Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
GRDP An Giang tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây
Hữu Phúc - 18/12/2019 17:38
 
Năm 2019, kinh tế - xã hội tỉnh An Giang phát triển khá toàn diện với tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra... Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về nội dung này.
.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Năm 2019 chuẩn bị khép lại, ông có thể khái quát bức tranh kinh tế của tỉnh An Giang trong năm nay?

Năm 2019 là năm kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các mặt, nhiều lĩnh vực chuyển biến rõ nét hơn, tăng trưởng cao hơn năm trước, ước đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu HĐND tỉnh giao, trong đó có 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt.

Kinh tế tiếp tục ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 7,02% so với năm 2018, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Thu ngân sách từ kinh tế địa bàn ước đạt 6.700 tỷ đồng, bằng 110,2% so với dự toán, bằng 111,8% so với năm 2018. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 31.887 tỷ đồng, tăng 1.708 tỷ đồng so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 890 triệu USD, tăng 5,95% so cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục có chuyển biến, chất lượng và hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển. Hạ tầng nông thôn từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, gắn liền với kết quả tích cực từ việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Trong bức tranh kinh tế chung của tỉnh, hai ngành mũi nhọn là nông nghiệp và du lịch phát triển ra sao?

Trong mức tăng 7,02% GRDP của tỉnh An Giang, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%, đóng góp 0,82 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Trong nông nghiệp, lúa và thủy sản là hai mặt hàng chủ lực cũng đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2019, tổng sản lượng lúa của tỉnh đạt gần 3,92 triệu tấn, trong đó sản lượng nếp và các giống lúa chất lượng đạt khoảng 1,050 triệu tấn, tăng 73.700 tấn so với năm trước.

Sản lượng thủy sản cả năm đạt 532.600 tấn, tăng 9,41% so với cùng kỳ. Trong đó, trước những yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu, ngành cá tra từng bước nâng cao chất lượng nguyên liệu, đồng thời tăng cường chuỗi liên kết gắn doanh nghiệp với người nuôi, nên sản lượng tiếp tục tăng, đạt 412.000 tấn, tăng 13,53 tấn so với năm trước.

Về du lịch, lượt du khách đến An Giang ước tăng 8,24% so với cùng kỳ năm 2018. Các khu du lịch trọng điểm như Núi Sam, Núi Cấm, Trà Sư, Cù Lao Giêng tiếp tục được quan tâm đầu tư, quy hoạch phát triển. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng, số cơ sở lưu trú được phân hạng từ 1 sao trở lên tăng so với năm trước...

Còn tình hình phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư của tỉnh đạt kết quả thế nào, thưa ông ?

Trong các năm qua, An Giang đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư và ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, công trình cầu Vàm Cống hoàn thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho An Giang trong thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, giao thương với các tỉnh, thành phố trong và ngoài vùng.

Tính trong 11 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh An Giang có 76 dự án đăng ký đầu tư mới (gồm 2 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng vốn đăng ký là 17.636 tỷ đồng. Cùng thời gian này, tỉnh đã có thêm 664 doanh nghiệp đăng ký mới, với tổng vốn đăng ký 4.521 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có 10.031 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 60.014 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tình hình triển khai thực hiện 10 dự án đã ký biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư với tổng vốn dự kiến gần 105.000 tỷ đồng cũng tương đối khả quan, các nhà đầu tư đang khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định. Các dự án này khi được cấp phép và đi vào hoạt động, sẽ làm gia tăng đáng kể nguồn vốn thu hút đầu tư của tỉnh, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi, khó khăn, tỉnh An Giang đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020 như thế nào ?

Về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020, mục tiêu tổng quát mà tỉnh đề ra là tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực, để phát triển kinh tế ổn định, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tập trung đầu tư, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội...

Xin ông nói rõ hơn về việc tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà tỉnh An Giang thực hiện ?

Tỉnh An Giang tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung xây dựng hạ tầng để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước; vận dụng linh hoạt những chính sách của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với quy định pháp luật, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch và tạo quỹ đất.

Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có thể hoàn thành thủ tục sớm nhất để gia nhập thị trường, tiếp cận nguồn vốn, đáp ứng mặt bằng nhanh và nguồn nhân lực cho nhà đầu tư nhằm tạo sự hài lòng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư khi đến với An Giang.

An Giang sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thuê đất của nhà đầu tư
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang, kể từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư An Giang (tháng 12/2018) đến nay, Ban đã tiếp và làm việc với 30 nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư