Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội: Hợp tác xã chiếm gần 28% tổng sản phẩm OCOP
Nhật Hạ - 05/12/2022 16:30
 
Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội cho biết, 430/1.649 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên, là thành quả của các hợp tác xã, chiếm gần 28%.

65% tổng số hợp tác xã tại Hà Nội đang hoạt động hiệu quả

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, Thủ đô hiện có 1.649 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên. Trong số đó, có tới 453 sản phẩm do các hợp tác xã sản xuất ra, chiếm gần 28% tổng số sản phẩm OCOP Thành phố Hà Nội hiện có.

Cũng theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, sản phẩm OCOP của các hợp tác xã rất đa dạng và đang góp mặt tại hầu hết nhóm lĩnh vực, từ thực phẩm, đồ uống, thảo dược, đến vải - may mặc, đồ lưu niệm, nội thất và hàng thủ công mỹ nghệ…

Đối với Chương trình OCOP của Thủ đô Hà Nội, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã và đang có đóng góp rất tích cực. Đặc biệt, tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP từ các hợp tác xã còn rất lớn. Bởi lẽ, Thủ đô đang có 1.183 hợp tác xã đang hoạt động, có “nguồn” sản phẩm tiềm năng đạt OCOP. Ngoài ra, 65% tổng số hợp tác xã trên địa bàn Thành phố cũng được đánh giá là đang hoạt động có hiệu quả.

Hợp tác xã có 430/1.649 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên, chiếm gần 28% tổng sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Theo ông Phùng Quốc Lượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ kinh doanh Đồng Thái (huyện Ba Vì, Hà Nội), từ khi sản phẩm khoai lang Đồng Thái của hợp tác xã được công nhận đạt 4 sao đạt OCOP, sản phẩm khoai lang được tiêu thụ ổn định với giá hơn 20.000 đồng/kg. 

“Khoai lang một năm 2 vụ, thu hoạch vào tháng 6 và tháng 12, mỗi sào trồng khoai lang/vụ nông dân thu về khoảng 7 đến 8 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa”, ông Lượng cho hay.

Trong khi đó, bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà hồ hỏi cho biết, hợp tác xã này có tới 30 sản phẩm rau được công nhận đạt 4 sao. Từ khi được công nhận đạt 4 sao, sản phẩm rau của hợp tác xã tiêu thụ tốt hơn, sản lượng và doanh thu tăng theo từng năm. Hiện nay, hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 200 tấn rau các loại, doanh thu hơn 4 tỷ đồng/ năm. Sản phẩm rau của hợp tác xã đang cung cấp cho nhiều hệ thống siêu thị tại Hà Nội và người tiêu dùng tại 15 địa phương lân cận.

Cần thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP 

Được biết, để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP, ngay từ những ngày đầu năm 2022, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thủ đô đã tích cực hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện và quảng bá thương hiệu (hỗ trợ quản lý nhãn hiệu, in tem, nhãn sản phẩm OCOP; 

Đồng thời, duy trì hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc…). Cùng với các chủ thể, các sở, ngành đều tăng cường quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm OCOP.

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư, hướng đến xuất khẩu, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; 

Đồng thời đổi mới, đa dạng sản phẩm; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất và quản lý, điều hành; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm lợi thế của địa phương; giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm được công nhận OCOP.

Để thúc đẩy phát triển các hợp tác xã gắn với Chương trình OCOP đến năm 2025, vai trò của Liên minh hợp tác xã Hà Nội cũng rất quan trọng vì 28% sản phẩm OCCOP do khu vực này tạo ra. 

Các chuyên gia cho tằng, thời gian tới, Liên minh hợp tác xã Hà Nội cần tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản trị các HTX. 

Cùng với đó, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để thành viên các hợp tác xã hiểu biết đầy đủ mục đích, ý nghĩa, từ đó tích cực ủng hộ, phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. 

Song song với đó, cần thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, tạo động lực phát triển cho các hợptác xã trên địa bàn Hà Nội.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư