Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Hải Dương quyết đột phá, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Thanh Sơn - 04/01/2021 17:34
 
Đặt mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong, ngoài nước, Hải Dương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đột phá nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch.
Nhiều doanh nghiệp đã chọn Hải Dương làm điểm đến đầu tư. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện ô tô tại Huyndai Kefico Việt Nam 	ảnh: thành chung
Nhiều doanh nghiệp đã chọn Hải Dương làm điểm đến đầu tư. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện ô tô tại Huyndai Kefico Việt Nam.  Ảnh: Thành Chung

Những kết quả ấn tượng

Trong năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Hải Dương đã coi trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh như quy hoạch đất đai, xây dựng, môi trường, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội...

Năm 2020, môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Dương đã có những bước chuyển biến rất tích cực. Nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp được cơ quan nhà nước lắng nghe, nắm bắt, xử lý, tháo gỡ, đã tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp hoạt động, vì thế tạo được niềm tin, sự an tâm của cộng đồng doanh nghiệp.

Giai đoạn 2016 - 2020, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ. Thống kê từ Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương) cho thấy, trong 5 năm, toàn tỉnh có 7.660 doanh nghiệp thành lập mới, tăng bình quân 10,2%/năm về số doanh nghiệp, vốn đăng ký tăng 21,8%/năm. Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 13.936 doanh nghiệp đang hoạt động (nếu tính cả các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp thì có khoảng trên 15.300 doanh nghiệp), đứng thứ 4/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 13 cả nước.

Thu hút các nguồn vốn cho đầu tư phát triển đã đạt được kết quả tích cực. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 là 207.865 tỷ đồng, tăng bình quân 13,5%/năm (vượt 9,4% mục tiêu đề ra) và tăng cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,1%/năm). Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao, tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư, điển hình là Tập đoàn Hòa Phát, May Tinh Lợi, Ford Việt Nam, Sumidenso Việt Nam, Hyundai Kefico Việt Nam, Nhựa An Phát Xanh... Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 1.745 dự án đầu tư ngoài các khu công nghiệp. Trong đó có 300 dự án đầu tư nước ngoài, 1.449 dự án đầu tư trong nước.

“Hải Dương được đánh giá là nơi đầu tư tiềm năng để phát triển công nghiệp hỗ trợ và sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường theo hướng hiện đại và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia trong thời gian tới”, ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương nhấn mạnh.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII đã đề ra các giải pháp phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phấn đấu đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025. Cụ thể, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đã hình thành khá rõ nét trong 3 lĩnh vực: cơ khí chế tạo, điện - điện tử, dệt may - da giày. Các sản phẩm tương đối đa dạng, phong phú, đa số đạt tăng trưởng khá cao trong giai đoạn 2015 - 2020. Một số nhóm hàng chủ lực có giá trị tăng trưởng cao như giày dép (tăng 20,2%/năm), may mặc (tăng 17,2%/năm), mạch điện tử (tăng 16,6%/năm), thép (tăng 14,7%/năm)... Toàn tỉnh hiện có 130 dự án lớn sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên các lĩnh vực.

Cũng theo ông Kiêm, tổng vốn đầu tư công trong kế hoạch thanh toán năm 2020 của toàn tỉnh ước thực hiện gần 6.800 tỷ đồng, gồm vốn kế hoạch hơn 3.700 tỷ đồng; vốn năm 2019 kéo sang hơn 773 tỷ đồng; vốn bổ sung từ nguồn tăng tiền sử dụng đất, tiết kiệm chi ngân sách hơn 2.300 tỷ đồng. Đến hết tháng 10/2020, tỷ lệ giải ngân đạt 70,8% kế hoạch vốn đã giao.

Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn ngân sách địa phương từ ngân sách tỉnh đầu tư cho 229 chương trình, dự án với khoảng 26.600 tỷ đồng, gồm các dự án đã hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2020; dự án chuyển tiếp và dự án khởi công mới, trong đó nhu cầu bố trí cho các dự án thuộc các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII khoảng 200 tỷ đồng.

Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Theo ông Kiêm, 3 khâu đột phá quan trọng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 mà Sở tập trung thực hiện tốt đã được xác định. Đó là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín và tiềm lực tài chính lớn (trong và ngoài nước) đầu tư vào tỉnh; chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo.

Theo đó, mục tiêu của tỉnh Hải Dương phấn đấu nhiệm kỳ 2021 - 2025 là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 9% trở lên; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng (tương đương 4.800 USD). Số lượng doanh nghiệp tăng bình quân 15% trở lên. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào năm 2025 đạt 80%.

Với vai trò của mình, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương sẽ tham mưu để tỉnh sớm hoàn thiện các chính sách, văn bản thuộc thẩm quyền ban hành, hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Từ mục tiêu chung đó, với vai trò của mình, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương sẽ tham mưu để tỉnh sớm hoàn thiện các chính sách, văn bản quy định thuộc thẩm quyền ban hành, tạo thông thoáng, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến, giới thiệu đầu tư. Tổ chức thực hiện tốt công tác lập và quản lý các quy hoạch. Thực hiện tốt việc công bố công khai các quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế, chính sách, quy định của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền các cấp trong xử lý, tháo gỡ vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp, nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thực hiện các biện pháp tạo bước chuyển biến đột phá về giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh theo nguyên tắc rõ về quy trình, đơn giản về thủ tục; rõ trách nhiệm của từng cơ quan liên quan trong quy trình giải quyết. Công khai quy trình; có cơ chế để nhà đầu tư, doanh nghiệp giám sát việc thực hiện quy trình. Đề cao và gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị trong thực hiện các bước công việc thuộc trách nhiệm giải quyết của ngành, địa phương, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đây có thể coi là một sự quyết liệt trong nhiệm kỳ này của địa phương.

Thực tế, nhiều thủ tục hành chính được các sở, ngành, địa phương rút ngắn thời gian giải quyết còn 50% so với trước đây. Cụ thể, lĩnh vực đăng ký kinh doanh giảm từ 3 ngày xuống tối đa 2 ngày, lĩnh vực thẩm định dự án đầu tư giảm từ 15 ngày xuống 7 ngày. Thời gian giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp mới thành lập do chuyển từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ giảm từ 30 ngày xuống không quá 10 ngày. Thủ tục thẩm định đánh giá tác động môi trường giảm từ 30 ngày xuống 20 ngày...

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư, tập trung ưu tiên vốn đầu tư phát triển cho các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, đã được xác định trong các trụ cột phát triển kinh tế tỉnh. Thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cây, con giống; ứng dụng công nghệ sinh học, bảo quản và chế biến nông sản, công nghệ sạch, công nghiệp phụ trợ; xuất lắp ráp ô tô, kết cấu thép, các thiết bị điện tử, điện lạnh, các thiết bị thông tin viễn thông, lĩnh vực logistics, du lịch, tài chính... Từ chối tiếp nhận các dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu, không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường, các dự án không đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.

Đẩy nhanh việc tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi kinh tế số. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là các công trình, dự án kết nối liên vùng, các dự án có sức lan tỏa, hỗ trợ trực tiếp cho thu hút dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo nhu cầu và xu hướng của thị trường, đáp ứng tốt chuỗi liên kết trong sản xuất, lắp ráp và tăng giá trị nội địa như lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ như Ford Việt Nam hay Huyndai Kefico Việt Nam. Ưu tiên các doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt, có công nghệ cao, sản phẩm có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, có cam kết chuyển giao công nghệ, quản trị doanh nghiệp và có khả năng đóng góp lớn vào ngân sách...

Trong lĩnh vực đầu tư công, xây dựng hạ tầng, sẽ tập trung vào các công trình trọng điểm, giao thông kết nối vùng, huyện, tỉnh. Việc bố trí nguồn vốn đầu tư công phải theo nguyên tắc, nếu công trình nào hoàn thành trong giai đoạn phải cơ bản đủ vốn, còn chuyển tiếp thì bố trí một phần, nhưng vốn bố trí sang giai đoạn sau không được quá 25%, khắc phục tình trạng chuyển tiếp vốn quá lớn. Trong những năm tới, yêu cầu phát triển của 9 huyện còn lại ngoài các địa phương hưởng cơ chế đặc thù cũng rất lớn, nên sẽ bố trí 15% vốn (đã tăng 5% so với giai đoạn trước).

“Những biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh của Hải Dương nhằm chiếm lợi thế đón dòng vốn FDI mới. Sự chủ động và sẵn sàng về hạ tầng công nghiệp là những yếu tố để các nhà đầu tư đã có dự án ở Hải Dương yên tâm hoạt động, mở rộng sản xuất, kinh doanh”, ông Kiêm khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư