Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội mở đợt phổ biến, tuyên truyền sâu, rộng Luật Thủ đô
Hạnh Nguyên - 02/08/2024 08:41
 
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu, trong quý III, IV năm 2024, toàn thành phố mở đợt phổ biến, tuyên truyền Luật Thủ đô rộng rãi trước khi Luật có hiệu lực thi hành.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND về việc triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Kế hoạch đề ra loạt nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thi hành Luật Thủ đô, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất những nội dung trọng tâm, trọng điểm, cần thiết, có khả năng thực hiện ngay để ban hành sớm, có hiệu lực cùng với hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô.

Đối với những nội dung còn cần nghiên cứu, đánh giá, bảo đảm các điều kiện thực tiễn, nguồn lực thực hiện, sự đồng thuận của xã hội thì thực hiện thận trọng, chắc chắn, đề xuất ban hành khi đã đánh giá đầy đủ các yếu tố liên quan, phù hợp để triển khai thực hiện.

Các sở, ban, ngành chủ động thực hiện việc rà soát các quy định hiện hành của Trung ương và TP. Hà Nội về chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi đối với các nhiệm vụ chi sử dụng ngân sách Thành phố; tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá trong các lĩnh vực để đề xuất việc xây dựng, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung thay thế các quy định có liên quan.

Về việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật Thủ đô, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về Thủ đô phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nội dung thiết thực và hình thức phù hợp đối với từng đối tượng.

Trước mắt, trong quý III, IV năm 2024 mở đợt phổ biến, tuyên truyền Luật Thủ đô rộng rãi trước khi Luật có hiệu lực thi hành. Mặt khác, tổ chức các hội nghị tập huấn về Luật Thủ đô ở cả cấp TP, cấp huyện; tập huấn chuyên sâu về Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng giao Sở Tư pháp Hà Nội làm đầu mối, phối hợp với các sở, ban, ngành TP thực hiện hệ thống hóa, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định của Luật Thủ đô;

Rà soát để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Thủ đô. HĐND, UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thuộc thẩm quyền ban hành, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô.

Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có trách nhiệm đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Luật Thủ đô thuộc phạm vi quản lý.

Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan căn cứ kết quả thi hành Luật Thủ đô chủ động đề xuất việc áp dụng quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có nội dung khác với quy định của Luật Thủ đô do việc áp dụng quy định đó sẽ thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô...

Trước đó, ngày 27/7/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký Quyết định số 717/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành 9 luật, 2 nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật Thủ đô sửa đổi.

Trong Quyết định số 717/QĐ-TTg, 3 Bộ gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao phối hợp với Bộ Tư pháp và TP. Hà Nội xây dựng các Dự thảo Nghị định liên quan. 

Hà Nội: Sớm đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cuộc sống
Nửa cuối năm 2024, UBND TP. Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo chuẩn bị triển khai tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), sớm đưa Luật đi vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư