Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hai năm chung nhà với Taisho, Dược Hậu Giang trả cổ tức 40%
Thanh Thủy - 10/03/2021 11:13
 
Dược Hậu Giang đặt mục tiêu doanh thu tăng 6%, nhưng lợi nhuận vẫn duy trì ở mức 821 tỷ đồng trong năm 2021.
Dược Hậu Giang đặt kế hoạch lợi nhuận đi ngang
Dược Hậu Giang đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2021 đi ngang.

CTCP Dược Hậu Giang vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu mục tiêu đạt 3.970 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế dự kiến ngang bằng với kêt quả năm trước, đạt 821 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị công ty cũng quyết định tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2020 là tỷ lệ 40%, cao hơn so với kế hoạch ban đầu (30%). Trong năm 2019, doanh nghiệp này cũng đã chi trả cổ tức cho cổ đông ở mức cao như trên, toàn bộ bằng tiền mặt.

Dược Hậu Giang ước tính sẽ thanh toán 523 tỷ đồng để trả cổ tức cho các cổ đông.  

Bản kế hoạch kinh doanh và phương án phân phối lợi nhuận sẽ được công ty trình cổ đông tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 dự kiến tổ chức vào ngày 19/4 tới đây. Danh sách cổ đông tham dự cuộc họp sẽ chốt vào ngày 19/3.

Sau nhiều năm giữ vai trò là nhà đầu tư chiến lược, hãng dược phẩm Nhật Bản Taisho đã nâng tỷ lệ sở hữu từ 35% lên 51% vốn và trở thành công ty mẹ của  Dược Hậu Giang từ đầu năm 2019. Trong năm 2019, kết quả kinh doanh của công ty chưa đạt nhiều tiến triển, thậm chí lợi nhuận còn đi lùi. Tuy nhiên, Dược Hậu Giang đã lấy lại tăng trưởng lợi nhuận, thậm chí xác lập kỷ lục mới với 821 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế dù quy mô doanh thu giảm.

Ông Masaashi Nakaura, Tổng giám đốc Dược Hậu Giang cho biết doanh thu của công ty tập trung vào hàng do công ty sản xuất, đồng thời, tập trung bán sản phẩm chiến lược và chủ lực. Phân loại theo cơ cấu sản phẩm, doanh thu của các sản phẩm thực phẩm chức năng đã tăng gần 15% trong năm vừa qua, nhờ đó nâng tỷ trọng nhóm hàng này lên gần 13%. Biên lợi nhuận gộp nhờ đó tăng từ 43,9% (năm 2019) lên 48,2% (năm 2020). Cùng đó, chi phí bán hàng và quản lý được tiết giảm trong khi công ty cũng triển khai tốt các dự án tăng nâng suất và hiệu quả sản xuất.

Thời điểm về cùng một nhà với đối tác Nhật Bản, ban lãnh đạo công ty nhấn mạnh Taisho sẽ hỗ trợ DHG trong xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và sản xuất cho các công ty thành viên và đối tác của Taisho. Thị trường trong nước hiện vẫn chiếm chiếm khoảng 98% doanh thu của Dược Hậu Giang; còn lại đến từ hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang kỳ vọng đưa thuốc sang Nhật Bản và ra toàn cầu sau 3 năm theo đuổi Japan-GMP. Đây là tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất biểu trưng cho chất lượng Nhật Bản, do Cơ quan Dược phẩm và Thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA) – thuộc Bộ Y tế Lao động và An sinh Xã hội Nhật Bản (MHLW) – trực tiếp cấp chứng nhận.

Dược Hậu Giang hiện sở hữu danh mục với gần 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng Nhật Bản. Ngoài việc chuẩn bị các thủ tục xuất khẩu thuốc Việt đạt Japan-GMP ra thế giới, lcông ty đặt mục tiêu gia tăng thị phần ở kênh bệnh viện, tập trung vào đấu thầu vào gói tiêu chuẩn cao. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư