Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Hải Dương nhìn thẳng hạn chế để thu hút đầu tư
Thanh Tân - Thu Lê - 25/06/2014 09:50
 
“Hải Dương lắng nghe và nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế để đề ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động tốt hơn trên địa bàn tỉnh”. Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định với phóng viên Báo Đầu tư trước thềm Hội nghị Đánh giá môi trường đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Công ty Thành Đông khởi công Khu đô thị Nam Hải Dương
Chủ tịch Hải Dương quyết tháo chốt KCN Lai Vu
Thêm dự án 10 triệu USD hoạt động tại Hải Dương

Thưa ông, có phải gần đây, việc thu hút các dự án đầu tư mới tại Hải Dương có xu hướng giảm? 

Những năm gần đây, Hải Dương cũng như một số địa phương khác trong cả nước đã chủ động làm tốt công tác thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việc củng cố, thu hút các dự án đầu tư mới được lãnh đạo tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. 

  Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương  
  Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương   

Tính đến nay, Hải Dương đã thu hút được 271 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 6,22 tỷ USD, đứng thứ 10 trên cả nước và thứ 3 so với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, thu hút được nhiều vốn FDI nhất.

Trong đó, giai đoạn 2006 - 2010, số lượng dự án FDI thu hút được là 155, với tổng vốn đăng ký 1.797 triệu USD, bình quân thu hút 31 dự án/năm; giai đoạn 2011-2013, số lượng dự án FDI thu hút được là 68, với tổng vốn đăng ký 3.332 triệu USD, tăng 1,8 lần so với giai đoạn 2006-2010, bình quân thu hút 23 dự án/năm.

6 tháng đầu năm 2014, tính cả vốn cấp mới và đăng ký, tỉnh đã thu hút được 389,8 triệu USD (trong đó, cấp mới 15 dự án, tổng vốn 291,4 triệu USD; tăng vốn 11 dự án, tổng vốn tăng thêm 88,4 triệu USD), đứng thứ 6 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, tình hình thu hút đầu tư trong nước cũng có xu hướng giảm. Cụ thể: giai đoạn 2006-2010, mỗi năm thu hút được 81 dự án; giai đoạn 2011-2013, mỗi năm thu hút được 69 dự án. Số lượng dự án thu hút giảm là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, có nguyên nhân do tỉnh chọn lọc các dự án trong khâu đầu vào, nên chất lượng dự án cơ bản được nâng lên và số vốn đăng ký bình quân/dự án tăng lên đáng kể, đặc biệt là số lượng dự án với số vốn đăng ký bổ sung tăng mạnh. Mặc dù vậy, đến nay, Hải Dương vẫn chưa thu hút được những tập đoàn kinh tế lớn có tầm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo ông, đâu là nguyên nhân của sự giảm (tương đối) này?

Trước tiên, xét về mặt khách quan, giai đoạn 2011 - 2013 là giai đoạn của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này tác động trực tiếp đến các nhà đầu tư và là nguyên nhân chính của việc giảm số lượng dự án đầu tư mới vào Hải Dương.

Thứ hai, thủ tục hành chính nói chung còn chưa thông thoáng, thời gian giải quyết còn chậm, nhất là thủ tục trong đền bù giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư. Việc phối hợp với một số cơ quan xúc tiến đầu tư Việt Nam và một số quốc gia đầu tư tại Việt Nam chưa thật tốt và hiệu quả. Do vậy, việc chủ động tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư lớn còn nhiều hạn chế.

Thứ ba, chất lượng hạ tầng kỹ thuật nói chung còn thiếu. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc xây dựng nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp còn nhiều khó khăn.

Thứ tư, quản lý doanh nghiệp một số lĩnh vực còn hạn chế, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp chưa được giải quyết kịp thời.

   
  Hiệu quả từ hoạt động thu hút FDI góp phần làm thay đổi diện mạo Hải Dương. Ảnh: Thanh Tân  

Trong bối cảnh đó, Hải Dương vẫn có những điểm sáng, như có nhiều nhà đầu tư tăng vốn, thưa ông?

Việc thu hút các dự án đầu tư mới trong thời gian gần đây đúng là có xu hướng giảm, nhưng lượng vốn đầu tư vẫn tăng cao, bởi ngoài việc thu hút được dự án có vốn đầu tư lớn (Điện lực JAKS trên 2,258 tỷ USD, Dệt Facific - 120 triệu USD...), nhiều dự án đang triển khai tại Hải Dương đã đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư.

Tính từ đầu năm 2011 đến hết năm 2013, Hải Dương đã có 46 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm 692,5 triệu USD. Điển hình là Công ty TNHH Dệt Facific (Hồng Kông) tăng 303,4 triệu USD; Dự án Tinh Lợi 2 (Công ty TNHH May Tinh Lợi) 60 triệu USD; Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso tăng thêm 31 triệu USD; Công ty TNHH Máy công nghiệp Brother Việt Nam tăng thêm 35 triệu USD...

Điều này khẳng định rằng, môi trường đầu tư tại Hải Dương là an toàn và có những lợi thế nhất định, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Hải Dương ổn định và tăng trưởng tốt, sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Vừa qua, do tình hình phức tạp ở Biển Đông trước sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, một số phần tử quá kích bị kích động, đã phá hoại một số doanh nghiệp ở khu vực miền Nam và miền Trung.

Để trấn an và động viên các nhà đầu tư yên tâm, nhất là các các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và Đài Loan, lãnh đạo tỉnh đã chủ động bố trí buổi gặp gỡ với tất cả các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và Đài Loan, bố trí đến thăm và làm việc với nhiều doanh nghiệp, khẳng định tỉnh có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, không để các vụ việc quá khích xảy ra, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Do vậy, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh thời gian qua ổn định, các doanh nghiệp đã yên tâm sản xuất.

Đặc biệt, ngày 5/6/2014, UBND tỉnh đã tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye Việt Nam (chủ đầu tư là doanh nghiệp của Đài Loan), với tổng vốn đầu tư 13 triệu USD.

Theo ông, Hải Dương cần có những giải pháp nào trong cải thiện, thu hút thêm các dự án đầu tư mới?

Việc thu hút các nguồn vốn đầu tư, nhất là về thu hút đầu tư nước ngoài là rất cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Hải Dương đã chủ động triển khai một số chủ trương, biện pháp cơ bản.

Thứ nhất, chỉ đạo quyết liệt khắc phục ngay những tồn tại yếu kém hiện nay, nhằm đổi mới căn bản môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Việc thu hút đầu tư nhiều là cần thiết, song tỉnh đã có chủ trương chọn lọc kỹ, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường; chủ động nắm bắt nhu cầu của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, đề nghị Thủ tướng Chính phủ có cơ chế ưu đãi đặc thù đối với loại dự án này để thu hút về đầu tư tại Hải Dương.

Thứ hai, công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến các thủ tục thu hút đầu tư; tập trung giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để bàn giao cho nhà đầu tư.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là trách nhiệm công vụ của cán bộ công chức trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, xuất nhập khẩu, lao động, môi trường, nhằm loại bỏ phiền hà, tạo điều kiện và thời gian nhanh nhất cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án.

Thứ tư, quan tâm và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh tại Hải Dương, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là tháo gỡ khó khăn về vốn vay ngân hàng.

Thứ năm, củng cố, kiện toàn mô hình “một cửa liên thông” ở một số sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã để thực  hiện tối đa cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đánh giá tác động môi trường, cấp phép xây dựng, giao đất... cho các nhà đầu tư, nhằm rút ngắn thời gian và chi phí không cần thiết cho nhà đầu tư.

Thứ sáu, kiện toàn ban chỉ đạo cấp tỉnh để đôn đốc, kiểm tra và nắm bắt, giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Định kỳ 6 tháng và 1 năm, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ tổ chức gặp mặt đối thoại với các doanh nghiệp, nhằm lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, đề ra chủ trương biện pháp, giải quyết phù hợp. Hiện nay, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ báo cáo đánh giá môi trường đầu tư một cách khách quan nhất và tổ chức gặp gỡ đối thoại với các doanh nghiệp vào cuối tháng 6/2014. Những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đã được tổng hợp và sẽ có biện pháp giải quyết hiệu quả sau hội nghị này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư