Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 01 năm 2025,
Hà Nội công nhận thêm 3 làng nghề và làng nghề truyền thống
Nguyễn Linh - 31/10/2024 07:23
 
Theo Quyết định số 5596/QĐ-UBND, UBND TP. Hà Nội công nhận danh hiệu làng nghề cho 3 làng tại huyện Phú Xuyên, gồm làng may Chung Chản (làng nghề Hà Nội), và 2 làng giày da Giẽ Thượng, Giẽ Hạ (làng nghề truyền thống Hà Nội).

Mỗi làng nghề được công nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống Hà Nội" được UBND TP. Hà Nội tặng Bằng công nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống Hà Nội" và được hỗ trợ 12.000.000 đồng. Đồng thời, làng nghề được công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” được hỗ trợ 6.000.000 đồng.

Nằm tại xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, làng Chung Chản từ lâu đã nổi tiếng với nghề may veston, đặc biệt là dòng sản phẩm veston cao cấp. Ngành nghề này không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. 

Với kinh nghiệm và sự khéo léo của người thợ, những sản phẩm veston của làng Chung Chản luôn nổi bật bởi chất lượng cao, đường may tỉ mỉ, tinh tế, đáp ứng nhu cầu thời trang ngày càng đa dạng.

Làng nghề may Chung Chản đã trở thành một trong những điểm sáng trong ngành may mặc của Hà Nội. Tại đây, mỗi hộ gia đình đều có thể tham gia vào quy trình sản xuất, từ việc cắt, may đến hoàn thiện sản phẩm. Điều đặc biệt là công việc không chỉ dành cho người trưởng thành mà cả người già và trẻ nhỏ đều có thể tham gia vào các công đoạn phù hợp, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho nhiều hộ gia đình. 

Nghề may ở Chung Chản đã giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, thu về 500 triệu đồng đến 700 triệu đồng/năm, thậm chí có nhiều gia đình thu nhập lên tới hàng tỷ đồng.

Cửa hàng giày dép ở xã Phú Yên, Hà Nội.

Nằm tại xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, làng Giẽ Thượng có bề dày lịch sử hơn 100 năm trong nghề làm giày da. Làng nghề này từ lâu đã được biết đến với các sản phẩm giày dép da chất lượng, có mặt trên khắp cả nước. Nghề làm giày tại Giẽ Thượng là biểu tượng văn hóa, gắn liền với cuộc sống của người dân trong làng qua nhiều thế hệ.

Hiện tại, Giẽ Thượng có hàng trăm cơ sở sản xuất giày da, thu hút hàng nghìn lao động tham gia vào quá trình sản xuất và kinh doanh. Các sản phẩm của làng không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa mà còn có tiềm năng xuất khẩu ra nước ngoài. 

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư vào máy móc hiện đại, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Một số hộ gia đình có thể sản xuất đến 2.000 đôi giày mỗi ngày, đáp ứng các đơn hàng lớn từ nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Sự hỗ trợ của Hiệp hội Da giày Việt Nam và chính quyền địa phương đã giúp người dân làng Giẽ Thượng có thêm điều kiện phát triển quy mô sản xuất. Từ đó, sản phẩm của Giẽ Thượng có cơ hội tiếp cận với thị trường quốc tế, mở ra những cơ hội hợp tác và phát triển mới cho làng nghề giày da truyền thống này.

Cùng thuộc xã Phú Yên, làng Giẽ Hạ cũng nổi tiếng không kém Giẽ Thượng về nghề sản xuất giày dép da. Những đôi giày từ Giẽ Hạ luôn được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, độ bền và tính thẩm mỹ.

Giống như Giẽ Thượng, Giẽ Hạ cũng đang có hàng trăm cơ sở sản xuất và hàng nghìn lao động tham gia, tạo ra những sản phẩm giày dép đa dạng từ các loại giày công sở, giày thể thao đến giày thời trang. Sản phẩm giày da từ Giẽ Hạ nhận được sự đánh giá cao từ người tiêu dùng trong nước, tiếp tục duy trì vị thế là một trong những làng nghề giày da uy tín của Hà Nội.

61 tác phẩm được vinh danh tại Hội thi Làng nghề Hà Nội 2024
Hội thi sản phẩm Làng nghề Hà Nội năm 2024 đã thu hút 287 tác phẩm từ 133 tổ chức, cá nhân đến từ 23 quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư