Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 10 tháng 11 năm 2024,
Hà Tiến Đạt, nhà sáng lập YouthPlus: Người dẫn lối giới trẻ trên hành trình lập nghiệp
Nhung Bùi - 24/08/2023 07:54
 
Hà Tiến Đạt nhìn nhận, với người trẻ, sự bao vây của vô số luồng thông tin và thiếu định hướng chính xác khiến họ loay hoay trên hành trình phát triển bản thân. Chính vậy, Đạt tạo ra YouthPlus, xem như một điểm tựa giúp người trẻ tìm ra con đường đúng đắn cho mình.
Hà Tiến Đạt, nhà sáng lập YouthPlus.

Hệ sinh thái phát triển bản thân cho giới trẻ

Không khó để tìm thấy nhiều dự án cộng đồng hướng đến việc giúp giới trẻ Việt Nam phát triển kỹ năng, tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. Nhưng Hà Tiến Đạt cho biết, những mô hình như vậy chỉ hoạt động theo kiểu nhỏ lẻ. “Còn nếu đồng bộ thành một quy trình, xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh thì YouthPlus (Youth+) là đơn vị tiên phong tại Việt Nam”, nhà sáng lập, CEO Công ty Công nghệ giáo dục Youth+ chia sẻ.

Cụ thể, Youth+ định hướng phát triển theo 3 mảng chính.

Thứ nhất, đây là các dự án cộng đồng - nơi học sinh, sinh viên trên toàn quốc có thể tìm đến để trải nghiệm, hoàn thiện kỹ năng.

Thứ hai, Youth.com.vn là nền tảng định hướng và kết nối việc làm cho giới trẻ. Tại đây, người tham gia sẽ được làm các bài kiểm tra đánh giá năng lực, tìm kiếm các khóa học, kết nối với đội ngũ chuyên gia tư vấn, để từ đó lựa chọn công việc phù hợp.

Thứ ba, đây là vườn ươm, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp xã hội trong quá trình hình thành, triển khai và tạo tác động thiết thực tới cộng đồng.

Với mô hình như vậy, Youth+ được xây dựng để hướng tới nhiều đối tượng khác nhau. Đó có thể là những bạn học sinh, sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường; những bạn vừa ra trường và chập chững bước vào thị trường tuyển dụng; hoặc những cá nhân không muốn đi làm thuê, mà muốn tự phát triển mô hình kinh doanh riêng của mình.

Theo Hà Tiến Đạt, sinh ra trong thời đại công nghệ phát triển, giới trẻ hiện nay học hỏi nhanh hơn và được đào tạo tốt hơn. Nhưng chính việc được tiếp cận thông tin theo nhiều chiều lại là một bất lợi của thế hệ này. Nếu giới 9x như Đạt gặp vấn đề vì thiếu thông tin, thiếu định hướng, thì Gen Z là thế hệ tiếp cận quá nhiều luồng thông tin, nhiều hướng đi khác nhau. Họ bị mông lung trong việc nên chọn theo hướng nào; họ không hiểu rõ thế mạnh cũng như mục tiêu bản thân; dễ rơi vào tình trạng “đứng núi này, trông núi nọ”, cảm thấy áp lực khi bạn bè đồng trang lứa đã tạo được nhiều thành tựu…

Khi đến với Youth+, người trẻ sẽ được trực tiếp tham gia từng khâu tổ chức trong các dự án cộng đồng, với nhiều mảng nội dụng khác nhau, từ âm nhạc, môi trường cho tới bình đẳng giới, nâng cao năng lực lãnh đạo. Đạt tự hào cho biết, Youth+ từng chứng kiến nhiều bạn trượt tất cả các câu lạc bộ trong trường đại học, nhưng sau khi vào Youth+, họ tiến bộ lên từng ngày.

“Quan trọng hơn, Youth+ giúp người trẻ mở rộng tư duy. Thay vì chỉ quan tâm đến bản thân mình, các bạn sẽ quan tâm đến mọi người xung quanh, cũng như các vấn đề xã hội, hình thành tư duy vì tập thể, vì cộng đồng hơn là chỉ vì cá nhân”, nhà sáng lập Youth+ chia sẻ.

Gây dựng tổ chức thanh niên Việt Nam vươn tầm quốc tế

Là người từng làm việc trong lĩnh vực nhân sự, Hà Tiến Đạt hiểu rằng, giới trẻ gặp nhiều vấn đề trên chặng đường sự nghiệp vì họ thiếu môi trường phát triển bản thân, cũng như thiếu định hướng phù hợp. Tháng 8/2018, Đạt cùng 2 người đồng sáng lập khác gây dựng cộng đồng Youth+, tạo môi trường để người trẻ trực tiếp tham các dự án xã hội. Đội ngũ sáng lập cùng nhau soạn ra bộ quy trình chuẩn, sau đó tự dùng vốn của bản thân cũng như kêu gọi thêm nguồn lực bên ngoài để triển khai dự án.

“Lúc ấy, ai cũng bảo tôi đang ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, Đạt nhớ lại.

Youth+ đang trong quá trình gọi vòng vốn tiếp theo. Hà Tiến Đạt nói rằng, là một doanh nghiệp xã hội, việc gọi vốn với họ có khó khăn, nhưng cũng có lợi thế riêng. Về khó khăn, Youth+ không mang lại lợi nhuận cao, nên không thể thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư thiên về bài toán tài chính. Bù lại, đây cũng là lợi thế để Youth+ chọn hướng tiếp cận các nhà đầu tư chú trọng vấn đề cộng đồng và xã hội.

Dù nhiều lúc gặp khó khăn trong việc phát triển dự án và vẫn luôn phải “chân trong, chân ngoài” để có đủ tài chính duy trì Youth+, Hà Tiến Đạt không bao giờ chùn bước. Đến nay, Youth+ đã xây dựng đội ngũ gồm 2.000 thành viên nòng cốt, với 26 dự án khác nhau trên phạm vi 12 tỉnh, thành phố.

Tuy vậy, Đạt hiểu rằng, để cộng đồng Youth+ có thể phát triển bền vững, yếu tố tài chính và pháp lý cần phải được tính đến. Tháng 1/2022, Hà Tiến Đạt thành lập doanh nghiệp xã hội Youth+, đơn vị sở hữu nền tảng tuyển dụng Youth.com.vn. Với cộng đồng thành viên Youth+, Đạt xác định không thu phí tham gia, mà thay vào đó, nguồn thu đến từ các doanh nghiệp tuyển nhân sự thành công thông qua nền tảng. Nguồn thu này cũng được dùng để phát thêm các dự án xã hội của Youth+.

Với những tác động tích cực và tính lan tỏa trong cộng đồng, đầu tháng 8 năm nay, Youth+ là một trong 30 doanh nghiệp xã hội nhận hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ Dự án Isee-Covid 2023, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Việt Nam), UNDP, cùng Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada đồng triển khai.

Năm ngoái, Youth+ cũng gọi thành công vòng vốn hạt giống đầu tiên từ BDSG Holdings để tập trung phát triển nền tảng công nghệ và triển khai một số cuộc thi khởi nghiệp.

Nhà sáng lập tiết lộ, trong năm 2023, Youth+ sẽ tiếp tục chuẩn hóa công nghệ, để thông tin của thành viên được lưu trữ từ quá trình họ bắt đầu tham gia cộng đồng Youth+ cho đến khi tốt nghiệp đại học, tìm việc làm. Như vậy, khả năng kết nối công việc cho người trẻ trên nền tảng Youth+ sẽ có tính chính xác cao hơn, thay vì chỉ dựa trên từ khóa hay các bài kiểm tra đầu vào như một số nền tảng khác.

Hà Tiến Đạt đang làm việc với một số đối tác để mở rộng cộng đồng Youth+ ra nước ngoài. Đạt cho biết, quốc gia họ hướng đến đầu tiên là Singapore và Thái Lan, sau đó là Nhật Bản, Hàn Quốc.

“Chúng tôi đang đóng gói lại toàn bộ quy trình để đưa cộng đồng Youth+ ra khu vực, hình thành một tổ chức thanh niên Việt Nam vươn dần ra thế giới”, nhà sáng lập Youth+ khẳng định.

Nhà sáng lập Mực nhảy Biển Đông: Cùng ngư dân tạo giá trị và bảo vệ hệ sinh thái biển
Không chỉ là người Việt đầu tiên thành công trong việc đưa mực đang bơi về bờ, Nguyễn Bá Ngọc còn tiên phong tự nhân giống và nuôi được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư