Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 02 tháng 08 năm 2024,
Hà Nội: Quảng bá sản phẩm OCOP gắn với sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp, hấp dẫn
Hạnh Phúc - 02/08/2024 09:28
 
Hà Nội đang đi đúng hướng trong việc phát triển các sản phẩm OCOP. Việc giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các sự kiện, lễ hội ngày càng chuyên nghiệp và hấp dẫn.
Việc giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các sự kiện, lễ hội của TP. Hà Nội ngày càng chuyên nghiệp và hấp dẫn.

Tăng cường mối liên kết giữa 5 “nhà”

Triển lãm chuyên đề các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngành mây tre giang đan, guột cỏ tế - sừng mỹ nghệ năm 2024, do Sở Công thương Hà Nội tổ chức đang diễn ra tại Điểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP Thủ đô, số 176 Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội sẽ kéo dài đến hết tháng 8/2024. 

Với quy mô 500 m2, triển lãm trưng bày, giới thiệu trên 350 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề sáng tạo và độc đáo. Đây là không gian tuyệt vời để công chúng, những người yêu thích, quan tâm đến ngành thủ công mỹ nghệ nói chung và ngành mây tre giang đan, guột cỏ tế - sừng mỹ nghệ nói riêng chiêm ngưỡng những tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc, có giá trị thẩm mỹ cao được tạo ra từ đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi.

Triển lãm chuyên đề các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngành mây tre giang đan, guột cỏ tế - sừng mỹ nghệ năm 2024 kéo dài đến hết tháng 8/2024. 

Theo ông Hoàng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội), triển lãm giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngành mây tre giang đan, guột cỏ tế - sừng mỹ nghệ trên địa TP. Hà Nội học tập, tìm hiểu và đưa các thiết kế mới vào sản xuất.

Đặc biệt, từ các thiết kế này phát triển các sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Không chỉ vậy, tại đây khách tham quan sẽ được trải nghiệm tìm hiểu lịch sử, quy trình sản xuất nghề mây tre giang đan, guột cỏ tế - sừng mỹ nghệ thủ công truyền thống và hiện đại; tham gia các hoạt động quảng bá kết nối giao thương các những sản phẩm này.

Các nghệ nhân tham gia triển lãm cho biết, đây là nơi khuyến khích, định hướng cho các tác giả thiết kế các sản phẩm vừa mang tính ứng dụng vừa có giá trị thẩm mỹ cao, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Đồng thời góp phần tăng cường mối liên kết giữa 5 “nhà”: người thiết kế – thợ thủ công – nhà sản xuất– nhà phân phối và người tiêu dùng. Ngoài ra, triển lãm còn là địa điểm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu có thế mạnh của các làng nghề truyền thống của TP. Hà Nội đến với công chúng.

Triển lãm cũng góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh của Thủ đô trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nội. Kết nối, mở rộng hợp tác kinh doanh giữa các tổ chức, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực thiết kế và công nghiệp sáng tạo.

Quảng bá sản phẩm OCOP gắn với sự kiện, lễ hội 

Những năm qua, các sở, ngành của TP. Hà Nội liên tục tổ chức các hoạt động lễ hội, hội chợ, triển lãm gắn kết văn hóa với du lịch, làng nghề, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm OCOP của TP. Hà Nội và cả nước. Tiêu biểu như: Lễ hội Du lịch Hà Nội, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội, Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội; Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội; Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội; Lễ hội trái cây TP Hà Nội; Festival Thu Hà Nội; Lễ hội Bia Hà Nội; Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất năm 2024, Lễ hội Sinh vật cảnh Hà Nội lần thứ nhất năm 2024… Nhờ đó, hàng nghìn sản phẩm OCOP địa phương các làng nghề được giới thiệu, quảng bá, trở thành điểm đến yêu thích của đông đảo khách hàng.

Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc thu hút đông đảo người dân và du khách.

Đợn cử, mới đây, Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc tổ chức tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ (Hà Nội) đã thu hút khoảng 50.000 lượt du khách tham quan, mua sắm. Với sự góp mặt của hơn 1.000 sản phẩm OCOP các vùng miền mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho khách du lịch và người tiêu dùng. Từ ngày 12 - 16/7/2024, tổng doanh thu và giá trị hợp đồng, biên bản ghi nhớ cam kết thu mua các sản phẩm OCOP và sản phẩm từ sen, các loại trà đạt hơn 11 tỷ đồng, trong đó số doanh thu bán trực tiếp đạt 6 tỷ đồng. Không khí mua sắm tại lễ hội rất sôi động, nhộn nhịp, người tiêu dùng không ngại chi tiền mua số lượng hàng lớn vì tin tưởng chất lượng sản phẩm OCOP.

Tham gia Lễ hội Sen Hà Nội có nhiều sản phẩm OCOP từ các làng nghề trên địa bàn Thủ đô như sản phẩm tơ tằm, lụa tơ sen của Công ty TNHH Dâu Tằm Tơ Mỹ Đức; nón làng Chuông (Chương Mỹ, Hà Nội); sản phẩm tranh, đồ lưu niệm sơn mài Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội); bánh cuốn Thanh Trì; các sản phẩm sữa Ba Vì,… 

Hà Nội đang đi đúng hướng trong việc phát triển và quảng bá các sản phẩm OCOP 

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 4/2024, 63 tỉnh, TP của cả nước đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong đó, có 73,9% sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 24,7% sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 42 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao. Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

TP. Hà Nội đang đi đúng hướng trong việc phát triển và quảng bá các sản phẩm OCOP.

TP. Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, tính đến nay có 745/2.711 sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố là sản phẩm của làng nghề, làng có nghề (chiếm 27,48% tổng sản phẩm OCOP toàn Thành phố).

Tại Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Hà Nội đang đi đúng hướng trong việc khai thác những giá trị văn hóa bản địa và thế mạnh địa phương để phát triển các sản phẩm OCOP. Việc giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các sự kiện, lễ hội ngày càng chuyên nghiệp và hấp dẫn.

TP. Hà Nội đặt mục tiêu có 2.000 sản phẩm được đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2021-2025. Với quyết tâm cao từ chính quyền và địa phương, tính từ năm 2021 đến hết năm 2023, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 1.657 sản phẩm. Năm 2024, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã đăng ký đánh giá, phân hạng thêm 510 sản phẩm. Với kết quả này, Chương trình OCOP của Hà Nội sẽ vượt mục tiêu đề ra trước một năm.

Quận Ba Đình, Hà Nội có thêm 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao
Ngày 1/8, UBND quận Ba Đình tổ chức Hội nghị đánh giá phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tại hội nghị, 10 sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP của 4 chủ thể: Hộ kinh doanh Phạm Thị Hợi - Bánh cốm Nguyên Hương; hộ kinh doanh bánh cốm Ngọc Ninh; hộ kinh doanh bánh cốm Nguyên Ninh; hộ kinh doanh Cốm phố cổ Phúc Đức đều đạt điểm để được phân hạng OCOP 3 sao; nâng tổng số sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của quận lên 26 sản phẩm.
Ra mắt chương trình “Hành trình OCOP"
Chương trình “Hành trình OCOP” là kênh tuyên truyền đường lối, chủ chương và chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong lĩnh vực kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư