Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Hà Nội thống nhất với chủ trương về đề xuất thành lập quận Gia Lâm
Minh Thắng - 22/09/2023 10:13
 
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kết luận số 139-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội về Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm, TP. Hà Nội.

Trên cơ sở ý kiến của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội (khóa XVII) về nội dung “Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm, TP. Hà Nội” do Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội trình, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội thống nhất về chủ trương đối với đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội về Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm.

Hình minh họa

Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội được giao chỉ đạo UBND TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ bảo đảm tuân thủ đúng các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua theo đúng kế hoạch đã đề ra nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2023.

Thành ủy Hà Nội yêu cầu quá trình triển khai phải xây dựng kế hoạch với tiến độ chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng cơ quan, đơn vị, từng cá nhân; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc.

Trước đó, đầu tháng 7, UBND huyện Gia Lâm trình TP. Hà Nội đề án thành lập quận với 16 phường, trên cơ sở hình thành từ 22 đơn vị hành chính (2 thị trấn và 20 xã).

Trong tờ trình gửi UBND TP. Hà Nội, huyện Gia Lâm cho biết đã đạt các tiêu chí để thành lập quận và phường. Huyện Gia Lâm có diện tích 116 km2, dân số 310.000. Huyện đề xuất giữ nguyên trụ sở làm việc của các cơ quan, đoàn thể hiện có.

Trên cơ sở 22 đơn vị hành chính (2 thị trấn và 20 xã) hiện nay, quận Gia Lâm sau khi thành lập sẽ có 16 phường. Một số xã bị sáp nhập do không đạt tiêu chí diện tích tự nhiên (5,5 km2 trở lên) và dân số (15.000 người trở lên) để thành lập phường theo quy định.

Gia Lâm đề xuất nhập thị trấn Yên Viên với xã Yên Viên, lấy tên phường Yên Viên. Xã Kim Lan nhập với Văn Đức, ghép âm tiết tên hai xã thành tên phường mới Kim Đức.

Xã Đình Xuyên nhập với Dương Hà, lấy tên phường Thiên Đức theo tên dòng sông chảy qua hai xã. Xã Phù Đổng nhập với Trung Màu, lấy tên phường Phù Đổng vì gắn với truyền thuyết Thánh Gióng. Lễ hội Gióng xã Phù Đổng đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

Xã Kim Sơn nhập với Phú Thị, ghép âm tiết tên hai xã thành tên phường mới Phú Sơn. Xã Đông Dư nhập với Bát Tràng, lấy tên phường Bát Tràng vì tên gọi đã có trong sử sách và thương hiệu gốm nổi tiếng.

Sau khi sáp nhập các xã trên, quận Gia Lâm sẽ có 16 phường gồm: Trâu Quỳ, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng, Kim Đức.

UBND huyện Gia Lâm cho rằng, việc thành lập quận và các phường sẽ giúp hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, nhất là các công trình hạ tầng đô thị, giao thông, y tế, giáo dục và các thiết chế văn hóa.

Trước đó, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua đề án thành lập quận Đông Anh với 24 phường. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Hà Nội xây dựng kế hoạch thành lập các quận Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư