Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
GS-TS. Võ Đại Lược: Người có tài không “chạy” làm quan
Nguyên An - Khánh An - 03/09/2020 09:18
 
“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói đến tệ nạn “chạy” chức, “chạy” quyền, mà cứ “chạy” thì làm sao chọn được người tài, những người tài thì không “chạy” để được làm quan chức”.

GS-TS. Võ Đại Lược tâm tư về công tác cán bộ.

.
GS-TS. Võ Đại Lược.

Việt Nam không hiếm người tài

Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 cũng là thời điểm diễn ra đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Về khâu then chốt của Đại hội - công tác cán bộ, Trung ương đặc biệt chú trọng tiêu chuẩn nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, làm việc có hiệu quả. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ đạo sớm ban hành quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là đúng đắn, nhưng phải biến thành chính sách cụ thể, thì mới chọn được người tài cho nhiệm kỳ tới, GS-TS. Võ Đại Lược đề cập ngay vấn đề chọn người tài khi bắt đầu cuộc trò chuyện.

Chứng kiến từ những ngày đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, từng đề xuất chương trình chống lạm phát với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười (sau này là Tổng Bí thư Đỗ Mười), thành viên nhóm tư vấn cho Tổng Bí thư Trường Chinh, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt..., ông có suy nghĩ gì về chính sách trọng dụng nhân tài của Việt Nam?

Thời nào cũng cần đến nhân tài, Việt Nam không hiếm người tài. Ngày xưa, các đời vua cũng tổ chức những kỳ thi để chọn nhân tài, đỗ tiến sỹ là đi làm quan ngay, không câu nệ tuổi tác.

Lịch sử của các quốc gia phát triển như Singapore, Hàn Quốc cũng cho thấy, chỉ có trọng dụng nhân tài mới tạo ra đột phá cho sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia.

Qua tuổi được nghỉ hưu đã lâu, không còn làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, song GS-TS. Võ Đại Lược vẫn miệt mài làm việc. Ông đang giữ cương vị Tổng giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Ủy viên Hội đồng Tư vấn kinh tế của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nếu không phải ngày cuối tuần, gọi điện cho ông đều thấy ông trả lời: “đang ở phòng làm việc”.

Việt Nam từ khi tiến hành công cuộc đổi mới cũng không thiếu những câu chuyện hay về dùng người, nhưng cho đến tận thời điểm này, chúng ta chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để tuyển dụng và trọng dụng nhân tài. Vì thế, mỗi năm có đến hàng trăm sinh viên đỗ thủ khoa khi ra trường, nhưng sau đó chỉ có

1 - 2% vào làm cơ quan nhà nước. Cách đây 5 - 6 năm, tôi đến thăm Đại học Harvard (Mỹ), Hiệu trưởng trường này bắt tay vui mừng cảm ơn tôi vì tôi đã giới thiệu cho trường những người xuất sắc. Nhưng nhiều người trong số đó ở lại nước ngoài chứ không về nước làm việc, vì người xuất sắc họ không “chạy” để vào bộ máy.

Trước Đại hội Đảng lần thứ XII, ông cũng đã từng bày tỏ hy vọng về những giải pháp đột phá, đổi mới mạnh mẽ trong công tác trọng dụng nhân tài, cũng như đề bạt, bổ nhiệm cán bộ để tạo “lực đẩy” giúp đất nước phát triển một cách mạnh mẽ. Nay Đại hội Đảng lần thứ XIII đến khá gần, ông có tiếp tục gửi gắm hy vọng này không?

Tôi rất mong những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về công tác cán bộ được biến thành cơ chế, chính sách cụ thể. Chưa nói đến Trung ương, mà ở cấp tỉnh thôi, liệu có thể đổi mới theo hướng đăng báo công khai tiêu chuẩn ứng viên, rồi lập hội đồng tuyển chọn khách quan, công bằng chức giám đốc, phó giám đốc các sở hay không. Công khai, minh bạch thì mới chọn được người có tài thực sự. Tiến tới, ngay cả chức bí thư tỉnh ủy cũng phải có cạnh tranh, còn nếu không có cạnh tranh, chỉ dựa vào quy hoạch, thì “chạy” là khó tránh. Mà khi đã bỏ tiền ra để “chạy”, thì sau đó họ sẽ phải tìm cách thu lại, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.

Thời gian qua, kết quả phòng, chống tham nhũng được đánh giá rất tích cực. Theo ông, điều này sẽ tác động đến công tác cán bộ nhiệm kỳ tới ra sao?

Tôi đánh giá cao kết quả phòng chống tham nhũng. Kết quả đó thể hiện quyết tâm không thể thỏa hiệp với quốc nạn này, nhưng vấn đề là cơ chế “đẻ” ra tham nhũng thì ta chưa xử lý được. Khi vẫn còn duy trì cơ chế xin - cho, đất cũng xin, vốn cũng xin, cái gì cũng xin cả, thì đương nhiên tránh sao được tham nhũng. Muốn xóa tham nhũng tận gốc, thì phải xóa cơ chế xin - cho, và phải kiểm soát được quyền lực.

Ông Lý Quang Diệu khi làm Thủ tướng Singapore đã trả lương bộ trưởng 1,1 triệu SGD/năm (tương đương 830.000 USD), cao hơn lương Tổng thống Mỹ, nhưng để lại 10% vào quỹ chống tham nhũng, “anh” nào tham nhũng là mất luôn số này. 10% là hơn 100.000 SGD, làm bộ trưởng 5 - 6 năm là có 500.000 - 600.000 SGD ở quỹ đó, nếu tham nhũng vài trăm SGD thì sẽ mất cả chỗ đó, nên Singrapore không có tham nhũng.

Doanh nghiệp tư nhân phải là chủ lực

Là người trăn trở với đổi mới thể chế, từ trước Đại hội Đảng XII, chuyên gia Võ Đại Lược cho rằng, quan trọng nhất là hiện đại hóa thể chế, trong đó, thể chế kinh tế phải thực hiện trước. Muốn làm được điều đó, thì phải đổi mới từ tư duy và quan điểm phát triển trong Đảng.

Những năm gần đây, đâu là điểm sáng trong hiện đại hóa thể chế kinh tế, thưa ông?

Nói thật là tôi chưa thấy nhiều, tuy nhiên, có một điều may mắn là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tương đối khá, có thời điểm, khu vực FDI chiếm đến 70% giá trị xuất khẩu và 55% giá trị sản xuất công nghiệp, chiếm 18% GDP.

Khi chưa có đại dịch Covid-19, năm 2019, Việt Nam đã nằm trong top 10 nước tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Nhưng nếu xem xét nghiêm túc, thì nền kinh tế có rất nhiều vấn đề, như giải ngân đầu tư công còn chậm, nợ xấu được tuyên bố giảm, nhưng phần lớn là đảo nợ, chứ thực chất chưa xử lý được bao nhiêu. Nhìn chung, tái cơ cấu nền kinh tế còn ì ạch.

Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến khó lường, ông nhận định thế nào về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay?

Nếu theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) và một số tổ chức quốc tế, năm nay, GDP của Việt Nam tăng 2,8%, vẫn nằm trong 5 nước tăng trưởng dương cao nhất thế giới. Trong bối cảnh các nước khu vực Đông Nam Á đều được dự báo tăng trưởng âm, thì Việt Nam giữ được ở mức 2,8% cũng là khá.

Năm nay, dự báo kinh tế toàn cầu sẽ âm khoảng 5%, mức chưa từng có trong 60 - 70 năm trở lại đây, nếu Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,8%, theo tôi, cũng là đáng ghi nhận.

Đại dịch có làm bộc lộ thêm những hạn chế của nền kinh tế Việt Nam không, thưa ông?

Rõ nhất là bộc lộ thêm sự “ốm yếu” của doanh nghiệp tư nhân, vốn đã không thực sự “khỏe mạnh”, tỷ trọng trong GDP chỉ dưới 10%. Sau Covid-19, khu vực này chắc còn suy giảm hơn. Đó là nguy cơ của nền kinh tế.

Tôi muốn nhấn mạnh, tỷ trọng đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân vào GDP chỉ gần 10%, nhưng đó mới là khu vực quan trọng của nền kinh tế. Khu vực doanh nghiêp tư nhân phải là chủ lực của nền kinh tế thị trường. Với Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, song khu vực này lại là vấn đề của nền kinh tế đất nước.

Ở trên, tôi có đề cập, tái cơ cấu nền kinh tế ì ạch, điều này thể hiện rất rõ qua tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước rất chậm. Đáng lưu ý, một số doanh nghiệp mới cổ phần hoá được 15 - 20% thì còn tệ hơn là không cổ phần hóa, bởi như thế, Nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ cổ phần chi phối, nắm quyền điều hành doanh nghiệp. Cần cổ phần hóa trên 50% để thay đổi quản trị, để tư nhân quản trị, thì mới có những thay đổi đột phá được.

Khi ra nước ngoài, tôi có hỏi một số giáo sư tại Đức về chính sách với khu vực kinh tế quốc doanh, thì được biết, đã có lúc, Đức bán doanh nghiệp với giá 1 USD, doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều cùng giá đó. Nhưng không phải họ bán 1 USD cho mọi người, mà bán cho những nhà quản lý xuất sắc nhất nước Đức. Như thế, năm sau, nhà nước thu được thuế ngay, còn nếu không bán, thì năm nào doanh nghiệp cũng bù lỗ, mà nhà nước lấy tiền đâu ra bù lỗ. 

Tôi cho rằng, lúc này, khi nền kinh tế suy thoái vì Covid-19, thì phải đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, khu vực này chỉ nên giữ tỷ lệ 10 - 15% GDP, không nên tiến đến gần 30% như hiện tại. Nền kinh tế thị trường mà khu vực nhà nước chiếm tỷ lệ như thế thì làm sao đảm bảo cạnh tranh được.

Chủ trương cổ phần hóa đã có, thực hiện là việc trong tầm tay, nếu làm tốt, thì có thể rút được nguồn kinh phí lớn để đầu tư cho nền kinh tế.

Có lần, được hỏi ý kiến về việc xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng của ngành công thương, tôi nói, chuyển giao cho tư nhân quản lý thì sẽ thành công, còn đưa về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thì chỉ là thay “cái áo” mà thôi.

Thể chế và nhân tài, tuy hai mà một
Theo GS-TS. Võ Đại Lược, thể chế và nhân tài tuy hai, nhưng là một, bởi nếu không lựa chọn được những người có tài vào cơ quan quản trị quốc gia, thì làm sao có thể chế tốt được, nên việc quan trọng đầu tiên là tuyển chọn nhân tài.

Tại một số diễn đàn, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cũng từng lên tiếng về việc chạy chức, chạy quyền. Rằng, nếu đúng là người tài, thì người ta không “chạy” vì có lòng tự trọng, còn nếu đi mua chức thì kém tâm đức rồi, tâm đức không tốt thì làm sao khiến thể chế tốt được nữa.
Xoá tệ chạy chức, chạy quyền, thu hồi quyết định không đúng về công tác cán bộ
Tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xoá bỏ tệ chạy chức, chạy quyền, huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư