Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Hai bệnh viện hạng đặc biệt không tiếp tục "tự chủ toàn diện"
D. Ngân - 08/11/2022 11:44
 
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 60, thay vì tự chủ toàn diện như thời gian qua.

Văn phòng Chính phủ vừa có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Y tế về kết quả thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện theo Nghị quyết 33.

Theo đó, xét đề nghị của Bộ Y tế về báo cáo kết quả thực hiện thí điểm tự chủ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K theo Nghị quyết số 33 về thí điểm tự chủ 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 60, thay vì "tự chủ toàn diện" nhiều tranh cãi thời gian qua.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 60, thay vì tự chủ toàn diện như thời gian qua.

Phó rhủ tướng cũng nêu rõ để có căn cứ đề xuất, bổ sung nội dung quy định về tự chủ bệnh viện công lập trong dự thảo Luật Khám chữa bệnh, chữa bệnh, yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan tổng kết đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 33.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu báo cáo rõ nguyên nhân chưa thực hiện thí điểm tự chủ của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy và làm rõ bài học kinh nghiệm.

Phó thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chỉ rõ tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần phải khắc phục, điều chỉnh. Đồng thời, nêu rõ nguyên nhân trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị cụ thể các cơ chế, chính sách cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế tự chủ các bệnh viện công lập. 

Bộ Y tế tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các bộ, ngành đối với nội dung đánh giá nêu trên, khẩn trương hoàn thiện báo cáo, trình Chính phủ trước ngày 25/11.

Trước đó, vào ngày 19/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị Quyết số 33 phê duyệt đề án thí điểm tự chủ toàn diện đối với các bệnh viện: Bạch Mai, K, Việt Đức và Chợ Rẫy. 

Theo Đề án, tự chủ ở bệnh viện công lập được đánh giá là xu thế tất yếu và để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, 2 bệnh viện triển khai thí điểm là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đã bộc lộ một số bất cập.

Đến tháng 8/2022 vừa qua, thông tin với báo chí, đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết đã xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện, đề xuất thực hiện theo Nghị định 60 - Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2).

Tương tự, cũng trong tháng 8, đại diện Bệnh viện K đã gửi Bộ Y tế bản tổng kết 2 năm thí điểm tự chủ toàn diện và xin chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60 của Chính phủ. Như vậy, 2 bệnh viện tuyến trung ương là Bạch Mai và Bệnh viện K đều xin thay đổi mô hình tự chủ.

Ngày 14/10/2022, Bộ Y tế đã có báo cáo về việc thực hiện thí điểm tự chủ của 2 bệnh viện nêu trên. Theo báo cáo của Bộ Y tế, mặc dù còn nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng nội dung thí điểm cơ chế tự chủ đã được Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K triển khai và cơ bản đã đạt được các mục tiêu trong nghị quyết số 33. 

Việc thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp các bệnh viện phát huy tính chủ động, sáng tạo, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ y tế. 

Tuy nhiên, sau khi rà soát, cập nhật các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến các nội dung tự chủ của các đơn vị công lập. 

Bộ Y tế nhận thấy các nội dung thí điểm tự chủ của bệnh viện được quy định trong Nghị quyết số 33 đều đã được quy định cụ thể trong các nghị định của Chính phủ mới được ban hành trong năm 2020 và năm 2021.

Vì vậy, Bộ Y tế báo cáo và kiến nghị dừng thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 ngày 19/5/2019 tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K. 

Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ theo Nghị định số 60 ngày 21/6/2021 của Chính phủ và các Nghị định của Chính phủ.

Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K tiếp tục được phân loại là đơn vị nhóm và tiếp tục duy trì mô hình tổ chức có Hội đồng quản lý bệnh viện (theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ). 

Bộ Y tế đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, đầu tư cho các bệnh viện trong các trường hợp cần thiết theo đề xuất của Bộ Y tế.

Trao đổi với phóng viên về khó khăn khi tự chủ toàn diện theo đại diện Bệnh viện Bạch Mai, nguyên nhân chính là, trong giai đoạn thực hiện, giá viện phí không được tính đúng, tính đủ.

Cụ thể, giá viện phí của Bệnh viện Bạch Mai phục vụ hơn 95% người bệnh đến khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế, nên mức giá tính theo quy định của bảo hiểm. Trong khi đó, mức giá bảo hiểm y tế được xây dựng cách đây 15-20 năm, được cấu thành 4/7 yếu tố (lẽ ra phải 7/7 yếu tố cấu thành giá). Từ đó đến nay, mức thu vẫn không được điều chỉnh tăng, Bệnh viện không có nguồn kinh phí nào khác, nên tổng thu bù chi không đảm bảo.

Ngoài ra, một tồn tại được Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra là, đến nay, khi không còn tình trạng liên doanh, liên kết, không còn máy xã hội hóa như trước khi tự chủ, nguồn thu của Bệnh viện Bạch Mai suy giảm. 

Bên cạnh đó, do Bệnh viện thực hiện thu theo giá của bảo hiểm y tế, trong khi nguồn chi rất lớn, dẫn tới thu nhập của cán bộ y tế giảm, khiến nhiều y, bác sĩ trình độ cao dễ chuyển dịch sang y tế tư nhân có mức lương hấp dẫn.

Cũng về tự chủ bệnh viện, phát biểu cuối phiên thảo luận sáng 21/9/202 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xã hội hóa và tài chính y tế, bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, hiện đã có Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định về tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công, cho nên việc xin dừng thí điểm theo Nghị định 33 chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60 là hoàn toàn phù hợp với quy định.

Một số ý kiến cho rằng, cơ chế tự chủ tiềm ẩn nguy cơ các bệnh viện có khuynh hướng phải tìm kiếm thêm doanh thu thông qua việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cao và xem nhẹ các dịch vụ cơ bản, khuyến khích khám chữa bệnh theo yêu cầu (có giá cao hơn khám chữa bệnh bảo hiểm y tế), dẫn đến chức năng xã hội của bệnh viện bị giảm sút, ảnh hưởng đến tiếp cận dịch vụ y tế của người nghèo.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, các bệnh viện công lập phải thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của mình là công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các bệnh viện công lập có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ với ý nghĩa là dịch vụ công bao gồm các dịch vụ khám chữa bệnh cơ bản do ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế chi trả, các dịch vụ khám chữa bệnh ngoài phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế và các dịch vụ y tế bổ trợ có tính chất nâng cao.

Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, các bệnh viện hạng đặc biệt như Bạch Mai và Việt Đức còn đóng góp vào quá trình quản lý phát triển của Nhà nước đối với hệ thống y tế các bệnh viện tuyến cuối như là người dẫn dắt về chuyên môn kỹ thuật, đồng thời là chỗ dựa cho hệ thống y tế trong những biến cố liên quan, nên phải thực sự vững chắc và ổn định. Bất kỳ biến cố bất lợi nào xảy ra tại tuyến này sẽ kéo theo hệ lụy của hệ thống và cả sự ổn định xã hội và niềm tin của nhân dân.

Quyền Bộ trưởng Y tế nói gì về tự chủ bệnh viện, xã hội hoá y tế?
Quyền Bộ trưởng y tế Đào Hồng Lan khẳng định, chủ trương xã hội hoá hoàn toàn đúng đắn, trong khi nguồn lực nhà nước cho lĩnh vực y tế chưa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư