Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Hai “ông lớn” ngành nhựa: Lợi thế đầu vào chưa tạo cú bật cho kinh doanh quý I
An An - 01/05/2020 10:24
 
Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong - hai doanh nghiệp lớn ngành nhựa đều cải thiện biên lợi nhuận gộp trong quý này. Nhựa Bình Minh vẫn duy trì được đà tăng trưởng doanh thu, nhưng bù lại, chi phí chiết khấu bán hàng bỏ ra gấp đôi cùng kỳ.
TIN LIÊN QUAN

Biên lợi nhuận gộp cải thiện

Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã BMP) và Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã NTP) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2020 với lợi nhuận sau thuế đều tăng trưởng. Lợi nhuận của Nhựa Bình Minh quý này tăng 12,4%, đạt 102 tỷ đồng; còn Nhựa Tiền Phong báo lãi ròng gần 76 tỷ đồng, cũng tăng trưởng 5,6%.

Điểm chung đáng chú ý giữa hai doanh nghiệp là biên lợi nhuận gộp đều được cải thiện đáng kể.  Ông Chu Văn Phương - Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong cho biết giá nguyên vật liệu đầu vào giảm so với cùng kỳ là một yếu tố tác động đến doanh nghiệp này. Dịch cúm Covid-19 lan rộng tác động lên kinh tế toàn cầu, làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ, dẫn đến giá dầu đã giảm mạnh trong thời gian qua. Yếu tố này được đánh giá có lợi cho các doanh nghiệp ngành nhựa nói chung.

Tuy vậy, doanh thu của Nhựa Tiền Phong giảm 4,2% so với cùng kỳ, chỉ còn 959,8 tỷ đồng. Lợi thế yếu tố đầu vào giúp biên lợi nhuận gộp tăng từ 31% lên thành 32,3% nhưng lợi nhuận gộp của công ty cũng chỉ đi ngang. Chi phí lãi vay và chi phí bán hàng đều giảm. Chi phí bán hàng thường xuyên chiếm hơn 17% tổng doanh thu của Nhựa Tiền Phong cũng đã giảm được hơn 13 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh của Nhựa Tiền Phong - Đơn vị: Tỷ đồng
Kết quả kinh doanh của Nhựa Tiền Phong - Đơn vị: Tỷ đồng

Ở chiều ngược lại, Nhựa Bình Minh lại đẩy mạnh bán hàng, tăng doanh số và chi phí bán hàng. Doanh thu quý này của công ty tăng  9,5% so với cùng kỳ, đạt 1.019,8 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí giá vốn tăng ít hơn, chỉ 7,4% dẫn đến lợi nhuận gộp đạt gần 246 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 22,6% lên thành 24,1%.

Các khoản chi phí kỳ này đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí bán hàng tăng đến 55% lên 88,5 tỷ đồng. Phần lớn bởi chi phí chiết khấu bán hàng cao gấp đôi, tăng từ 29 tỷ đồng lên hơn 59 tỷ đồng. Nhìn chung, hoạt động kinh doanh chính của Nhựa Bình Minh vẫn chưa bật lên trong kỳ.

Kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh - Đơn vị: Tỷ đồng
Kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh - Đơn vị: Tỷ đồng

Bù lại, lãi tiền gửi ngân hàng giúp doanh thu hoạt động tài chính kỳ này lại đạt hơn 17,5 tỷ đồng, trong khi con số cùng kỳ chỉ là vỏn vẹn 510 triệu đồng.  Hoạt động tài chính cũng giúp Nhựa Tiền Phong có thêm doanh thu, tăng gần 6,6 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó lãi tiền gửi ngân hàng tăng từ 73 triệu lên thành 1,3 tỷ đồng. Kỳ này, công ty có lãi chênh lệch tỷ giá 700 triệu đồng, lãi trái phiếu Vietinbank và cổ tức từ CTCP Cấp nước Thủ Dầu Một lần lượt 3 tỷ đồng và 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài  chính quý này cũng phải ghi nhận thêm phần dự phòng trích lập do giảm giá các khoản đầu tư. Nhựa Tiền Phong đang đầu tư hơn 41 tỷ đồng vào công ty Cấp nước Thủ Dầu Một. Cổ phiếu TDW của doanh nghiệp này ba tháng đầu năm cũng giảm tới 40% giá trị và hiện phục hồi đáng kể.

Nhựa Tiền Phong tranh thủ trữ tồn kho nguyên liệu

Hai ông lớn ngành nhựa như Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong còn sở hữu cơ cấu tài chính lành mạnh với tỷ trọng nợ vay thấp và lượng tiền mặt tại kho và tiền gửi tại ngân hàng dồi dào.

Duy trì một lượng tiền mặt lớn đã giúp lãi tiền gửi Nhựa Bình Minh quý này tăng vọt. Công ty có tổng cộng 1.056 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng (đầu kỳ là gần 900 tỷ đồng), trong đó, 250 tỷ đồng là tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng và 606 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn.  So với tổng tài sản của Nhựa Bình Minh đến cuối quý I (2.948,9 tỷ đồng), tiền đang chiếm tới 35% tỷ trọng. Quy mô tài sản của ông lớn ngành nhựa này gần như đi ngang từ năm 2016 tới nay. Tuy nhiên, cùng với xu hướng giảm khoản phải thu, lượng tiền Nhựa Bình Minh sở hữu ngày càng tăng. Trong quý vừa qua, giá trị tồn kho của công ty cũng giảm 5,5%.

Nhựa Tiền Phong thậm chí giảm tôn kho tới gần 9,6% sau một quý. Tuy nhiên, phần giảm chủ yếu là tồn kho thành phẩm (43%), công ty đang mạnh tay tích trữ nguyên vật liệu, tăng giá trị tồn kho từ 560 tỷ đồng lên gần 800 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản Nhựa Tiền Phong là 4.222,6 tỷ đồng,  giảm 7,2% so với đầu năm. Trong đó, công ty có hơn 278,6 tỷ đồng tiền mặt và 150 triệu đồng tiền gửi ngân hàng.

Cả cổ phiếu BMP và NTP đều có khoảng thời gian tăng tốt sau quãng thời gian lao dốc trước đó. Tính từ thời điểm 1/4 đến 17/4, giá cổ phiếu BMP đã tăng từ 33.950 đồng/cp lên thành 45.700 đồng/cp, tương ứng tăng 34,6%. Tương tự, NTP cũng tăng 20,7% từ 27.100 đồng/cp lên 32.700 đồng/cp.

Giá cổ phiếu BMP có thời điểm giảm sâu gần 27% nhưng bật tăng và hồi phục
Giá cổ phiếu BMP có thời điểm giảm sâu gần 27% nhưng bật tăng và hồi phục hoàn toàn sau đó
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư