Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 30 tháng 09 năm 2024,
Ông Phan Quý Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế:
Gôn tour tạo bước ngoặt chuyển đổi mô hình du lịch của Thừa Thiên Huế
Hồ Hạ - 30/09/2024 17:19
 
Ông Phan Quý Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, sân gôn Golden Sands Golf Resort sẽ tạo bước ngoặt quan trọng trong chuyển đổi mô hình du lịch, giúp ngành kinh tế xanh Thừa Thiên Huế thu hút dòng khách hạng sang có khả năng ở lâu, chi tiêu cao, quay lại nhiều lần.
Ông Phan Quý Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Lễ khai trương sân gôn Golden Sands Golf Resort.

Lâu nay, tỉnh Thừa Thiên Huế nổi tiếng với thương hiệu du lịch di sản. Tuy là lợi thế nổi trội của xứ cố đô Huế, nhưng sản phẩm du lịch truyền thống này lại chưa đủ sức giữ chân du khách ở lâu, chi nhiều tiền, quay lại nhiều lần hơn.

Bởi thế, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, sự ra đời của sân gôn Golden Sands Golf Resort đẳng cấp quốc tế tại xã Vinh Xuân và Vinh Thanh, Phú Vang, Thừa Thiên Huế sẽ giúp tỉnh phát triển các tour du lịch gôn. Đồng thời tạo bước ngoặt quan trọng trong chuyển đổi mô hình du lịch, giúp ngành kinh tế xanh Thừa Thiên Huế thu hút dòng khách hạng sang có khả năng ở lâu, chi tiêu cao, quay lại nhiều lần.

Tạo hệ sinh thái du lịch hấp dẫn dòng du khách hạng sang

Thưa ông, sự ra đời của một sân gôn đẳng cấp như Golden Sands Golf Resort sẽ mang đến điều gì với công tác xây dựng hình ảnh và quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế, khi mà lâu nay du lịch tỉnh luôn gắn với di sản cố đô Huế?

Ngày 28/9, trên bản đồ các điểm đến gôn đặc sắc nhất thế giới đã đánh dấu thêm địa danh Vinh Xuân và Vinh Thanh của tỉnh Thừa Thiên Huế với sự hiện diện của sân gôn Golden Sands Golf Resort, một điểm đến lý tưởng cho các gôn thủ cũng như những người yêu môn thể thao tinh hoa này tại Việt Nam cũng như trên khắp thế giới đến với Thừa Thiên Huế.

- Những năm qua, vượt qua những khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh và thiên tai, cơ sở hạ tầng du lịch đã được tỉnh đầu tư mạnh mẽ, nhất là nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là khu vực Quần thể di tích Cố đô Huế, đưa Huế thành điểm du lịch văn hóa lớn nhất Việt Nam.

Cùng những nét hoang sơ, quyến rũ của cảnh đẹp thiên nhiên, Thừa Thiên Huế còn sở hữu 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã tập trung đầu tư trùng tu, tôn tạo thường xuyên các di sản. Ngoài ra, tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, người dân làm các dịch vụ tốt nhất để du khách đến bớt nhàm chám.

Tuy nhiên, lâu nay, du khách đến Thừa Thiên Huế chủ yếu tham gia các sản phẩm du lịch truyền thống như đi tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh. Các hoạt động này chỉ ở mức độ thôi và đặc biệt nhu cầu tiêu dùng, khả năng tiêu dùng của khách truyền thống lâu nay không cao và có xu hướng ít quay trở lại. Bởi lẽ, đi tham quan phong cảnh thiên nhiên, di sản thì thường thường chỉ đến một tới hai lần, và không quay lại nhiều lần khác.

.
Hố 10 sân gôn Golden Sands Golf Resort.

Do đó, chính quyền Thừa Thiên Huế đã và đang “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước hợp lực đưa du lịch Thừa Thiên Huế tiếp tục cất cánh, bay cao hơn và xa hơn với những sản phẩm, dịch vụ du cao cấp, đặc sắc như golf, MICE (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội nghị…) để níu chân khách ở lâu hơn, chi nhiều tiền hơn.

Vì thế, tôi cho rằng, sự ra đời của sân gôn Golden Sands Golf Resort đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chuyển đổi mô hình du lịch đối với ngành du lịch Thừa Thiên Huế.

Trước hết, đây là một trong số ít những sân gôn được bàn tay thiết kế tài hoa của nhà thiết kế sân golf số 1 thế giới Nicklaus Design do huyền thoại gôn thế giới Gấu Vàng Jack Nicklaus sáng lập thiết kế. Và nó nằm dọc bờ biển tuyệt đẹp của Thừa Thiên Huế tại xã Vinh Xuân và Vinh Thanh, huyện Phú Vang.

Sân gôn Golden Sands Golf Resort nằm trong trung tâm cố đô Huế và các di sản khác chỉ trong vòng bán kính 30 km. Vì thế, sân gôn này ra đời góp thêm một thiết chế, một hạ tầng phục vụ cho thể thao, phục vụ cho du lịch, đặc biệt là trong thời buổi du lịch thế giới có nhiều cạnh tranh hết sức khốc liệt.

Do đó, việc Thừa Thiên Huế có thêm một thiết chế thể thao phục vụ du lịch phát triển, phục vụ du khách là hết sức quan trọng. Nhất là từ đây, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển gôn tour, thu hút du khách mê chơi gôn đến Thừa Thiên Huế nói riêng, đến miền Trung và Việt Nam nói chung.

Và quan trọng hơn, ngành du lịch Thừa Thiên Huế sẽ kết hợp sân gôn Golden Sands Golf Resort với tài nguyên sẵn có gồm hệ thống các di sản, di tích, cùng với thương hiệu kinh đô ẩm thực, kinh đô áo dài,… tạo thành một hệ sinh thái du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách, đặc biệt là dòng khách hạng sang.

.
Vị trí đắc địa của Sân gôn Golden Sands Golf Resort.

Còn với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sự ra đời sân gôn Golden Sands Golf Resort có ý nghĩa như thế nào, thưa ông? 

- Theo thống kê của Hiệp hội Gôn, dòng khách du lịch golf có nhu cầu chi tiêu tương đối khá và lưu trú trong khoảng thời gian tương đối dài. Bình quân, một người chơi gôn đi du lịch gôn thường thường ở lại khoảng 4 – 5 ngày, và mức chi tiêu đạt trung bình khoảng 40 triệu đồng trong một chuyến du lịch gôn, chưa kể vé máy bay. Nhóm khách này thường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ du lịch cao cấp. Cho nên, đóng góp của ngành công nghiệp gôn với thể thao và đóng góp cho du lịch gôn hết sức to lớn.

Hiện nay, ở Nhật Bản có khoảng 2.500 sân gôn phục vụ cho du khách. 2.500 sân gôn này mang lại cho Nhật Bản từ 6% đến 7% GDP. Đây là con số rất cao.

Ngay gần chúng ta, du lịch gôn cũng đóng góp con số doanh thu “khủng” cho ngành du lịch và GDP của đất nước.

Sự hiện diện của sân gôn Golden Sands Golf Resort sẽ góp phần thúc đẩy du lịch gôn tại Thừa Thiên Huế, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và kinh doanh cho cộng đồng cư dân địa phương. Vì thế, sự ra đời của sân gôn này có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.

.
Sự ra đời của sân gôn Golden Sands Golf Resort đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chuyển đổi mô hình du lịch đối với ngành du lịch Thừa Thiên Huế.

Nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư sân gôn

Khi đã có một hệ sinh thái du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách, đặc biệt là dòng khách hạng sang, ngành du lịch Thừa Thiên Huế sẽ làm gì để thu hút dòng khách tinh hoa này, thưa ông?

- Khi hạ tầng, thiết chế của sân gôn đã tốt rồi, để thực sự hấp dẫn được du khách, nhất là dòng khách cao cấp, chúng tôi đã và đang yêu cầu nhà đầu tư tiếp tục hỗ trợ, tiếp tục nỗ lực, tập trung nguồn lực để đầu tư các giai đoạn tiếp theo của sân gôn Golden Sands Golf Resort, đặc biệt là các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng để phục vụ nhu cầu của du khách.

Đối với Chính quyền địa phương, chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để cho sân gôn này được đưa vào vận hành một cách có hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, công tác quảng bá, phối hợp, kết hợp, hợp tác với các hãng du lịch, các hãng lữ hành, các Hiệp hội gôn của khu vực và thế giới cũng như các quốc gia để hấp dẫn du khách đến Thừa Thiên Huế chơi gôn kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng.

.
Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến cho du lịch gôn.

Vậy nói riêng về thu hút đầu tư phát triển sân gôn, Thừa Thiên Huế đã có những chính sách hấp dẫn như thế nào, thưa ông?

- Về chính sách thu hút đầu tư sân gôn nói riêng, tất cả các lĩnh vực đầu tư trên địa bàn tỉnh nói chung, ngoài tất cả các chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ, của Quốc hội, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang có nhiều chính sách hấp dẫn riêng thuộc thẩm quyền của địa phương.

Trước hết, hệ thống chính trị, các cơ quan, sở ban ngành của tỉnh chủ động cải cách hành chính. Chúng tôi chỉ đạo mọi cơ quan, sở ban ngành, không chỉ phải hỗ trợ, không chỉ phải giúp đỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mà phải cùng đồng hành với nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mọi khâu, mọi công việc.

Bởi thế, như nhà báo thấy, chưa có một dự án nào lớn như sân gôn Golden Sands Golf Resort mà lại được thực hiện chỉ trong thời gian rất ngắn. Từ thủ tục hành chính, thủ tục giao đất, tiền thuế đất, rồi cấp phép xây dựng và tất cả các phép có liên quan khác đến khi khai trương chưa đầy 1 năm. Đây thực sự là một kỳ tích.

Mặt khác, đối với những địa bàn khó khăn như xã Vinh Xuân và Vinh Thanh, huyện Phú Vang, nơi sân gôn Golden Sands Golf Resort tọa lạc, tỉnh có những chính sách ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư. Ngoài các chính sách ưu đãi về thuế, chúng tôi có chính sách về miễn, giảm tiền thuê đất, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư triển khai dự án cũng như vận hành sân gôn đạt hiệu quả cao.

.
Ông Phan Quý Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (thứ ba từ trái sang) cùng các đại biểu cắt băng khai trương sân gôn Golden Sands Golf Resort.

Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch golf là một trong những định hướng trọng tâm trong phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Việc quan tâm thu hút đầu tư hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch golf là một chủ trương rất phù hợp và đúng đắn, là một trong những ưu tiên của địa phương nhằm phát triển ngành du lịch dịch vụ trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế.

Tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn dự án sẽ hoạt động hiệu quả, đem lại chất lượng dịch vụ tốt nhất cho người dân và du khách, đồng thời, đề nghị chủ đầu tư tiếp tục phát huy kinh nghiệm tổ chức thực hiện dự án, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ triển khai giai đoạn 3 và 4 đối với khu khách sạn, khu nghỉ biệt thự nghỉ dưỡng phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf và khu sân golf cũng như các hạng mục công trình còn lại thuộc dự án với chất lượng, tiến độ theo cam kết. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án vận hành hiệu quả và sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, đồng hành với nhà đầu tư.

Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga kể chuyện 135 ngày thần tốc kiến tạo tuyệt tác sân gôn tại xứ Huế
Tại Lễ khai trương sân gôn Golden Sands Golf Resort, sáng 28/9/2024, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, đại diện chủ đầu tư đã chia sẻ câu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư