Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 09 tháng 10 năm 2024,
Hải Phòng hiện thực hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị:
Hải Phòng ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm
Quỳnh Nga - 07/08/2024 10:39
 
Hải Phòng đã và đang nỗ lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đây không những là điều kiện để Hải Phòng bứt tốc trong phát triển kinh tế-xã hội mà còn là “cú huých” cho sự bứt phá của cả vùng.

Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã đặt ra mục tiêu, trong đó: “Hải Phòng phải đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ; có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, là trọng điểm dịch vụ hậu cần (logicstic)”.

Những ghi nhận đánh giá tích cực

Có thể nhìn nhận rõ, trong 5 năm qua, Hải Phòng đã và đang không ngừng nỗ lực để hiện thực hoá nội dung mà Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương đã đánh giá, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nhiều kế hoạch, chương trình, đề án được ban hành; nhiều nguồn lực được bố trí để triển khai, nhất là các lĩnh vực mũi nhọn. Vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của Hải Phòng đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước tiếp tục được khẳng định. Quy mô kinh tế Hải Phòng không ngừng được mở rộng. Kết cấu hạ tầng giao thông đã có những bước phát triển đột phá.

Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khẳng định vai trò quan trọng trong kết nối giao thương các tỉnh phía Bắc với khu vực cảng biển Hải Phòng. Ảnh: evidifi.vn

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng thì: “Kết cấu hạ tầng giao thông Hải Phòng được đầu tư, tập trung huy động nguồn lực phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thực hiện tốt vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Nhiều công trình giao thông hoàn thành và đưa vào khai thác đóng vai trò liên kết rất tích cực vùng và khu vực”.

Về xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, tính chung giai đoạn 2019 - 2023, Hải Phòng đã đầu tư xây dựng mới được 19,67 km đường quốc lộ, 28,78 km đường tỉnh lộ, 55,49 km huyện lộ và 137,04 km đường đô thị. Đến nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 34 km đường bộ cao tốc. Hơn 120 tuyến đường đô thị và các tuyến đường tỉnh đã nâng cấp, cải tạo mặt đường bê tông nhựa.

Nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng, khu vực đã được đưa vào khai thác như: đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, cầu Bến Rừng, cầu Bạch Đằng nối với tỉnh Quảng Ninh; Cầu Quang Thanh nối với tỉnh Hải Dương. Đây đều là những dự án nổi bật được Hải Phòng ưu tiên đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết nối hệ thống giao thông của Thành phố với các tỉnh lân cận.

Cầu Quang Thanh vượt sông Văn Úc  tạo kết nối giao thông giữa Hải Phòng - Hải Dương ở phía Tây nam Thành phố.

Hiện nay, Thành phố tiếp tục đầu tư, nâng cấp các quốc lộ đi qua địa bàn. Như tại QL.10 (đoạn nối Quảng Ninh - Hải Phòng) với tổng mức đầu tư 1.220 tỷ đồng, đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền có chiều dài 12,9 km đã được đưa vào khai thác tháng 12/2023. Còn QL.37, với chiều dài 12km, tổng mức đầu tư 630 tỷ đồng, dự kiến được đưa vào khai thác trong quý III/2024. Đối với cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2, dự án nằm trong quy hoạch chung TP Hải Phòng tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023, hiện đang được UBND thành phố nghiên cứu, huy động nguồn lực để thực hiện đầu tư.

Để nâng cao năng lực hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, Hải Phòng sẽ tiếp tục đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm để đưa vào sử dụng trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Đó là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối tỉnh lộ 354 qua khu công nghiệp Kiến Thụy đến đường bộ ven biển; đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường bộ ven biển (km1+00) đến Ngã ba Vạn Bún (đường Lý Thái Tổ), quận Đồ Sơn; đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ cầu Lạng Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đến đường bộ ven biển; đầu tư xây dựng cải tạo đường 359 đoạn từ xã Thủy Triều đến đường trục giao thông Khu đô thị và công nghiệp bến Rừng, huyện Thủy Nguyên. Cùng đó, tập trung phối hợp, phấn đấu khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận.

Cầu Bến Rừng nối Hải Phòng - Quảng Ninh mới đưa vào khai thác đã tiếp thêm lợi thế liên kết vùng về phía Bắc của Hải Phòng.

Đối với hệ thống giao thông đường biển, sau khi bến cảng số 1, số 2 tại Lạch Huyện đi vào hoạt động tháng 5/2018, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đã đủ khả năng đón tàu có trọng tải lên đến 145.000 DWT. Từ đây, nhiều hãng tàu lớn trên thế giới đã đưa tàu container trọng tải lớn vào Lạch Huyện để khai thác các tuyến vận tải biển quốc tế, kết nối trực tiếp Hải Phòng với các cảng lớn ở Đông Bắc Á, Châu Âu, Bắc Mỹ. Tiếp đó, các bến container số 3 và số 4 cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng hoàn thành đưa vào khai thác tháng 5/2024, với khả năng tiếp nhận cỡ tàu container đến 160.000DWT - tương đương 14.000 TEUs, đã đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua 1,1 triệu TEU/năm. Đối với bến cảng số 5, số 6 đang triển khai thi công giai đoạn 1, dự kiến sẽ hoàn thành 2026 và giai đoạn 2 hoàn thành năm 2027.

Tầm nhìn đến năm 2050

Theo chiến lược phát triển, Hải Phòng sẽ là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới. Để thực hiện hóa mục tiêu trên, Hải Phòng đang tiếp tục đầu tư xây dựng tuân thủ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc, Quy hoạch chi tiết khu bến cảng biển Lạch Huyện đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt; tích cực tìm kiếm nhà đầu tư Cảng biển khu vực Nam Đồ Sơn.

Đến nay, khu vực cảng biển Hải Phòng đã được đầu tư, khai thác 50 bến cảng với tổng chiều dài cầu cảng khoảng14,35 km trong tổng số 298 bến cảng với tổng chiều dài cầu cảng khoảng 92,03 km thuộc hệ thống cảng biển Việt Nam.

Cảng Lạch Huyện với 4 bến đưa vào khai thác đã khẳng định vị trí cửa ngõ cảng biển khu vực phía Bắc để đến với thế giới. Ảnh: Thanh Tân

Còn với hệ thống giao thông đường hàng không, từ năm 2019 đến nay, đã tiếp tục đầu tư một số công trình, dự án nhằm nâng cao năng lực vận tải của Cảng hàng không Cát Bi; đang tiếp tục chuẩn bị đầu tư một số dự án tại CHKQT Cát Bi như: Xây dựng nhà ga hành khách T2; xây dựng nhà ga hàng hóa; mở rộng sân đỗ máy bay - giai đoạn 2. Đến nay, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đã có đường bay quốc tế đến Seoul, Bangkok, Quảng Đông; các đường bay nội địa đến Đà Lạt, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cam Ranh, Tp. Hồ Chí Minh.

Đối với hệ thống giao thông đường thủy nội địa, đến nay, hệ thống mạng lưới đường thủy nội địa của thành phố phát triển tương đối hoàn thiện với tổng chiều dài 425 km. Trong đó 285 km đường thủy nội địa quốc gia và 140 km đường thủy nội địa địa phương. Thành phố đang tiếp tục triển khai Đề án “Nâng cao năng lực vận tải container trên tuyến đường thuỷ nội địa Bắc Ninh - Hải Phòng” để thu hút nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa (cảng cạn, cảng thủy nội địa…), chia sẻ thị phần vận tải đường bộ, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Hải Phòng là điểm cuối của tuyến đường sắt khổ 1.000 mm Hà Nội – Hải Phòng, tuyến có kết nối với các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội đi Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên và TP HCM. Nhìn chung, trong nhiều năm qua, tuyến đường sắt trên địa bàn không có sự thay đổi.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn thành phố đến năm 2030 sẽ được đầu tư đoạn tuyến Hà Nội – Hải Phòng mới (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội -Hải Phòng) song song với truyến đường bộ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (đến ga Nam Hải Phòng) kết nối cảng biển của ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện.

Hiện nay, Cục đường sắt Việt Nam đã lập Báo cáo đầu kỳ Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, TP Hải Phòng đã phối hợp với tỉnh, thành phố theo quy hoạch tuyến đường sắt đi qua, tham gia ý kiến với Cục Đường sắt Việt Nam về hướng tuyến, vị trí các ga theo yêu cầu.

“Cho đến nay, mạng lưới giao thông giữa Hải Phòng với các tỉnh lân cận được mở rộng đã tạo điều kiện cho việc liên kết, hợp tác và kết nối vùng cùng tăng tốc, phát triển. Với quyết tâm cao, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, Hải Phòng đã và đang hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới theo đúng tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW đã đề ra”, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khẳng định.

Chính quyền đô thị Hải Phòng: Không tổ chức HĐND ở 8 quận, 79 phường; có thêm một thành phố
Sau Thủ đô Hà Nội, TP. Đà Nẵng và TP.HCM thì TP. Hải Phòng đang tiến hành những bước đi cần thiết để tiến tới tổ chức theo mô hình chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư