Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
Hà Nội: Cả hệ thống chính trị vào cuộc, giảm thiểu hậu quả của bão số 3
Hạnh Nguyên - 04/10/2024 08:32
 
Với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, Thành phố Hà Nội đã giảm thiểu đến mức thấp nhất những hậu quả của cơn bão số 3, nhanh chóng ổn định đời sống của Nhân dân.

Gần 75.000/78.000 người dân sơ tán, di dời đã trở về nơi cư trú

Tại Họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III/2024, do UBND Thành phố Hà Nội tổ chức, chiều 3/10, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Đình Hoa đã thông tin về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn Thành phố.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Hoa đã thông tin tại Họp báo

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây mưa lớn trên diện rộng, kết hợp với xả lũ của hệ thống hồ thủy điện thượng nguồn làm cho nước lũ của hầu hết các tuyến sông trên địa bàn Thành phố lên nhanh và ở mức cao, hậu quả gây ra đợt ngập lụt nghiêm trọng. Đến nay, mực nước các hồ thủy lợi, các trục tiêu lớn và một số sông nội địa trên địa bàn Thành phố vẫn đang ở mức cao; mực nước sông Tích, sông Bùi, sông Đáy đang biến đổi chậm (sông Tích, sông Bùi vẫn ở mức báo động III, sông Đáy báo động I). Mực nước các sông chính và một số sông nội địa đều đã giảm dưới báo động I.

Do ảnh hưởng của đợt mưa bão vừa qua trên địa bàn Thành phố khiến 4 người chết, 28 người bị thương (trong đó có 1 người chết và 10 người bị thương trong bão; còn lại là do trận dông lốc, cây đổ từ chiều 6/9 và do các sự cố sau bão). Hầu hết các địa phương đều có các ảnh hưởng, thiệt hại về tài sản xảy ra liên quan đến cây đổ, cành gãy, mất điện, sập đổ, tốc mái công trình và xảy ra các sự cố về điện.

Thống kê thiệt hại do ảnh hưởng của mưa bão trên toàn địa bàn Thành phố cập nhật đến 7h ngày 26/9: Có hơn 100.000 cây bị gãy, đổ (cây đô thị và các loại cây khác); hơn 23.000 ha lúa bị gãy, đổ, dập nát; hơn 15.000 ha lúa bị ngập; hơn 13.000 ha rau màu bị ngập, ảnh hưởng; hơn 9.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; hơn 4.000 ha thủy sản bị ảnh hưởng; hơn 3.000 con gia súc bị chết; hơn 600.000 con gia cầm bị chết, thất lạc. Ngoài ra, còn xảy ra 41 sự cố công trình đê điều và khoảng 150 sự cố công trình thủy lợi cùng các sự cố, ảnh hưởng khác về ngập lụt…

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở; các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã đã chủ động chỉ đạo quyết liệt ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Các địa phương, đơn vị thường xuyên được các đồng chí Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành uỷ, lãnh đạo UBND Thành phố và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc theo phân công và đã triển khai thực hiện tốt công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai... Thành phố đã chỉ đạo, triển khai chăm sóc, điều trị tốt nhất đối với người dân bị thương; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cho các gia đình có người chết và bị thương.

Với tinh thần trách nhiệm cao, Thành phố đã giảm thiểu đến mức thấp nhất những hậu quả của cơn bão số 3, nhanh chóng ổn định đời sống của Nhân dân.

Cập nhật đến ngày 30/9 đã có gần 75.000 người trở về trên tổng số 78.000 người dân sơ tán, di dời. Còn lại khoảng 3.000 người dân vẫn còn phải sơ tán do ngập lụt chủ yếu trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Đối với 11.756 cây xanh đô thị bị đổ, bật gốc, Thành phố đã chỉ đạo triển khai phương án trồng dựng lại tại chỗ khoảng 3.418 cây xanh (trong đó có khoảng 100 cây quý hiếm, cây di sản, cây được bảo tồn và cây cổ thụ); chuyển về vườn ươm để chăm sóc khoảng 580 cây. Công tác giải tỏa đảm bảo an toàn giao thông khoảng 7.420 cây. Hiện đang tiếp tục vận chuyển gỗ củi của 215 cây về kho bãi; đến nay, công tác giải tỏa đã hoàn thành đạt khoảng trên 98% khối lượng.

Cơn bão số 3 gây ra tổng số 1.232 sự cố lớn, nhỏ về chiếu sáng đô thị, thành phố đã xử lý xong 1.212/1.232 sự cố ảnh hưởng đến hệ thống chiếu sáng công cộng. Các sự cố về hệ thống chiếu sáng đang được khẩn trương khắc phục đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng đô thị trên 98%. Hệ thống chiếu sáng sử dụng nguồn điện độc lập với hệ thống điện của đèn tín hiệu giao thông nên không làm ảnh hưởng đến công tác bảo đảm giao thông.

Do ảnh hưởng của bão số 3, khiến một số khu vực bị mất điện gián đoạn, giảm công suất nhà máy nước. Từ ngày 12/9 đến nay, việc cung cấp nước sạch trên địa bàn Thành phố được vận hành an toàn, cung cấp đầy đủ đạt 100%, không có khu vực nào bị mất nước cục bộ.

Về sự cố điện, tình đến 16h00 ngày 22/9, cột trung thế đã khắc phục xong 96/187 cột nghiêng, đổ; cột hạ thế đã khắc phục xong 1.036/1.519 cột nghiêng, đổ và đã cấp lại điện 107.874/111.932 khách hàng phải tạm ngừng cấp điện nguyên nhân do ngập úng sau bão.

Liên quan đến công tác chống úng ngập khu vực ngoại thành, bảo đảm an toàn hệ thống công trình đê điều, thủy lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hệ thống công trình đê điều, thủy lợi cơ bản ổn định, không có các sự cố lớn xảy ra; công tác di dân, bảo đảm an toàn cho Nhân dân trước bão, lũ đã được triển khai thực hiện kịp thời, không bị động, không bất ngờ. Đến 07h00 ngày 26/9, các công ty thủy lợi vận hành 86 trạm bơm tiêu với 245 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 647.130m3/h; vẫn còn tình trạng úng ngập trên địa bàn các địa phương bị ảnh hưởng bởi lũ lớn (Chương Mỹ, Quốc Oai…).

Về công tác chống úng ngập khu vực nội thành, cơn bão số 3 cơ bản không làm ảnh hưởng đến công tác thoát nước đô thị, đỉnh điểm xuất hiện gần 30 điểm ngập. Do có sự chuẩn bị về lực lượng, phương tiện, chủ động xử lý các tình huống úng ngập nên các điểm ngập rút nước nhanh (từ 30 đến 40 phút sau mưa) bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông; úng ngập do mưa, bão được xử lý ngay. Từ ngày 12/9 đến nay, địa bàn Thành phố có mưa rải rác, gây hiện tượng úng ngập cục bộ một số điểm và đều đã được xử lý sớm.

Ngay sau mưa bão, các địa phương, đơn vị đã gấp rút triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Đến 14h00 ngày 22/9, khối lượng rác từ các quận, huyện về khu xử lý tập trung khoảng 116.000 tấn.

Để hỗ trợ, đảm bảo đời sống Nhân dân bị ảnh hưởng mưa bão sớm ổn định cuộc sống, UBND Thành phố đã ban hành các quyết định bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, sở, ngành để thực hiện công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn Thành phố là 220,87 tỷ đồng.

Chung tay hỗ trợ khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đồng bào Thủ đô tại nước ngoài phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách", với tinh thần “nhường cơm sẻ áo” cùng chung tay chia sẻ, ủng hộ nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra. Tính đến 16h ngày 22/9, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tổ chức tiếp nhận với tổng số tiền đăng ký và ủng hộ là 177,646 tỷ đồng (số tiền đã về Quỹ Cứu trợ Thành phố là: 153,98 tỷ đồng). 

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố đã hỗ trợ với tổng số tiền là 101,84 tỷ đồng (hỗ trợ Nhân dân Thủ đô 15,9 tỷ đồng, hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại 85,94 tỷ đồng) và nhiều nhu yếu phẩm cho Nhân dân bị ảnh hưởng và tại các khu tạm cư tập trung. Bên cạnh đó, hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại các nhu yếu phẩm với tổng trị giá 1,73 tỷ đồng; hỗ trợ Nhân dân các quận, huyện, thị xã bị ngập nước trên địa bàn các nhu yếu phẩm (lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng học tập…). 

Thành đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố và các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố cũng tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, cứu trợ.

Về thị trường, giá cả, từ ngày 12/9 đến nay, hàng hóa tại các chợ khá đa dạng, tình hình hoạt động kinh doanh và lượng khách đến mua sắm tại các chợ cơ bản trở lại bình thường. Các cửa hàng xăng dầu đều bảo đảm nguồn cung phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân trên địa bàn Thành phố.

Quang cảnh cuộc họp báo

Tập trung phát triển sản xuất để bù đắp lương thực, thực phẩm

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương, đơn vị cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và Thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tập trung cao độ khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão; đồng thời nâng cao cảnh giác, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai ứng phó theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn…

Đối với việc phục hồi sản xuất và triển khai thực hiện các biện pháp kỹ thuật sau mưa bão, UBND cấp huyện khẩn trương rà soát, đánh giá thiệt hại, triển khai các thủ tục để thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND của UBND Thành phố và các quy định hiện hành.

Đề cập đến việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật khắc phục giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất vụ mùa đối với trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung bơm thoát, tiêu úng cục bộ không để úng ngập kéo dài; tranh thủ nước rút đẩy nhanh tiến độ thu hoạch; đối với diện tích lúa bị ngập nước, hạt nảy mầm tiến hành thu hoạch để có thể tận dụng làm thức ăn gia súc, lấp ủ thân cây làm phân bón để tái sản xuất. 

Với cây rau màu, nước rút đến đâu tiến hành đánh giá mức độ thiệt hại đến đó, đối với diện tích bị chết hoàn toàn, không có khả năng phục hồi thì vệ sinh đồng ruộng và trồng lứa mới; đối với diện tích có khả năng phục hồi tiến hành phun phân bón lá, chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh chóng phục hồi. Đối với cây ăn quả, thường xuyên kiểm tra, tiến hành khơi thông thoát nước, tránh đọng nước, nước rút đến đâu tiến hành phá váng đến đó, chăm sóc, cắt tỉa cành bị hỏng, gãy, bón phân, tái tạo bộ rễ, đốn bỏ và trồng dặm cây bị ngã, đổ.

Đối với chăn nuôi, thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi, nước rút đến đâu vệ sinh đến đó. Tổ chức tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị bão, lũ ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh. Tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng đàn vật nuôi khi nước đã rút, bổ sung ngay các sản phẩm trợ sức, trợ lực, tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi, không để vật nuôi bị bỏ đói, không cho ăn những loại thức ăn bị mốc, kém chất lượng. Đối với gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như tăng cường quá trình hồi phục. Nước uống phải sạch và đầy đủ. Tăng cường công tác quản lý vật nuôi; chỉ đạo công tác tái đàn hiệu quả.

Đối với thủy sản, tập trung sửa chữa, củng cố bờ bao, hệ thống kênh cấp, tiêu nước, xử lý đáy ao... thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng ao nuôi trước khi tiến hành sản xuất trở lại. Chỉ thực hiện nuôi cá khi ao hồ đã được chuẩn bị kỹ và cải tạo tốt. Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường; công tác giám sát dịch bệnh tại các vùng nuôi để kịp thời hỗ trợ người nuôi xử lý, khắc phục. Đối với diện tích đã đảm bảo các điều kiện về ao nuôi, theo dõi diễn biến thời tiết để thả giống tránh các đợt mưa bão tiếp theo.

Tại họp báo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu định hướng khôi phục, phát triển sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là tập trung phát triển phát triển sản xuất cây vụ Đông để bù đắp lương thực do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Cùng với đó, có phương án khôi phục nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi gia cầm, tái đàn, tăng đàn lợn thương phẩm để bù đắp lượng gia súc, gia cầm của Thành phố bị thiệt hại, bù sản lượng thủy sản bị thiệt hại và cung cấp thực phẩm thiếu hụt cho các tỉnh, thành phố, đồng thời đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán 2025.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư