếu xanh chỉ đạt 1,16 tỷ USD trong vòng 5 năm qua - con số nhỏ bé so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD/năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.

Tại Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, thị trường tín dụng xanh đã có tốc độ phát triển hơn 20%/năm. Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,5% tổng dự nợ toàn nền kinh tế. Trong khi đó, con số 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua vẫn còn rất nhỏ bé so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các ngân hàngdoanh nghiệp, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, nhất là còn thiếu các quy định, tiêu chí môi trường, Danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia.

Phát biểu tại Hội thảo "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách" diễn ra sáng nay (3/4/2024), bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho hay, trong 7 năm qua (2017-2023), dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/12/2023, đã có 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).

Nhiều TCTD đã xây dựng các gói tín dụng xanh, chương trình tín dụng xanh phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh, chuyển đổi xanh. Các TCTD đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Đến 31/12/2023, dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 2,84 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng hơn 20% so với cuối năm 2022.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh hiện nay còn gặp một số khó khăn chính như: Danh mục phân loại xanh là căn cứ để NHNN đánh giá được hiệu quả của các chính sách, giải pháp trong chính sách tín dụng góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia, là cơ sở quan trọng để các TCTD xác định định mức, quy mô đầu tư, xây dựng và triển khai các chính sách, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp. 

Lý giải nguyên nhân tín dụng xanh còn chiếm tỷ trọng nhỏ, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV chỉ ra các vướng mắc như: chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể (gồm cả thuế, phí, vốn ưu đãi…). Ngoài ra, các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm), chi phí đầu tư lớn,…. trong khi các nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn, trung hạn và bên vay đòi hỏi lãi suất ưu đãi…  

Với trái phiếu xanh, còn thiếu các hướng dẫn chi tiết của các cơ quan chức năng (thông tin, tiêu chí về dự án xanh); cơ chế quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn vốn …; Khung pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng nhà đầu tư…trên thị trường trái phiêu doanh nghiệp còn chưa hoàn thiện; chưa có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành và đầu tư trái phiếu xanh.  

“Tôi cho rằng phải có cơ chế động lực đủ mạnh, tức là có cả cây gậy và củ cà rốt. Việt Nam đã xây dựng được cơ chế chính sách nhưng lại để doanh nghiệp tự chiến đấu. Tôi lấy ví dụ như Trung Quốc đi trước khoảng vài năm nhưng đã có 3 thứ đáng tham khảo gồm lĩnh vực tư nhân đầu tư vào tăng trưởng xanh được giảm lãi suất, họ đã lập quỹ phát triển xanh quốc gia để hỗ trợ, khuyến khích thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm môi trường. Điểm thứ 2 là Việt Nam chưa cụ thể hóa. Quỹ đầu tư quốc tế có 15,5 tỷ USD để đầu tư vào nhưng Việt Nam chưa có danh mục, dự án, chương trình, địa phương cụ thể để họ đầu tư. Cuối cùng, vấn đề liên quan đến danh mục phân loại xanh, đây là điểm cần cập nhật đầy đủ kịp thời”, TS. Lực đề xuất.

Riêng với trái phiếu xanh, nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, cầu trái phiếu xanh ở Việt Nam rất lớn song cung không có do lãi suất không thuận lợi, thủ tục lâu (quy trình kéo dài 6-9 tháng)… Do đó, cần có hành lang riêng cho phát hành trái phiếu xanh ra thị trường quốc tế.  

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản giảm mạnh: Doanh nghiệp xoay đâu tiền trả nợ?
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm mạnh trong tháng 3/2024. Dự đoán năm nay, các doanh nghiệp bất động sản sẽ rất vất vả trong việc xoay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư