Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Lấp lỗ hổng về bảo đảm an toàn thực phẩm
D.Ngân - 06/10/2023 11:28
 
Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể diễn ra một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về việc cần lấp các lỗ hổng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm hiện nay.

Thông tin chi tiết về vụ một trẻ tử vong vì ngộ độc thực phẩm sau tiệc mừng trung thu tại chung cư Palm Heights, TP. Thủ Đức, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan cho biết, tính đến nay, Thành phố ghi nhận hơn 50 người có triệu chứng khó chịu, quặn ruột, đau, trong đó, 19 người đã nhập viện.

Cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng nêu ra bài học về công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Nếu việc trao đổi thông tin diễn ra sớm hơn, các cơ quan chức năng có thể giải quyết kịp thời.

Do việc trao đổi thông tin còn chậm, đến nay, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM chỉ thu được 2 mẫu bánh su kem được sử dụng tại bữa tiệc và 2 mẫu bánh tại cơ sở sản xuất được làm vào ngày 29-9.

Hiện, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố, cơ quan y tế đã thanh tra toàn diện cửa hàng cung cấp lượng bánh su kem dùng tại bữa tiệc và cả cơ sở sản xuất của thương hiệu này. Trong đó, các nguồn nguyên liệu, thành phần của bánh đều được lấy mẫu.

Qua vụ việc này, lãnh đạo Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố thừa nhận, thực phẩm từ thiện là mảng còn trống và chưa có cách quản lý hiệu quả.

Loại hình này có nhiều điểm tương tự với thực phẩm đường phố, không cần đăng ký kinh doanh, không cần giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố đã có kế hoạch thống kê các cơ sở từ thiện tại các quận, huyện, TP.Thủ Đức. Trước mắt, sẽ tập huấn cho người làm công tác từ thiện để chuẩn bị bữa ăn, thực phẩm an toàn cho người dân.

Từ bài học của TP.HCM, các cơ quan chức năng về y tế của Hà Nội cũng đang tìm các biện pháp để giảm thiểu các vụ ngộ độc tập thể quy mô lớn.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội thông tin, ngành Y tế Thủ đô đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, toàn thành phố hiện có 5.159 bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học và cơ quan.

Trong 8 tháng năm 2023, ngành Y tế Thủ đô đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã và Ban Quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức 92 lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho chủ cơ sở, lãnh đạo quản lý, người tham gia chế biến thực phẩm.

Cũng trong thời gian trên, tổng số cơ sở có bếp ăn tập thể được thanh tra, kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn thực phẩm là 2.579 cơ sở. Qua đó đã phát hiện 22 bếp ăn tập thể không đạt điều kiện an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm với số tiền phạt là 153 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đánh giá, thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp đã được cơ quan chức năng từ thành phố cho đến quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn đẩy mạnh; 100% các bếp ăn tập thể, căng tin đã được kiểm tra, giám sát theo quy định.

Qua kiểm tra, hầu hết các bếp ăn tập thể đều có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện hoặc bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, có hợp đồng nguồn gốc thực phẩm. 100% bếp ăn tập thể sử dụng nguồn nước bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Cao Cương, qua kiểm tra cho thấy, các lỗi vi phạm chủ yếu vẫn là điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm không bảo đảm như: Trần, nền xuống cấp, cống hở, ứ đọng rác thải, khu vực bếp sắp xếp lộn xộn, không có hệ thống chống côn trùng gây hại xâm nhập, không có dụng cụ riêng bảo quản thực phẩm sống và chín;

Thực hiện lưu mẫu thức ăn chưa đúng quy định, người tham gia chế biến thực phẩm thực hiện chế độ vệ sinh cá nhân chưa đúng quy định, chưa xuất trình hồ sơ nguồn gốc thực phẩm…

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho hay, thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện và Ban Quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở, lãnh đạo quản lý và người tham gia chế biến thực phẩm.

Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Cụ thể, thành phố sẽ tiến hành đánh giá thực trạng an toàn thực phẩm tại 39 bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp và truy xuất nguồn gốc tại 23 nhà cung cấp thực phẩm cho bếp ăn tập thể khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, tiến hành lấy mẫu nước chế biến, bàn tay người chế biến, mẫu thớt, mẫu thức ăn lưu, mẫu rau tươi… để tiến hành kiểm nghiệm hóa lý và vi sinh.

Cùng với đó, tổ chức hướng dẫn phương pháp kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho các lãnh đạo, người quản lý trong công ty thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp.

Để hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử lý vi phạm của cơ quan chức năng thì các đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể phải luôn tuân thủ nghiêm quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Người nấu ăn phải được tập huấn và nắm vững kiến thức về an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, cơ sở phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện về vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, bếp ăn phải tuân thủ nguyên tắc 1 chiều, phân khu riêng biệt, thực phẩm sống và chín không được để lẫn lộn; đồng thời có các phương tiện ngăn ngừa côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, dụng cụ chế biến sạch sẽ, thùng rác có nắp đậy…

Khi nấu xong, thức ăn phải được đựng trong các dụng cụ chứa đựng bảo đảm sạch sẽ. Người vận chuyển, phân chia suất ăn phải thực hiện các điều kiện vệ sinh sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng, đeo găng tay…

Nếu thực phẩm cần được vận chuyển sang khu vực khác, cơ sở chế biến phải bảo đảm thực phẩm được bao gói, chứa đựng trong các phương tiện chuyên dụng, bảo đảm thức ăn được sử dụng trong vòng 2 tiếng sau khi nấu. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu, thực phẩm cung cấp cho bếp ăn cũng phải được kiểm soát chặt về nguồn gốc, xuất xứ.

Đình chỉ cơ sở kinh doanh khiến hơn 90 người ngộ độc thực phẩm
Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư