Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Hà Nội: Cần sẵn sàng ứng phó khi ca bệnh tăng cao
D.Ngân - 10/12/2021 18:29
 
Chuẩn bị kỹ cho việc điều trị F0 tại nhà, cơ sở y tế sẵn sàng điều trị bệnh nhân đang là yêu cầu đặt ra khi số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng cao mỗi ngày.

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Trong cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu việc điều trị F0 tại nhà phải đảm bảo tất cả bệnh nhân được chăm sóc y tế và kiểm soát. Theo đó, việc cho phép bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà không đồng nghĩa với việc để người dân tự do trong cộng đồng, không được chăm sóc và theo dõi.

Một số bệnh viện tại Hà Nội đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đáp ứng nhu cầu điều trị khi F0 tăng cao.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM cho rằng, khi triển khai điều trị F0 tại nhà, khối lượng công việc dành cho hệ thống y tế cơ sở sẽ tăng lên rất lớn. 

Nếu hệ thống y tế cơ sở đủ năng lực, đảm bảo hỗ trợ y tế tốt, việc chăm sóc hậu cần đáp ứng nhu cầu, bệnh nhân Covid-19 sẽ được hưởng lợi ích và điều trị tối ưu.

Ngoài ra, điều kiện về nhà ở, hạ tầng nơi F0 cách ly, điều trị cũng phải đảm bảo không gây lây nhiễm trong gia đình và nội khu phong tỏa. 

Hệ thống cấp cứu 115 cũng phải đảm bảo được nhu cầu vận chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế kịp thời nếu có diễn biến nặng.

Ngược lại, nếu y tế địa phương không đảm bảo được chất lượng theo dõi, chăm sóc F0 tại cộng đồng, không kiểm soát được tình trạng lây nhiễm trong gia đình hay nội khu phong tỏa, số lượng F0 sẽ tăng lên rất nhanh. 

Đi kèm với đó là số lượng bệnh nhân diễn biến nặng cũng tăng nhanh. Hậu quả là tình trạng quá tải bệnh viện, hệ thống hồi sức tất yếu sẽ xảy ra, đi ngược lại với mục tiêu điều trị F0 tại cộng đồng để giảm tải cho cơ sở y tế.

Theo Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nếu chuẩn bị tốt việc điều trị F0 tại nhà sẽ mang lại nhiều lợi ích, song ngược lại sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Vậy nên chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng điều kiện hiện có và hậu quả để đưa ra hướng xử lý phù hợp.

Tăng khả năng ứng phó của cơ sở y tế

Hiện tại, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 532 bệnh nhân Covid-19. Trong số 107 bệnh nhân nặng, nguy kịch có 63 ca thở ô-xy, 37 ca thở máy, 7 ca thở HFNC (thở máy dòng cao); 3 ca can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) và 10 ca CRRT (lọc máu liên tục). 

Đa số bệnh nhân đã được kiểm soát tốt các diễn tiến, tuy nhiên một số trường hợp quá lớn tuổi hoặc bệnh nền quá nặng đang diễn tiến khá phức tạp, cần theo dõi sát sao.

Để đáp ứng điều trị số lượng F0 nặng tăng nhanh ở miền Bắc, mới đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được Bộ Y tế giao triển khai 500 giường hồi sức tích cực (ICU). Bệnh viện đang nỗ lực cải tạo hạ tầng và bổ sung trang thiết bị, sắp xếp nhân lực để sẵn sàng cho phương án này. 

Về trang thiết bị y tế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã có sẵn khoảng 100 máy thở. Khi nâng công suất lên 500 giường ICU, Bệnh viện sẽ cần bổ sung thêm máy thở, máy lọc máu, monitor theo dõi bệnh nhân, máy ECMO và các thiết bị khác. 

Bệnh viện cũng chuẩn bị sẵn sàng nhân lực các khoa chuyên môn về nội, ngoại, sản, nhi để có thể tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 cần can thiệp chuyên sâu.

Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 (trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đang tiếp nhận bệnh nhân ở tầng 2, 3 tại các cơ sở y tế phía bắc chuyển tới.

Theo PGS.TS. Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 (trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), hiện tại, Bệnh viện đang chăm sóc hơn 200 F0, bao gồm bệnh nhân ở Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc, trong đó có khoảng 10% bệnh nhân nặng, nguy kịch ở tầng 3.

Với công năng đáp ứng 500 giường bệnh, cao điểm có thể nâng lên 700 giường bệnh, hiện tại, Bệnh viện vẫn đang có khả năng đáp ứng đón các bệnh nhân ở các tầng điều trị khác.

Mới đây, đơn vị vừa đề xuất Bộ Y tế cho phép mở rộng phạm vi điều trị cả ba tầng, thay vì nhiệm vụ ban đầu chỉ nhận bệnh nhân nặng ở tầng 3 (trong mô hình điều trị 3 tầng).

Lý giải về đề xuất này, PGS.Hải cho biết, xuất phát từ nhu cầu số F0 đang ngày càng gia tăng ở phía Bắc và đặc biệt tại Hà Nội, việc thu dung tại nhiều cơ sở y tế, khu thu dung F0 đang quá tải. Đồng thời, hiện nay quy định về việc cách ly F0 tại nhà chưa được đồng bộ.

Trong khi đó, Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 đang còn thừa chỗ, nhân lực đủ khả năng đáp ứng, vì vậy nếu để không, chỉ tiếp nhận bệnh nhân vào tầng 3 sẽ rất lãng phí.

Nếu được Bộ Y tế đồng ý về phương án, Bệnh viện sẽ nhanh chóng tiếp nhận bệnh nhân ở các tuyến điều trị. Tuy nhiên, PGS Hải cũng nhấn mạnh, Bệnh viện vẫn luôn sẵn sàng giành một số giường nhất định để sẵn sàng tiếp nhận và đáp ứng điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch ở tầng 3.

Về ô-xy y tế, Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn 2 bồn ô-xy dung tích 18 m3 và 15 m3 bảo bảo phục vụ người bệnh trong 48 giờ liên tục. Hệ thống điều hòa không khí riêng cho từng phòng bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

PGS.Hải cũng cho biết, hiện cơ sở này đã đón nhận 39 nhân viên y tế (bao gồm các bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý) của Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn. 

Những người này sẽ được đào tạo, làm quen với hệ thống mới chuyên khoa về điều trị người bệnh Covid-19, sau đó sẽ cùng tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 với các cán bộ nhân viên Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19. 

Tin mới về Covid-19 ngày 8/12: Có 42 tỉnh dùng thuốc Molnupiravir điều trị bệnh nhân Covid-19
42 tỉnh, thành phố điều trị có kiểm soát thuốc kháng virus Molnupiravir cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không triệu chứng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư