Thứ Năm, Ngày 29 tháng 05 năm 2025,
Hà Nội mở cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Hạnh Nguyên - 28/05/2025 09:00
 
UBND Thành phố Hà Nội triển khai đợt cao điểm kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 27/5/2025 về việc triển khai đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn Thành phố. Đợt cao điểm kéo dài từ ngày 15/5 - 15/6/2025.

Mục tiêu của đợt cao điểm là kiểm soát chặt chẽ thị trường, kịp thời phát hiện, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm, góp phần thiết lập môi trường kinh doanh minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùngdoanh nghiệp chân chính. UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị chức năng tập trung triển khai 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Sáu nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Thứ nhất, các sở, ngành, địa phương phải tổ chức tấn công cao điểm theo lĩnh vực, địa bàn được phân công quản lý, kiên quyết xử lý vi phạm.

Thứ hai, tăng cường nắm tình hình, kiểm soát địa bàn, kịp thời phát hiện các kho, điểm trung chuyển hàng nhập lậu, hàng giả và hành vi gian lận thương mại qua thương mại điện tử. Tăng cường phối hợp kiểm tra các tuyến đường không, nội địa.

Thứ ba, xây dựng các phương án kiểm soát chặt tại các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường mòn, lối mở, ngăn chặn hàng hóa cấm, hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ.

Thứ tư, kiểm tra chặt chẽ thị trường tiêu dùng, đặc biệt với sữa, thuốc, thực phẩm chức năng... tại các siêu thị, sàn thương mại điện tử, đại lý, trung tâm thương mại nhằm phát hiện, xử lý hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc.

Thứ năm, đẩy mạnh truyền thông về tác hại của việc sử dụng sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc, nâng cao nhận thức cộng đồng.

Thứ sáu, huy động sự tham gia của người dân trong công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả.

Nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành

Sở Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý nghiêm hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại và các vi phạm trong thương mại điện tử. Đồng thời đánh giá, khắc phục các sơ hở trong quản lý, tăng cường phổ biến pháp luật và ký cam kết với doanh nghiệp.

Công an Thành phố tăng cường nắm tình hình tội phạm, triệt phá các ổ nhóm buôn lậu, tập trung vào thực phẩm, dược phẩm, sản phẩm sức khỏe. Quá trình điều tra cần làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Sở Y tế kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đặc biệt là dinh dưỡng cho trẻ em, nước uống đóng chai. Tăng cường hậu kiểm chất lượng và pháp lý sản phẩm.

Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng, thú y, thức ăn chăn nuôi... Kiểm soát chặt việc vận chuyển, giết mổ, chế biến động vật, lâm sản.

Sở Văn hóa và Thể thao kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quảng cáo, in ấn, xuất bản, đặc biệt trên môi trường mạng và nền tảng xã hội.

Sở Khoa học và Công nghệ phụ trách kiểm tra quy định về tiêu chuẩn chất lượng, sở hữu công nghiệp, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Sở Tài chính kiểm soát giá cả, thẩm định giá hàng hóa, xử lý các hành vi vi phạm về giá, đặc biệt đối với hàng thiết yếu và bình ổn giá.

Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố phối hợp điều tra, phân loại xử lý tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ buôn lậu nghiêm trọng.

Chi cục Hải quan khu vực I tăng cường kiểm soát tại Nội Bài, bưu điện, chuyển phát nhanh, phối hợp các lực lượng xử lý hàng hóa nhập lậu, trốn thuế, hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ.

Chi cục Thuế khu vực I chủ động phối hợp ngăn chặn các hành vi trốn thuế trong thương mại điện tử, bảo đảm thu ngân sách nhà nước.

UBND các quận, huyện, thị xã được yêu cầu trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm toàn diện về công tác kiểm tra, hậu kiểm, tuyên truyền và phối hợp lực lượng khi có yêu cầu.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng trong bắt giữ các vụ buôn lậu, đẩy mạnh truyền thông nội bộ và sẵn sàng hỗ trợ nghiệp vụ khi có yêu cầu.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, người dân không tiếp tay cho buôn lậu, hàng giả.

Đài Phát thanh và Truyền hình, các cơ quan báo chí được giao nhiệm vụ tuyên truyền, phản ánh kịp thời kết quả xử lý các vụ việc, nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo sức răn đe trong toàn xã hội,

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư