Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tìm lời giải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Anh Trung - 11/06/2019 08:55
 
Không có cuộc cải cách nào thành công mà không phải trả giá. Đối với Việt Nam, để thoát bẫy thu nhập trung bình, cái giá nào chấp nhận được là câu hỏi mà các chuyên gia kinh tế đang trăn trở tìm câu trả lời.
.
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố tiên quyết nếu Việt Nam muốn duy trì đà tăng trưởng.

Chủ động tạo biến đổi để đột phá

Mức tăng trưởng của Việt Nam được các chuyên gia nhìn nhận đang có xu hướng giảm dần đều theo giai đoạn mỗi 10 năm. Vì vậy, giai đoạn tiếp theo, để có thể duy trì mức tăng trưởng, thậm chí như mức hiện nay, cũng đang là bài toán không hề đơn giản.

Trong Báo cáo nhằm đưa ra các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam hướng tới tăng trưởng chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2030, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) một lần nữa khẳng định, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong tiềm năng tăng trưởng trung hạn, trong đó nổi bật là tốc độ già hoá dân số cao, trong khi đầu tư và tăng trưởng năng suất lại thấp.

Do vậy, khuyến nghị mà vị chuyên gia WB đưa ra là, Việt Nam cần lập tức tăng cường cho đầu tư và thúc đẩy tăng năng suất để tái tạo đà tăng trưởng cho giai đoạn tới. Cụ thể, Việt Nam cần có những cải cách sâu rộng nhằm tăng hiệu quả trung gian tài chính để phân bổ tiết kiệm cho đầu tư hữu hiệu. Đồng thời, cũng phải giải quyết các điểm nghẽn cản trở khu vực kinh tế thực, đầu tư và phát triển của khu vực tư nhân thông qua việc cải cách môi trường kinh doanh “thế hệ mới”, như khung pháp lý cho phá sản, thị trường nhân tố, khung pháp lý cho cạnh tranh...

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố tiên quyết nếu Việt Nam muốn duy trì đà tăng trưởng. “Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia bằng việc gia tăng bảo hộ sở hữu trí tuệ, khơi nguồn tài chính cho khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái cho cạnh tranh... để có thể tăng năng suất của doanh nghiệp”, ông Sebastian Eckardt nói.

Bình luận về báo cáo của WB, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, báo cáo vẫn chưa đưa ra được câu trả lời trúng đích cho những câu hỏi lớn mà kinh tế Việt Nam đặt ra. “Theo Báo cáo, Việt Nam không còn nhiều vướng mắc ở vĩ mô, mà vướng mắc chủ yếu nằm ở vi mô là doanh nghiệp. Vậy với thể chế tương đối ổn, trong giai đoạn tới, cải cách thể chế có còn được xem là một trong 3 đột phá nữa không?”, ông Kiên đặt câu hỏi. 

Theo ông Kiên, muốn đạt được những mục tiêu tham vọng, Việt Nam cần phải có sự bùng nổ để tạo dựng hình thức mới, chủ động tạo ra biến đổi đột phá để hình thành đổi mới. Nhưng như vậy đồng nghĩa với việc cũng phải sẵn sàng trả giá. “Bỏ qua quan điểm chính trị và con người, không có cuộc cải cách nào thực hiện thành công mà không có cái giá của nó. Vậy giá như thế nào thì chấp nhận được với Việt Nam?”, ông Kiên bày tỏ.

Đưa ra những nhận xét về thách thức mà tăng trưởng Việt Nam gặp phải, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, chất lượng tăng trưởng đang gặp vấn đề, năng suất lao động tổng hợp tăng thấp, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh từ sản phẩm, doanh nghiệp tới quốc gia đều thấp.

“Tại sao nền kinh tế năng động như thế, cải cách thể chế, hội nhập như vậy, nhưng doanh nghiệp hoạt động lại khó khăn? Đây có phải do yếu tố về khả năng công nghệ hay không?”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu và cho rằng, cốt lõi vẫn là nghiên cứu cơ bản. Nghiên cứu, ứng dụng của Việt Nam hiện tại thấp nên không thể nắm giữ công nghệ, ứng dụng công nghệ và làm chủ công nghệ.

Hạ tầng vẫn là điểm nghẽn của nền kinh tế

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, tăng trưởng hạ tầng 1% sẽ giúp GDP tăng 0,08%, do vậy, dù muốn hay không, đầu tư cho hạ tầng vẫn là điều Việt Nam phải làm để kích thích tăng trưởng. 

Theo bà Madhu Raghunath, Điều phối viên nhóm phát triển bền vững WB, Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng trong hoạt động đầu tư vào hạ tầng. Việt Nam cần duy trì mức chi đầu tư hạ tầng như hiện nay để đáp ứng nhu cầu gia tăng từ các ngành hạ tầng quan trọng như năng lượng, giao thông và hạ tầng đô thị.

Khi Việt Nam gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, thách thức chính trong lĩnh vực hạ tầng không còn là số lượng, mà là chất lượng, thứ tự ưu tiên của dự án, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư.

“Chính phủ Việt Nam cần có một tầm nhìn đầy tham vọng để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án hạ tầng. Để làm được điều này, cần có những thay đổi mạnh mẽ về khung pháp lý ở Trung ương và địa phương”, bà Madhu nêu khuyến nghị.

Bình luận vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ hai mối băn khoăn. Thứ nhất,  mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh bền vững với nhu cầu đầu tư hạ tầng thế nào là phù hợp. “Khi ta có hạ tầng tốt, ta sẽ có tăng trưởng nhanh, ngược lại, tăng trưởng nhanh nhu cầu đầu tư cho hạ tầng lại phải lớn, mối quan hệ này như thế nào là cân bằng trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, đây là vấn đề lớn nghiên cứu cần chỉ ra”, Bộ trưởng nói.

Thứ hai, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chất lượng hạ tầng đúng là đang gặp vấn đề rất lớn. Do vậy, nghiên cứu cũng cần chỉ rõ, hạ tầng Việt Nam hiện nay ra sao, cơ cấu trong các lĩnh vực vận tải của Việt Nam đã hợp lý chưa. “Có lẽ chúng ta đang bị mất cân đối khi tính toán đầu tư, tính toán về cơ cấu của các loại hình vận tải”, Bộ trưởng Dũng đánh giá.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng, chất lượng của tư vấn hiện nay rất thấp, sân bay, đường bộ vừa đầu tư xong lại đề xuất mở rộng, nâng cấp. Điều này cho thấy, dự báo, tầm nhìn không theo kịp với thực tế xã hội

Ngoài ra, các mặt về kết nối không đồng bộ, không đảm bảo, nên khai thác sử dụng không thể hiệu quả. Ví dụ, tải trọng của cầu không đồng bộ với tải trọng của đường, làm cảng xong thì không có đường đấu nối, làm cao tốc thì thiếu đường gom… Nếu chúng ta tính đầu tư chỉ trong phạm vi một dự án, chứ không có cái nhìn đồng bộ, thì không bao giờ phát huy được hiệu quả?

“WB cần giúp chúng tôi nghiên cứu sâu hơn để thấy được điểm nghẽn của hạ tầng, cũng là điểm nghẽn của nền kinh tế. Nếu không, chúng ta cứ nói đi nói lại mãi một bài toán, mà không có lời giải”, Bộ trưởng Dũng đặt hàng phía WB.

Động lực nào quyết định tăng trưởng kinh tế 2019
Tăng trưởng kinh tế năm 2019 sẽ trông cậy vào sản xuất công nghiệp, chế biến và cơ chế thúc đẩy nguồn lực xã hội vào sản xuất.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư