Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội: Hơn 900 đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm từ đầu năm
D.Ngân - 25/11/2023 10:05
 
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 10 tháng năm 2023, toàn Thành phố thành lập hơn 900 đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Tổng số cơ sở được thanh, kiểm tra, hậu kiểm 82.426 cơ sở, trong đó, đạt 72.183 cơ sở chiếm tỷ lệ 87,5 %, phát hiện 10.240 cơ sở vi phạm.

Thông qua việc kiểm tra giúp đoàn phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn.

Trong đó, 6.578 cơ sở bị phạt với số tiền là hơn 14 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là khu vực chứa đựng, trưng bầy hàng hóa không đầy đủ giá kệ.

Các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn chưa thực hiện gửi bản cam kết đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm; vi phạm các điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm.

Nhiều cơ sở vi phạm khi ghi nhãn phụ sản phẩm không đúng, không đủ theo quy định. Sử dụng người lao động trực tiếp kinh doanh tiếp xúc với thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định.

Ngoài ra, có 709 cơ sở bị hủy sản phẩm với tổng số 199 loại sản phẩm; 67 cơ sở bị đình chỉ; 2.886 cơ sở hắc nhở tại chỗ những lỗi tồn tại của người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm như đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với thực phẩm chưa đúng, không cắt móng tay, đeo đồ trang sức.

Nói về hiệu quả của các đoàn thanh tra theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, thông qua việc kiểm tra giúp đoàn phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn.

Đồng thời, đoàn tiếp tục tuyên truyền các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; giải đáp các vướng mắc của cơ sở thực phẩm; hướng dẫn cơ sở khắc phục tồn tại.

Với công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, Hà Nội đã kiện toàn 5 đội cơ động điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm tuyến TP, chủ động giám sát an toàn thực phẩm với trên 36.711 suất ăn đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ các hội nghị, sự kiện của Trung ương và TP.

Về các vụ ngộ độc thực phẩm, theo đại diện Sở Y tế, trong 10 tháng năm 2023 trên địa bàn xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể.

Trong đó, quận Thanh Xuân 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 72 người mắc, không có tử vong. Huyện Mê Linh 1 trường hợp ngộ độc Methanol; huyện Thạch Thất 1 trường hợp ngộ độc Methanol;

Quận Hoàng Mai: 15 học sinh rối loạn tiêu hóa; huyện Gia Lâm: 7 học sinh theo dõi nhiễm trùng đường tiêu hóa; huyện Phúc Thọ: 4 trường hợp theo dõi rối loạn tiêu hóa; quận Ba Đình: 8 học sinh theo dõi rối loạn tiêu hóa. Quận Long Biên: 2 học sinh rối loạn tiêu hóa (nằm viện).

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, trong 10 tháng năm 2023, toàn Thành phố cấp 578 giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, 68 giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm, tiếp nhận 14.167 bản tự công bố và 1.835 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân địa bàn, Hà Nội phấn đấu đến năm 2026, TP có ít nhất 1 vùng chăn nuôi gia cầm cấp xã đạt ATDB theo quy định của Việt Nam; 

Phấn đấu từ 2027 trở đi, TP.Hà Nội có ít nhất 1 vùng chăn nuôi gia cầm cấp xã đạt ATDB theo tiêu chuẩn của WOAH. 

Giai đoạn 2023-2030, 100% động vật đưa vào cơ sở giết mổ động vật tập trung được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát giết mổ; 100% chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật được thực hiện từ cơ sở giết mổ động vật, sơ chế, bảo quản, kinh doanh đến các chợ buôn bán sản phẩm động vật.

Đến năm 2025, xây dựng và vận hành thành công Cơ sở dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội. 

Đến năm 2030, duy trì vận hành, phát triển Cơ sở dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội và sẵn sàng liên thông với kho dữ liệu Quốc gia.

Đồng thời, khai thác có hiệu quả các phần mềm, kho dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin với các tỉnh, thành trong công tác quản lý.

Lấp lỗ hổng về bảo đảm an toàn thực phẩm
Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể diễn ra một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về việc cần lấp các lỗ hổng trong việc bảo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư