Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết hết sức phức tạp
D.Ngân - 04/09/2023 15:44
 
Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 1.129 ca mắc sốt xuất huyết và 66 ổ dịch chỉ trong một tuần. Dự báo, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp trong các tuần tới.

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 25 đến 31/8), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.129 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 73 ca so với tuần trước đó).

Ảnh minh hoạ.

Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 6.693 ca mắc, sốt xuất huyết (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 541/579 xã, phường, thị trấn.

Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay là Thạch Thất (715 ca), Hoàng Mai (535 ca), Thanh Trì (509 ca), Bắc Từ Liêm (406 ca), Hà Đông (367 ca), Phú Xuyên (362 ca), Cầu Giấy (335 ca), Đống Đa (335 ca), Nam Từ Liêm (328 ca).

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, qua kiểm tra, giám sát trong tuần qua, một số ổ dịch diễn biến kéo dài ghi nhận thêm bệnh nhân.

Dự báo, tình hình dịch sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới. CDC thành phố yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát phát hiện sớm ca mắc tại cộng đồng và các cơ sở y tế đã được phân cấp.

Đồng thời, rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm để xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế lan rộng; đặc biệt là phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng nhằm tránh các biến chứng, tử vong.

Theo Cục Y tế dự phòng, Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á trong đó nhiều quốc gia hiện ghi nhận số mắc và tử vong tăng cao trong năm 2023. Số mắc tại Việt Nam tăng bắt đầu từ tuần 26 (tháng 6) đến nay tương đồng với sự gia tăng số mắc sốt xuất huyết trong nhiều năm qua.

Nguyên nhân gia tăng bệnh sốt xuất huyết hiện nay do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, đặc biệt tại khu vực miền Bắc đang trong điều kiện thời tiết mùa hè nóng ẩm, nắng mưa đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng và muỗi truyền bệnh phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh.

Môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng (bọ gậy) của muỗi truyền bệnh; sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao.

Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế thế giới, trong năm 2023 và 2024, hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền.

Dự báo thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, ngày 29/8/2023, Bộ Y tế đã gửi công văn số 5480/BYT-DP đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Đối với dịch truyền Dextran là dung dịch cao phân tử, được dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng, Cục Quản lý Dược đã cấp phép các hồ sơ đề nghị nhập khẩu dịch truyền Dextran chưa có Giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Điều 68 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với tổng số lượng đã cấp phép nhập khẩu là 17.010 túi.

Theo báo cáo của cơ sở nhập khẩu, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng thuốc thực tế đã nhập về là 12.550 túi, trong đó số lượng thuốc đã cung ứng cho các bệnh viện là 5.118 túi và số lượng thuốc còn tồn tại kho của cơ sở nhập khẩu là 7.432 túi.

Như vậy, hiện nay thị trường Việt Nam đã có nguồn cung ứng dịch truyền Dextran. Yếu tố cốt lõi quyết định việc bảo đảm cung ứng thuốc là các đơn vị chủ động đặt hàng trước các doanh nghiệp nhập khẩu.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, chuyên gia khuyến cáo người dân cần chủ động các biện pháp phòng tránh muỗi đốt. Bởi những ai đã mắc phải sốt xuất huyết đều cảm thấy sởn gai ốc trước căn bệnh này, bởi nó gây tác hại lớn tới sức khỏe. Có người mắc bệnh, do chủ quan, đã dẫn tới hậu quả lớn.

Chẳng hạn, một người đàn ông 40 tuổi ở Hà Nội bị sốt cao, đau đầu dữ dội do sốt xuất huyết, song tự mua thuốc điều trị tại nhà, khi nhập viện đã tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương, đe dọa tính mạng.

Bệnh nhân trên nhập viện khi các triệu chứng sốt, đau đầu không thuyên giảm, dù tự uống thuốc 4 ngày, kèm chảy máu cam. Anh cho biết, khu vực gia đình sinh sống hiện là một trong những ổ dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại Hà Nội.

Kết quả kiểm tra cho thấy, bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng và thoát huyết tương do sốt xuất huyết Dengue. Bác sĩ nhận định, tình trạng rất nguy hiểm, cần nhập viện gấp để truyền máu và theo dõi sát sao.

Các bác sĩ khuyến cáo một số sai lầm khiến sốt xuất huyết trở nặng, như chủ quan không đi khám bệnh, tự ý dùng kháng sinh điều trị, nghĩ hết sốt là khỏi bệnh.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít.

Tin mới về y tế ngày 3/9: Sốt xuất huyết tăng; tay chân miệng giảm
Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, tuần qua trên địa bàn số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng nhưng tay chân miệng lại giảm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư