Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi: Doanh nghiệp lo ngại bị níu chân vì thêm rào cản
Trần Hà - 15/08/2019 14:35
 
Gia tăng chi phí do cách tính lương lũy tiến theo giờ làm thêm, giảm giờ làm thông thường, giới hạn giờ làm thêm… là lo ngại mà khối doanh nghiệp đưa ra khi góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.
.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, nhịp độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã chậm lại.

Lo ngại gia tăng chi phí

Tại Hội thảo “Góp ý sửa đổi Dự thảo Bộ luật Lao động từ cộng đồng doanh nghiệp” được tổ chức mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, nhịp độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã chậm lại, đơn cử mức tăng xuất khẩu chỉ đạt hơn 7% (các năm trước tăng khoảng 15-20%). Nền kinh tế Việt Nam đang phải chịu tác động bất lợi của căng thẳng Mỹ - Trung. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo còn giảm tiếp, nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhất định.

Dựa trên những phân tích trên, ông Lộc khẳng định, với việc đưa ra cách tính lương lũy tiến theo giờ thay vì cách tính hiện hành, lương làm thêm ngày thường là 150%, ngày nghỉ hàng tuần 200%, ngày nghỉ lễ 300%, vô hình trung, Dự thảo Bộ luật Lao động làm tình hình thêm khó khăn hơn. “Tác động làm tăng chi phí của doanh nghiệp ở thời điểm này sẽ gây khó cho việc duy trì sản xuất, cũng là khó đảm bảo nhịp độ tăng trưởng GDP, đảm bảo ngân sách”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Theo ông Lộc, lương tối thiểu đã tiệm cận, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Thực tế, đa số doanh nghiệp đang trả lương cho người lao động hơn mức lương tối thiểu. Điều đáng quan ngại là, tiền lương tối thiểu tăng hàng năm kéo theo nhiều chi phí “ăn theo” tăng lên, gồm cả phí công đoàn, bảo hiểm... Do vậy, nếu quy định tăng lương làm thêm theo giờ như Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, thì sẽ tác động kép lên khối doanh nghiệp.

Nhìn vào thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, với quy định tính lũy tiến lương làm thêm giờ như Dự thảo đề xuất, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đẩy chi phí nhân công lên cao, giá thành sản phẩm theo đó cũng tăng vọt. Chính vì vậy, nên giữ nguyên quy định về tiền lương làm thêm giờ như hiện nay.

“Nếu tính lũy tiến tiền lương làm thêm giờ, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 90% tổng số doanh nghiệp) chịu tác động nhiều nhất, làm cho năng lực và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước giảm mạnh. Đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử, tác động sẽ nhiều nhất”, ông Cẩm phân tích thêm.

Lo ngại rào cản níu chân

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi tiếp tục quy định về trần làm thêm giờ theo tháng, với mức 40 giờ/tháng, nhằm bảo vệ sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động, tạo điều kiện linh hoạt hơn cho người sử dụng lao động, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và quy định về thời gian làm việc trong các bộ quy tắc ứng xử (CoC) của các nhãn hàng.

Theo ông Lộc, về cơ bản, cộng đồng doanh nghiệp nhất trí cao với những quy định mới trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, song vẫn còn một số vấn đề được cho là rào cản níu chân doanh nghiệp. Cụ thể, quy định nâng trần giờ làm thêm lên 400 giờ/năm là hợp lý, nhưng tăng thêm 100 giờ so với các ngành nghề đặc biệt, giảm 200 giờ so với tất cả các doanh nghiệp bình thường là bất hợp lý.

Đồng ý với phương án mở rộng giờ làm thêm lên đến 400 giờ/năm đối với những trường hợp đặc biệt, nhưng ông Cẩm kiến nghị không quy định mức trần làm thêm giờ theo tháng để doanh nghiệp linh hoạt thực hiện tùy theo phương án sản xuất - kinh doanh. 

Ngoài quy định giờ làm thêm, quy định điều chỉnh giờ làm ngày thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần của Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi cũng được ông Lộc nhận định là không hợp lý, vì sẽ khiến doanh nghiệp bị giảm đến 220 giờ làm/năm.

“Việc giảm giờ làm từ 48 giờ xuống còn 44 giờ/tuần chỉ nên áp dụng ở những nước có năng suất lao động cao, thu nhập cao. Hiện nay, năng suất và thu nhập của người lao động Việt Nam chưa cao, nên việc giảm giờ làm là chưa phù hợp, khiến doanh nghiệp phải tăng thêm chi phí trả tiền làm thêm giờ cho lao động”, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên phân tích.

Được biết, từ nay đến khi trình Quốc hội thông qua Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi tại kỳ họp thứ 8, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tổ chức tham vấn đông đảo các đối tượng khác nhau, nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội với những nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự thảo.

5 vấn đề khẩn thiết với doanh nghiệp

Mới đây, 7 hiệp hội gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) và Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đã cùng ký vào một văn bản khẩn thiết liên quan đến việc sửa đổi Bộ luật Lao động.

“Bộ luật có phạm vi điều chỉnh lớn và ảnh hưởng sâu rộng tới môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng như quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam đối với thế giới”, các hiệp hội lý giải như vậy trong văn bản gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp. Văn bản này đề cập 5 bất cập trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó có các vấn đề về số giờ làm thêm tối đa trong một năm và tiền lương làm thêm giờ; về việc giảm thời giờ làm việc trong tuần xuống 44 giờ/tuần…

Tìm lời giải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Không có cuộc cải cách nào thành công mà không phải trả giá. Đối với Việt Nam, để thoát bẫy thu nhập trung bình, cái giá nào chấp nhận được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư