Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 01 năm 2025,
Hà Nội: Đơn vị vận tải xe buýt 'dọa' tạm ngừng 'cõng' khách
Việt Hùng (Vietnam+) - 07/07/2020 14:53
 
Một đơn vị vận tải buýt tại thành phố Hà Nội đã đề nghị tạm ngừng phục vụ hành khách công cộng do chưa được xem xét điều chỉnh doanh thu trợ giá.
Ha Noi: Don vi van tai xe buyt 'doa' tam ngung 'cong' khach hinh anh 1Xe buýt chưa có làn đường dành riêng nên vẫn phải len lỏi giữa các phương tiện giao thông khác. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Số lượng hành khách sử dụng xe buýt miễn phí tăng đột biến đã làm sụt giảm doanh thu của một đơn vị xe buýt trong khi mức trợ giá vẫn giữ nguyên khiến đơn vị này thu không đủ bù chi (trả lương, nhiên liệu và đầu tư mua xe mới) và đứng trước nguy cơ tạm ngừng phục vụ hành khách công cộng.

Là đơn vị đang thực hiện việc cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cho tuyến số 72 (bến xe Yên Nghĩa-Xuân Mai) theo hợp đồng có nguyên tắc số 25/HĐ-TTĐH ký ngày 30/3/2016, theo ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần ôtô vận tải Hà Tây, từ thời điểm 1/9/2019, thực hiện Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội về việc “mở rộng đối tượng được sử dụng xe buýt miễn phí cho người cao tuổi” đã làm tăng đột biến số lượng hành khách sử dụng xe buýt miễn phí mà trước đây đang sử dụng vé lượt hoặc vé tháng ưu tiên. Do đó, doanh thu của công ty đã sụt giảm mạnh.

Ngày 10/3/2020, Công ty đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc đề nghị điều chỉnh doanh thu trợ giá tuyến buýt 72 và đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có ý kiến chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tham mưu theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, ngày 29/6/2020, Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản số 3598/SGTVT-KHTC phúc đáp nhưng đã không xét đến đề nghị cụ thể của Công ty về việc điều chỉnh doanh thu trợ giá.

“Việc Sở Giao thông Vận tải không đưa ra kế hoạch và thời gian cụ thể giải quyết việc tồn tại này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hoạt động tuyến xe buýt 72 của Công ty,” ông Minh nhấn mạnh.

Vì vậy, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng đã ký giữa Công ty cổ phần ôtô vận tải Hà Tây và Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, Công ty đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải xem xét và có ý kiến cụ thể về việc điều chỉnh doanh thu trợ giá theo số liệu mà Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội đã khảo sát, tính toán và báo cáo.

“Nếu đến ngày 15/7/2020 các cơ quan chức năng không có ý kiến chính thức phúc đáp bằng văn bản về thời hạn cũng như hướng giải quyết thì Công ty cổ phần ôtô vận tải Hà Tây buộc phải tạm ngừng phục vụ hành khách công cộng trên tuyến buýt số 72,” ông Minh khẳng định.

Thực trạng buýt có trợ giá nhưng thu không đủ bù chi này cũng diễn ra đồng thời tại Thành phố Hồ Chí Minh khi mới đây 10 đơn vị vận tải xe buýt đã cùng nhau kiến nghị Ủy ban Nhân dân và các Sở ngành thanh toán các khoản công nợ do trợ giá.

Lý do được các đơn vị xe buýt đưa ra là do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh đã khoán sản lượng hành khách quá cao, không sát thực tế, khoán tăng thêm doanh thu bán vé để bù đắp phần thiếu hụt kinh phí trợ giá xe buýt; chậm thanh quyết toán các khoản công nợ và hợp đồng đặt hàng qua các năm.

Hệ quả là các doanh nghiệp, hợp tác xã không đủ chi phí trả lương, nhiên liệu và chậm trả tiền lãi vay mua xe cho các ngân hàng. Từ đó, một số tuyến xe buýt đã xảy ra đình công hoặc buộc tạm dừng hoạt động khai thác.

Theo các doanh nghiệp vận tải buýt trên, từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa ký hợp đồng đặt hàng với các doanh nghiệp xe buýt và chỉ ký hợp đồng nguyên tắc để nhận tiền tạm ứng trợ giá xe buýt. Vì vậy, các đơn vị đề nghị cần ký ngay hợp đồng đặt hàng năm 2020./.

Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, mạng lưới vận tải công cộng bằng xe buýt của Thủ đô gồm 126 tuyến, trong đó có 104 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City Tour.

Đến tháng 5/2020, số phương tiện toàn mạng là 2.000 xe (buýt trợ giá là 1.681 xe). Đoàn xe hiện có 102 xe sử dụng năng lượng sạch khí CNG và 436 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên. Hầu hết các xe trang bị tiện ích phục vụ hành khách, hệ thống tự động báo điểm dừng, đèn LED, wifi, camera, ghế ưu tiên người già, trẻ em...

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm tháng đầu năm 2020, sản lượng vận tải hành khách công cộng xe buýt chỉ đạt 48,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Hà Nội muốn huy động gần 1.000 tỷ đồng xây dựng nhà chờ xe buýt, biển quảng cáo tại 12 quận huyện
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt, các biển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư