Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Nhà sáng lập Mực nhảy Biển Đông: Cùng ngư dân tạo giá trị và bảo vệ hệ sinh thái biển
Nhung Bùi - 21/07/2023 10:24
 
Không chỉ là người Việt đầu tiên thành công trong việc đưa mực đang bơi về bờ, Nguyễn Bá Ngọc còn tiên phong tự nhân giống và nuôi được mực trong môi trường bán tự nhiên, với mục tiêu giữ gìn hệ sinh thái môi trường biển và cải thiện cuộc sống của ngư dân.
Nhà sáng lập Nguyễn Bá Ngọc và con mực nhảy được đánh bắt từ biển về
Nhà sáng lập Nguyễn Bá Ngọc và con mực nhảy được đánh bắt từ biển về

Biến điều không thể thành có thể

Nguyễn Bá Ngọc không bao giờ quên, lần đầu tiên anh trình bày ý tưởng với ngư dân Nha Trang về việc đưa mực tươi sống về bờ, rất nhiều người đã từ chối hợp tác. Dù anh sẵn sàng đầu tư lồng bể riêng biệt cùng thiết bị sục khí trên thuyền cho ngư dân, nhưng những con người gắn bó với biển hàng chục năm đều tin rằng, vận chuyển mực còn đang bơi (mực nhảy) vào đất liền là điều không thể, bởi mực thuộc loại khó bảo quản nhất trong các loại hải sản sau khi khai thác, chỉ cần đưa lên bờ 30 giây là mực đã chết.

“Tôi đề cập câu chuyện này với 20 ngư dân, thì 10 người đứng dậy đi về”, Ngọc nhớ lại.

Gia đình Nguyễn Bá Ngọc có truyền thống 4 đời làm ngư dân. Quê hương Hà Tĩnh của anh nổi tiếng với món mực nhảy Vũng Áng, nhưng do mực khó bảo quản, nên món ăn này chỉ có thể phục vụ tại các lồng bè ở địa phương. Từ đây, anh hình thành ý tưởng khởi nghiệp, đưa mực nhảy lên bờ và phân phối đi xa hơn.

Nguyễn Bá Ngọc sinh năm 1989. Trước khi thành lập start-up Mực nhảy Biển Đông, anh từng khởi nghiệp với công ty xây dựng, làm chuỗi gạch tranh 3D, mở nhà hàng… Những công việc này giúp anh tích lũy được số vốn nhất định cùng nhiều kinh nghiệm kinh doanh. Năm 2019, Ngọc quyết định rời quê hương vào Nam để triển khai ý tưởng khởi nghiệp.

Đầu tiên, anh kêu gọi một số ngư dân hợp tác, bằng cách tự thiết kế và đầu tư hộp thông thủy từ đáy thuyền xuống biển để lắp vào thuyền đánh cá cho ngư dân. Mực sau khi đánh bắt được đưa vào hộp thông thủy, nên vẫn sống như trong môi trường biển. Đến lúc lên bờ, mực được thu gom ngay vào các hệ thống lồng bè, bể và vận chuyển bằng xe tải có bể chứa nước với độ lạnh, độ mặn giống như môi trường thực tế. Nhờ chuỗi quy trình khép kín này, Mực nhảy Biển Đông có thể vận chuyển mực hoàn toàn tươi sống đến tay khách hàng. 

Mực nhảy Biển Đông đang sở hữu lồng nuôi với diện tích 2.304 m2 tại Ninh Thuận, diện tích lồng nuôi mực bán tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á.

Từ nay đến cuối năm, start-up phấn đấu hoàn thiện thêm một lồng nuôi khoảng 45.000 m2 và đến giữa năm 2024 có thể bán trứng mực cho các trại giống, bán con giống cho ngư dân hoặc doanh nghiệp, đồng thời tự chủ nguồn mực nhảy thương phẩm. Ngoài ra, nhà sáng lập Nguyễn Bá Ngọc còn tính đến việc sẽ chuyển giao kỹ thuật cho doanh nghiệp ở các quốc gia nếu họ có nhu cầu.

Nguyễn Bá Ngọc ước tính, thị trường Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ cả ngàn tấn mực nhảy mỗi năm, nên mô hình của anh có tiềm năng rất lớn. Start-up đang hợp tác với khoảng 250 ngư dân đến từ những ngư trường lớn như Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu… và thu mua mực nhảy từ ngư dân với giá 250.000 - 350.000 đồng/kg, thay vì 80.000 - 130.000 đồng/kg với cách đánh bắt truyền thống. Mỗi tháng, mô hình cung ứng ra thị trường 300 - 500 kg mực nhảy, những lúc cao điểm, con số có thể lên đến 3 - 4 tấn.

Theo nhà sáng lập 8x, nếu đánh bắt bằng thuốc nổ hay xung điện…, tài nguyên hải sản sẽ cạn dần. Ngược lại, để có thể bắt được những con mực tươi sống như cách của Mực nhảy Biển Đông, ngư dân phải chuyển sang cách khai thác bền vững hơn, như câu, hoặc dùng lưới.

Giấc mơ bảo vệ hệ sinh thái biển

Cùng với hoạt động mua - bán mực nhảy, Nguyễn Bá Ngọc còn triển khai nghiên cứu, nhân giống và nuôi mực. Từ trước đến nay, để nuôi mực, các trang trại và ngư dân thường bắt con giống từ tự nhiên và đem về nuôi đến khi trưởng thành. Mực nhảy Biển Đông là mô hình đầu tiên tự chủ quy trình nuôi mực. Mực bố mẹ bắt về từ biển sẽ được start-up nuôi để lấy trứng; tiếp đó đem trứng ra trại ấp để ấp nở ra con non. Đến khi chạm mốc 25 - 30 ngày tuổi, con non được đưa trở lại biển nuôi thành mực thương phẩm.

“Nhân giống mực là quá trình vô cùng khó, vì mực cần môi trường bán tự nhiên thực sự, cần hệ số lồng lớn. Nếu nuôi ở diện tích nhỏ, tỷ lệ thành phẩm không nhiều vì đặc tính của mực hay ăn lẫn nhau”, Bá Ngọc lý giải.

Năm 2022, Dự án Nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên của Mực nhảy Biển Đông giành giải Nhất tại cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản. So với các mô hình nuôi mực công nghiệp, Dự án nổi bật bởi diện tích nuôi lớn, xung quanh có tường bao, phần đáy là đáy biển tự nhiên, hoàn toàn không có lưới. Mô hình tiết kiệm khoảng 70% thức ăn so với hình thức nuôi công nghiệp, tránh được tình trạng bị ép giá khi mực thương phẩm đến thời điểm thu hoạch.

Ngọc cho biết thêm, trong mô hình nuôi công nghiệp, lúc cần bán là phải bán, vì dừng một ngày không cho ăn thì mực sẽ bị gầy hoặc chết. Nhưng với mô hình của Mực nhảy Biển Đông, nếu mực không được giá, thì có thể giữ lại, vì không tốn nhiều chi phí thức ăn, thậm chí không cần cho ăn, vì mực vẫn tìm được nguồn thức ăn từ tự nhiên.

“Ngày đầu khởi nghiệp, tôi chỉ nói về việc mua - bán mực nhảy, chứ không đề cập vấn đề gì lớn lao. Sau đó, tôi tiến tới việc nhân giống và nuôi mực bán tự nhiên. Khi đã làm được rồi, tôi mới có thể nói với các cổ đông rằng, mục tiêu hướng đến của tôi là giữ gìn hệ sinh thái môi trường biển, cải thiện cuộc sống của ngư dân. Đó là sứ mệnh mà tôi theo đuổi”, Ngọc bộc bạch.

Trong tính toán của nhà sáng lập 8x, sau này, khi mô hình nuôi mực bán tự nhiên đã mở rộng và hoạt động ổn định, anh sẽ tuyển thêm ngư dân, người lao động trên biển về làm việc, từ đó giảm gánh nặng cho hệ sinh thái biển. 

“Ngư dân là những người hiểu biển nhất, nhưng muốn thay đổi cách ngư dân đánh bắt hải sản, phải đảm bảo kế sinh nhai cho họ. Mực nhảy Biển Đông mong muốn trở thành cầu nối để ngư dân hiểu về hoạt động khai thác bền vững, cùng nhau bảo vệ hệ sinh thái biển”, Nguyễn Bá Ngọc nhấn mạnh.

Ngọc Hồ, Nhà sáng lập Maison De Bijoux: Thương hiệu kim cương “thuần Việt” sẽ tỏa sáng
Kế thừa di sản 3 đời làm nghề kim hoàn của gia đình, Ngọc Hồ sáng lập Maison De Bijoux và đang trên hành trình xây dựng thương hiệu kim cương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư