Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
"Gọng kìm" thắt chặt, tương lai nào cho tiền điện tử ở Trung Quốc?
T.T - 30/06/2021 12:39
 
Đã nhiều năm Trung Quốc theo đuổi chính sách nhất quán về hạn chế Bitcoin và các loại tiền điện tử phi tập trung khác và Bắc Kinh đang ngày càng thắt chặt "gọng kìm".

Trung Quốc đang đóng cửa các trang trại “đào” tiền điện tử trên khắp đất nước. Ủy ban Cải cách và Phát triển của tỉnh Tứ Xuyên đã ban hành nghị định hướng dẫn các công ty năng lượng phát hiện các địa điểm khai thác Bitcoin và cắt nguồn cung cấp điện cho các trang trại đó.

Ngay sau đó, 26 công ty đào tiền điện tử lớn nhất đã phải ngừng hoạt động. Trong bối cảnh làn sóng truy quét mới đối với tiền điện tử ở Trung Quốc, giá trị của đồng Bitcoin đã giảm gần 3,5% mỗi ngày.

Đã nhiều năm nay Trung Quốc theo đuổi chính sách nhất quán về hạn chế Bitcoin và các loại tiền điện tử phi tập trung khác. Ngay từ năm 2017, Bắc Kinh đã cấm các sàn giao dịch chứng khoán và các đợt phát hành tiền điện tử lần đầu (ICO). 

Trước đó, các cấu trúc ngân hàng của Trung Quốc được yêu cầu không thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền điện tử. Tuy nhiên, cộng đồng tiền điện tử Trung Quốc đã tìm ra cách lách luật để thích ứng với những lệnh cấm này. Ví dụ, các sàn giao dịch tiền điện tử chỉ cần chuyển đến các khu vực pháp lý khác như Nhật Bản, Singapore... 

Trong khi đó, với những người nắm giữ tiền điện tử Trung Quốc, những quy định này hầu như không ảnh hưởng quá nhiều. Để phục vụ những người không muốn giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới, mô hình kiểu như cho vay ngang hàng (P2P) đã nhanh chóng phát triển để đáp ứng giao dịch tiền điện tử.

Trong thời gian dài Chính phủ Trung Quốc đã không “sờ gáy” các nhà khai thác tiền kỹ thuật số. Trung Quốc từ lâu giữ vị trí hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khai thác Bitcoin. Nước này hiện chiếm tỷ lệ hơn 60% hashrate của thế giới, hashrate là đơn vị đo lường khả năng giải thuật toán của thiết bị “đào” tiền kỹ thuật số.

Nguồn điện dồi dào với giá tương đối rẻ, cùng với ngành công nghiệp vi điện tử phát triển cho phép thiết lập nguồn cung cấp cho các trang trại đào tiền kỹ thuật số tập trung. Đây là những yếu tố chính thúc đẩy sự lan rộng của ngành kinh doanh này ở Trung Quốc. 

Tại các vùng Tân Cương, Nội Mông, Vân Nam, Tứ Xuyên xuất hiện những trang trại khổng lồ khai thác tiền điện tử. Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cỗ máy thực hiện các phép tính suốt ngày đêm để xác nhận giao dịch chuỗi khối. Một trang trại khai thác với thiết bị trị giá vài triệu USD có thể “ngốn” điện ngang với cả một thành phố.

Một mặt, lệnh cấm khai thác Bitcoin có thể đe dọa hoạt động kinh doanh của các “thợ đào” tiền điện tử Trung Quốc, những người đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào chu trình khai thác thực tế. Rủi ro này cũng liên quan đến các nhà sản xuất thiết bị tương ứng. Ví dụ, Bitmain có trụ sở tại Bắc Kinh là nhà cung cấp máy khai thác tiền điện tử ASIC lớn nhất thế giới.

Giới quan sát nhận định, các biện pháp cấm hoạt động đào tiền điện tử của Trung Quốc cũng không quá bất ngờ, bởi Bắc Kinh đã cam kết với cộng đồng quốc tế là đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Do việc khai thác Bitcoin ở Trung Quốc thường dựa vào nguồn điện than giá rẻ, không khó để giả định rằng sớm hay muộn Chính phủ Trung Quốc sẽ hạn chế việc cung cấp tài nguyên sản xuất theo con đường không thân thiện với môi trường này.

Thực tế ở Tứ Xuyên cũng cho thấy, việc khai thác tiền điện tử đã không còn thuận lợi ngay cả khi các trang trại dùng điện từ các nhà máy thủy điện không gây thiệt hại cho môi trường. Chuyên gia Biện Vĩnh Tổ từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh thuộc Đại học Thanh Hoa giải thích rằng Trung Quốc đang siết chặt lệnh cấm đối với Bitcoin không chỉ vì lý do sinh thái - môi trường.

Các lệnh cấm đối với Bitcoin và hoạt động khai thác tiền điện tử đã được đẩy mạnh từ phiên họp tháng 5/2021 của Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính Trung Quốc do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc chủ trì. Khi đó, ông Lưu Hạc đã nhấn mạnh rằng nước này cần đấu tranh chống lại việc khai thác Bitcoin và các giao dịch bằng tiền kỹ thuật số, kiên quyết ngăn chặn dòng chảy rủi ro vào lĩnh vực xã hội.

Đấu tranh chống rủi ro ổn định tài chính là một trong ba cuộc chiến khó khăn của Trung Quốc, song hành với cuộc chiến chống đói nghèo và ô nhiễm môi trường mà Chủ tịch Tập Cận Bình thường xuyên đề cập đến. Điều này có nghĩa là việc khai thác tiền điện tử sẽ thành tâm điểm chú ý đặc biệt.

Đồng thời các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc đang đưa ra các lệnh cấm và chỉ thị mới đối với các cấu trúc tài chính liên quan đến tiền điện tử.

Hồi tháng Năm năm nay, Hiệp hội Tài chính Internet Trung Quốc, Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc và Hiệp hội Thanh toán và Thanh toán bù trừ Trung Quốc công bố lệnh cấm các thể chế tài chính, bao gồm ngân hàng và các kênh thanh toán trực tuyến, cung cấp cho khách hàng bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến tiền kỹ thuật số, như đăng ký, giao dịch và thanh toán.

Báo chí Trung Quốc đưa tin mới đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) một lần nữa tổ chức cuộc thảo luận với các cấu trúc ngân hàng và dịch vụ thanh toán, thúc giục họ kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động giao dịch tiền điện tử. Như vậy, các biện pháp hiện hành cùng với lệnh cấm khai thác, trong tương lai gần sẽ “vô hiệu hóa” các hoạt động liên quan đến tiền điện tử.

Chuyên gia Biện Vĩnh Tổ nhận xét rằng Bitcoin không có tương lai ở Trung Quốc.

Bản chất của Bitcoin và các loại tiền điện tử phi tập trung mâu thuẫn với ý tưởng điều phối quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính, và mục tiêu kiểm soát rủi ro mà chính quyền Trung Quốc duy trì. Thứ nhất, tính ẩn danh của các giao dịch cho phép người dùng vượt qua các hạn chế về chính sách và rút vốn khỏi đất nước...

Từ thực trạng nền kinh tế của Trung Quốc bị thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm ngoái, xu hướng thoái vốn có thể dẫn đến việc thiếu thanh khoản nghiêm trọng. Tính đến khả năng siết chặt chính sách tiền tệ của Mỹ trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang mạnh lên, nguy cơ này đang rõ nét hơn. 

Ngoài ra, sự biến động của tiền điện tử và cụ thể là Bitcoin cũng có thể tạo ra căng thẳng xã hội. Trong bối cảnh không nhiều cơ hội đầu tư, nhiều người dân Trung Quốc bắt đầu tích cực mở rộng đầu tư vào tiền điện tử dưới tác động từ “cơn bão” thông tin với mục đích hình thành sở thích của người tiêu dùng.

Vấn đề là mọi người thường dồn khoản tiết kiệm của họ vào tiền điện tử, mặc dù không đánh giá được tất cả những rủi ro. Rõ ràng, tiền kỹ thuật số đã mâu thuẫn với “trận chiến cam go” thứ hai của Bắc Kinh là xóa đói giảm nghèo. Trung Quốc không thể để cho tình hình xã hội trong nước xấu đi.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Trung Quốc “từ chối” đổi mới trong lĩnh vực tài chính. Bắc Kinh đang tạo ra trật tự trong ngành này, đồng thời phát triển công nghệ tiền tệ kỹ thuật số dưới sự kiểm soát của nhà chức trách.

Ủy ban châu Âu công bố kế hoạch kiểm soát tiền điện tử
Ủy ban châu Âu (EC) công bố các kế hoạch nhằm kiểm soát tiền điện tử, theo đó đề xuất những quy tắc có thể hạn chế sự phát triển của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư