Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 01 tháng 08 năm 2024,
Hạ tầng chiến lược tạo sức bật cho Đà Nẵng
Minh Hà - 01/08/2024 15:10
 
Lợi thế hạ tầng đã đưa Đà Nẵng phát triển thần tốc và sẽ tiếp tục là động lực chính để thành phố biển này vươn tầm quốc tế.
Phối cảnh cảng Liên Chiểu - Dự án trọng điểm của Đà Nẵng đang được xây dựng
Phối cảnh cảng Liên Chiểu - dự án trọng điểm của Đà Nẵng đang được xây dựng

Sức bật từ hạ tầng

Những ngày này, trên công trường xây dựng cảng Liên Chiểu - dự án trọng điểm của TP. Đà Nẵng, tấp nập hơn bao giờ hết. Kỹ sư và công nhân chia nhau thi công 3 ca liên tục, với quyết tâm hoàn thành dự án vào tháng 11/2025. Theo Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng, Dự án cảng Liên Chiểu - phần hạ tầng dùng chung, đã đạt hơn 55% tiến độ.

Sự khẩn trương của Đà Nẵng trong việc xây dựng cảng Liên Chiểu là điều cần thiết, khi dự báo đây sẽ là dự án tạo động lực tăng trưởng cho Thành phố trong tương lai.

Nhiều năm qua, Đà Nẵng đã đầu tư nguồn lực lớn để phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, nhờ đó, Thành phố có một giai đoạn phát triển thần tốc. Với hạ tầng giao thông, Đà Nẵng sở hữu đầy đủ 4 loại hình là đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường thủy, tạo lợi thế đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm giao thương, du lịch, logistics của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Theo phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải trong Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Đà Nẵng sẽ triển khai hàng loạt dự án giao thông quan trọng. Một số dự án như tuyến đường Vành đai phía Tây (giai đoạn I) nằm giữa đường Vành đai phía Tây và đường bộ cao tốc; xây dựng hầm chui xuyên qua sân bay kết nối phía Đông và phía Tây.

Đà Nẵng sẽ xây dựng 2 tuyến MRT, 11 tuyến LRT, 3 tuyến LRT du lịch hoặc phương thức khác tương đương năng lực và tốc độ vận chuyển. Xây dựng tuyến giao thông công cộng (đường sắt đô thị hoặc phương thức tương đương khác) kết nối giữa Đà Nẵng với TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) và thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Đối với đường bộ, sẽ xây dựng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Nâng cấp đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; Quốc lộ 14B, Quốc lộ 14G đoạn qua địa phận Đà Nẵng…

Đà Nẵng có hệ thống cảng biển nước sâu thuận lợi, đó là cảng Tiên Sa, cảng Thọ Quang và đang tiếp tục đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu. Lợi thế này đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm vận tải hàng hải lớn của Việt Nam; là đầu mối logistics quan trọng, mắt xích chiến lược trên Hành lang kinh tế Đông - Tây. Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng là sân bay lớn thứ 3 cả nước, hàng ngày đón hàng trăm chuyến bay từ khắp nơi trên thế giới. Song song với đó, nhiều tuyến đường bộ huyết mạch như cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng, Đà Nẵng - La Sơn; các tuyến đường quốc lộ 1A, 14B, 14G đi qua Đà Nẵng được đầu tư, nâng cấp đã kết nối thuận tiện Đà Nẵng với khu vực.

Ngoài đồng bộ hạ tầng giao thông, cảng biển, TP. Đà Nẵng cũng tập trung đầu tư hạ tầng công nghiệp. Bên cạnh 6 khu công nghiệp hiện hữu và 1 khu công nghệ cao, Đà Nẵng đang triển khai đầu tư thêm 3 khu công nghiệp mới, tổng diện tích hơn 800 ha, gồm Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Cầm - giai đoạn II. Vốn đầu tư dự kiến cho 3 khu công nghiệp mới là hơn 13.000 tỷ đồng.

Đầu tư hoàn thiện hạ tầng có ý nghĩa sống còn, vậy nên Thành phố đang dốc sức để xây dựng những công trình, dự án lớn. Ngoài Dự án cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng còn triển khai dự án đường ven biển chuyên dụng nối cảng Liên Chiểu với Khu công nghệ cao rộng 6 làn xe, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đường cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan khớp nối cao tốc qua 5 tỉnh miền Trung, tổng vốn hơn 2.112 tỷ đồng; Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14B, tổng mức đầu tư hơn 788 tỷ đồng… cũng đang được triển khai đầu tư.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc hoàn thiện hạ tầng giao thông có ý nghĩa quan trọng, tạo sức bật cho Đà Nẵng. Vì thế, để tiếp tục tăng trưởng trong chặng đường mới, thì Thành phố phải nhanh chóng mở rộng không gian phát triển.

“TP. Đà Nẵng cần sớm nâng cấp sân bay với công suất 25 triệu lượt khách/năm như quy hoạch, để có nhiều hơn những chuyến bay kết nối với các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, phải đầu tư hoàn thành cảng Liên Chiểu, nâng cấp cảng Tiên Sa, nâng cấp các tuyến quốc lộ, bố trí đủ vốn thực hiện dự án Quốc lộ 14B và 14G kết nối Đà Nẵng với Bắc Tây Nguyên, Lào, Myanmar… Thành lập Hội đồng Hợp tác phát triển Trung Trung Bộ và Tây Nguyên, với chức năng chủ yếu là xác định và phối hợp thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư phát triển của vùng”, ông Cung đề xuất.

Theo phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải trong Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Đà Nẵng sẽ triển khai hàng loạt Dự án giao thông quan trọng. Một số Dự án như tuyến đường Vành đai phía Tây (giai đoạn I) nằm giữa đường Vành đai phía Tây và đường bộ cao tốc; xây dựng hầm chui xuyên qua sân bay kết nối phía Đông và phía Tây. Đà Nẵng sẽ xây dựng 2 tuyến MRT, 11 tuyến LRT, 3 tuyến LRT du lịch hoặc phương thức khác tương đương năng lực và tốc độ vận chuyển. Xây dựng tuyến giao thông công cộng (đường sắt đô thị hoặc phương thức tương đương khác) kết nối giữa Đà Nẵng với TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) và thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế).  Đối với đường bộ, sẽ xây dựng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Nâng cấp đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; Quốc lộ 14B, Quốc lộ 14G đoạn qua địa phận Đà Nẵng…

Đón nhà đầu tư chiến lược

Mới đây, Giám đốc điều hành Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani (Ấn Độ), ông Karan Adani chia sẻ, Công ty đã nhận được phê duyệt sơ bộ từ Chính phủ Việt Nam để phát triển cảng biển mới tại TP. Đà Nẵng. Theo đó, dự án sẽ có bến container và bến đa năng để xử lý nhiều loại hàng hóa khác nhau. Theo ông Karan, cảng dự kiến được xây dựng ở Đà Nẵng sẽ là cảng quốc tế thứ 4 của Tập đoàn Adani. Dự án đang ở giai đoạn lập kế hoạch ban đầu, tổng mức đầu tư chưa được quyết định.

Tập đoàn Adani thuộc sở hữu của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, người giàu thứ hai ở châu Á, chọn đầu tư cảng biển tại Đà Nẵng đã cho thấy sức hút của địa phương này, đặc biệt là với dự án cảng biển nước sâu Liên Chiểu.

Theo phương án mà TP. Đà Nẵng trình Chính phủ phê duyệt, tổng vốn kêu gọi đầu tư sơ bộ vào cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư) khoảng 48.304 tỷ đồng, bao gồm đầu tư 8 bến container (tổng chiều dài neo đậu 2.750 m cho tàu từ 50.000 đến 200.000 DWT), 6 bến hàng tổng hợp (tổng chiều dài neo đậu 1.550 m cho tàu từ 50.000 đến 100.000 DWT), bến cho tàu pha sông biển, hậu phương cảng, tổng diện tích 450 ha, lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 50 triệu tấn/năm. Hiện nay, ngoài Tập đoàn Adani, một số nhà đầu tư lớn khác cũng quan tâm đến Dự án cảng Liên Chiểu như liên danh BRG - Sumitomo… 

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp cũng được rót mạnh vào Đà Nẵng, nhất là lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Theo Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, đến nay, Thành phố đã thu hút được 523 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp; trong đó có 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 34.458 tỷ đồng; 124 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD.

Trong đó, Khu công nghệ cao Đà Nẵng thu hút được 30 dự án đầu tư, tổng vốn gần 1,1 tỷ USD. Đầu năm 2024, Tập đoàn Foxlink nâng tổng mức đầu tư dự án nhà máy linh kiện điện tử tại Khu công nghệ cao lên 400 triệu USD. Tập đoàn Foxlink còn giới thiệu một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn Đài Loan, Nhật Bản đến đầu tư tại Khu công nghệ cao. Các nhà đầu tư này sẽ cần thêm 50 ha diện tích Khu công nghệ cao. Khi các dự án sản xuất tăng, hệ thống cao tốc kết nối đồng bộ qua các khu kinh tế lớn trong khu vực sẽ tạo nguồn hàng hóa phục vụ cảng Liên Chiểu.

Khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu; các khu công nghiệp và các tuyến cao tốc đang được xây dựng sẽ mở ra nhiều triển vọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược cho Đà Nẵng.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, mở ra cơ hội lớn  để thu hút nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, các ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên gồm công nghệ chip bán dẫn, vi mạch; đầu tư xây dựng, kinh doanh Khu thương mại tự do; đầu tư xây dựng, kinh doanh phân khu sản xuất - logistics gắn với cảng biển Liên Chiểu.

Đặc biệt, Đà Nẵng thu hút nhà đầu tư chiến lược xây dựng và kinh doanh cảng biển Liên Chiểu theo quy hoạch với vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên. Chính sách đặc thù này được thực hiện sẽ giúp Đà Nẵng tạo dựng các trụ cột kinh tế mới, với cảng biển gắn với logistics, Khu thương mại tự do, hình thành một vùng động lực thu hút đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng hiện đại…

TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu hút vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 7 tỷ USD.  Với những dự án giao thông trọng điểm, Đà Nẵng đã và đang kéo thêm nhiều nhà đầu tư chiến lược đến với Thành phố, mở ra một “cao tốc” tăng trưởng mới cho chặng đường tương lai, để vươn tầm quốc tế.

Đà Nẵng thông tin về việc triển khai dự án hầm qua sông Hàn và hầm qua sân bay
Liên quan đến dự án hầm chui sông Hàn và sân bay đang được người dân quan tâm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng khẳng định...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư