Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 07 tháng 08 năm 2024,
Hải Phòng hiện thực hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị:
Hải Phòng hướng đến là trung tâm kinh tế biển hiện đại của Đông Nam Á
Thanh Sơn - 07/08/2024 12:26
 
Nằm ở vị trí trọng điểm vùng duyên hải Bắc Bộ, Hải Phòng có những tiềm năng, lợi thế để đón đầu xu thế hội nhập của kinh tế hàng hải, Thành phố đã và đang xây dựng chiến lược để mở lộ trình vươn ra biển lớn.

Hướng tới là trung tâm kinh tế biển Đông Nam Á vào năm 2030

Theo Quy hoạch Thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chuyển đổi số, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước.

Hải Phòng là thành phố có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi trong nước, quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thủy nội địa. Hải Phòng cũng là trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch biển.

Huyện đảo Bạch Long Vĩ với vị trí tiền đồn chiến lược, có giá trị lớn về khẳng định, mở rộng và bảo đảm chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển và phát triển kinh tế biển. Ảnh: Đức Nghĩa
Huyện đảo Bạch Long Vĩ với vị trí tiền tiêu, có giá trị chiến lược về an ninh quốc phòng  khẳng định chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển và phát triển kinh tế biển. Ảnh: Đức Nghĩa

“Quy hoạch Thành phố Hải Phòng là sự cụ thể hóa khát vọng phát triển thành phố theo đúng tinh của Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, với những định hướng, giải pháp đột phá mang tầm chiến lược dài hạn, giúp khơi thông các điểm nghẽn và khai thác tốt vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng của TP Hải Phòng”, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết.

Trên cơ sở đó, Hải Phòng đã xác định cụ thể 6 ngành, lĩnh vực biển trọng tâm của thành phố. Trước hết là phát triển hệ thống cảng, dịch vụ cảng và vận tải biển, phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của Việt Nam, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á; phát triển công nghiệp biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, phát triển khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải thành trung tâm kinh tế hiện đại của cả nước, là cửa chính mở ra biển.

Cụ thể, định hướng đầu tư xây dựng phát triển cảng biển Hải Phòng để xứng tầm với vai trò là 1 trong 2 cảng biển đặc biệt của cả nước. Tập trung hoàn thành đầu tư khu bến cảng Lạch Huyện và di dời các bến cảng trên sông Cấm; đầu tư phát triển các bến cảng tại khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc; Xây dựng mới các tuyến đường sắt: Tuyến Hà Nội - Hải Phòng song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kết nối Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện; tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh; Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Nghiên cứu xây dựng sân bay quốc tế tại huyện Tiên Lãng...

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã khẳng định: ”Hải Phòng là Thành phố Cảng biển đặc biệt quan trọng, là trung tâm công nghiệp, kinh tế sôi động bậc nhất cả nước, là cửa ngõ kết nối quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, có vị trí trọng yếu về quốc phòng an ninh. Do đó, Quy hoạch Thành phố sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới để đưa Hải Phòng phát triển, trở thành 3 trụ cột phát triển dịch vụ cảng biển- logistics, công nghiệp xanh, trung tâm du lịch biển quốc tế”.

Đầu tư, phát triển kinh tế biển

Hiện nay, hệ thống cảng biển của TP. Hải Phòng gồm 5 khu bến chính với 52 cảng biển thuộc danh mục cảng biển Việt Nam (với 98 cầu, dài khoảng 14.178,5m). Nổi bật là Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện có khả năng tiếp nhận tàu container lên tới trên 200.000 DWT.

Để phát triển đồng bộ hạ tầng cảng biển tại khu vực này, Hải Phòng cũng đã khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu, là cơ sở hình thành một khu công nghiệp gắn liền cảng biển hiện đại trong nước và khu vực. Đồng thời, dự án sẽ đóng vai trò là khu hậu cần cho Cảng Lạch Huyện – nơi có khả năng tiếp nhận các tàu container tải trọng đến 150.000 DWT đi các tuyến biển xa trực tiếp đến châu Âu, châu Mỹ.

Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Ảnh: Việt Dũng
Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Ảnh: Việt Dũng

Việc hình thành khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu cùng hệ thống các cầu cảng nước sâu của Cảng quốc tế Lạch Huyện sẽ góp phần tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của Cảng quốc tế Lạch Huyện cũng như khu phi thuế quan – logistics và công nghiệp ở khu vực này.

Tiếp đó, việc phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới vùng biển và hải đảo được lãnh đạo Thành phố quan tâm đầu tư. Đến nay, Thành phố có 3 dự án điện tái tạo được xây dựng, bao gồm: Dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng giai đoạn 2015-2020 bằng nguồn điện lai ghép gió + mặt trời + diesel + lưu trữ năng lượng, trong đó nguồn điện mặt trời 504 kWp, điện gió 1 MW (do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư cấp điện cho 168 hộ dân, các đơn vị hành chính và lực lượng an ninh quốc phòng trên đảo); Dự án điện mặt trời áp mái công suất khoảng 2,18 MWp; Dự án khai thác năng lượng gió của DEEP C & Unison công suất 2,3 MW.

Ngoài ra, Thành phố đang đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi có 9 đơn vị/liên danh đề xuất nghiên cứu tiềm năng và phát triển dự án điện gió trên vùng biển Hải Phòng.

Chia sẻ về định hướng phát huy tiềm năng kinh tế biển Hải Phòng tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW mới đây, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam góp ý: Hải Phòng cần tổ chức lại không gian biển và ven biển để phát triển kinh tế biển xanh và bền vững. Đồng thời Hải Phòng cần chú ý đến 4 yếu tố cơ bản là Phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững; Đầu tư cho khoa học biển và tăng cường năng lực công nghệ trong khai thác, sử dụng biển, đảo của các ngành kinh tế biển chủ chốt; Xác lập cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý biển, đảo, vùng ven biển để giải quyết đồng bộ các mối quan hệ khác nhau trong phát triển và Mở rộng hợp tác đa phương và hội nhập quốc tế để phát triển biển và kinh tế biển xanh.    

Theo ông Hồi, Hải Phòng cần phải khai thác hiệu quả các “lợi thế tĩnh” (vị thế và tiềm năng vốn có) gắn với việc tạo dựng các “lợi thế động” (cơ chế, chính sách), khắc phục các “yếu thế” để chuyển yếu thế thành lợi thế và biến lợi thế thành lợi ích. Cụ thể là: tiếp tục tạo cơ chế mở và môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội biển; bảo toàn được nguồn vốn tự nhiên và văn hóa biển vốn có của thành phố để phát huy lợi thế tĩnh; bảo vệ môi trường biển và thích ứng chủ động với biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương; giảm phát thải và xử lý chất thải trên các khu vực đô thị, đảo và cảng; phát huy đầy đủ, có hiệu quả các nguồn lực bên trong, tranh thủ và thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài để xây dựng một nền kinh tế biển xanh ở Thành phố.

Đối với phát triển khu kinh tế ven biển, hiện nay, tại Hải Phòng, khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải đã trở thành khu kinh tế tổng hợp, năng động, đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển kinh tế hàng hải, trọng tâm là phát triển dịch vụ cảng; là động lực thúc đẩy Hải Phòng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một trong những trung tâm kinh tế biển của vùng biển Bắc bộ và cả nước.

Hải Phòng hướng tới là trung tâm kinh tế biển Đông Nam Á vào năm 2030. Ảnh: Việt Dũng
Hải Phòng hướng tới là trung tâm kinh tế biển Đông Nam Á vào năm 2030. Ảnh: Việt Dũng

Tính đến hết năm 2023, khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải đã thu hút được khoảng 32 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư, là một điểm sáng quan trọng trong thu hút đầu tư của thành phố Hải Phòng với nhiều dự án lớn. Đơn cử như Tập đoàn LG (tổng vốn 9,24 tỷ USD); Vinfast (khoảng 7,6 tỷ USD), Brigdestone (1,2 tỷ USD), Regina Miracle International (1 tỷ USD), Pegatron (gần 900 triệu USD), SK (500 triệu USD)...

Hải Phòng hiện đang tập trung cho việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha để tận dụng lợi thế của cảng Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng; thành lập Khu thương mại tự do trong khu kinh tế mới để vận dụng những cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế.

Để trở thành một trọng điểm kinh tế biển của cả nước, Hải Phòng đã và đang tập trung đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế lớn trong vùng đồng bằng sông Hồng, các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển và cảng biển.

Đó là: Dự án đường bộ ven biển và các dự án xây dựng đường kết nối giữa đường bộ ven biển và các tuyến đường trục trên địa bàn thành phố; các dự án đầu tư xây dựng công trình cầu kết nối Hải Phòng với các địa phương như cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân nối với tỉnh Quảng Ninh; cầu Quang Thanh nối với thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương); cầu sông Hóa nối với huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình); cầu Rào; cầu Nguyễn Trãi; cầu Hoàng Văn Thụ; các dự án tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; các tuyến đường vành đai Thành phố...

Ngoài ra, tăng cường thu hút, tập trung huy động nguồn lực phát triển hệ thống giao thông đường biển như các bến số 3, 4, 5, 6, 7, 8 của Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đang được đẩy nhanh tiến độ thi công và tiếp tục kêu gọi đầu tư các bến còn lại của Cảng Lạch Huyện (hiện nay các bến số 9, 10, 11, 12 đã có nhà 7 đầu tư đề xuất và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện thẩm định chủ trương đầu tư theo quy định).

“Việc chủ động đổi mới, sắp xếp lại hoạt động của các bến cảng một cách phù hợp để hiện thực hóa chiến lược tiến ra phía biển đang dần khẳng định sự chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với sự cạnh tranh của nền kinh tế hàng hải thế giới cũng như trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay của Hải Phòng. Đây cũng sẽ là tiền đề và động lực quan trọng để Hải Phòng hướng tới mục tiêu xây dựng Thành phố cảng xanh, thông minh, thành phố hàng hải toàn cầu; trung tâm kinh tế biển hiện đại Đông Nam Á”, ông Tùng nhấn mạnh.

Khu kinh tế ven biển phía Nam sẽ trở thành động lực phát triển mới của Hải Phòng
Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ là một trong những động lực quan trọng để Thành phố hiện thực hóa các mục tiêu theo định hướng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư