Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Hàn Quốc cáo buộc gỗ dán Việt Nam bán phá giá 9,15 – 10,65%, Bộ Công Thương phản ứng
Thế Hải - 28/05/2020 11:22
 
Gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam đang bị cáo buộc bán phá giá vào thị trường Hàn Quốc với biên độ từ 9,15 – 10,65%.
Bộ Công Thương đề nghị KTC xem xét lại phương pháp tính toán biên độ bán phá giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ Công Thương đề nghị KTC xem xét lại phương pháp tính toán biên độ bán phá giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Ngay sau khi Ủy ban Thương mại Hàn Quốc (KTC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống bán phá giá gỗ dán của Việt Nam với biên độ phá giá từ từ 9,15 – 10,65%, Bộ Công Thương bày tỏ quan điểm đối với kết luận sơ bộ của Ủy ban Thương mại Hàn Quốc trong vụ việc điều tra chống bán phá giá gỗ dán của Việt Nam.

Theo đó, KTC sơ bộ cho rằng các doanh nghiệp gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam đang bán phá giá vào thị trường Hàn Quốc với biên độ từ 9,15 – 10,65% gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuât nội địa nước này.

Sau khi nghiên cứu các nội dung trong kết luận sơ bộ, phân tích và đối chiếu với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như thực tiễn kinh nghiệm điều tra của các nước, ngày 25 tháng 5 năm 2020, Bộ Công Thương đã gửi bản lập luận để bày tỏ quan điểm đối với kết luận sơ bộ của KTC.

Trong bản lập luận này, Bộ Công Thương đề nghị KTC xem xét, đảm bảo nguyên đơn có đủ tư cách đại diện cho ngành sản xuất trong nước theo quy định.

Bộ Công Thương cũng đề nghị KTC xem xét, điều chỉnh phạm vi sản phẩm bị điều tra. Theo Bộ Công Thương, phạm vi sản phẩm trong vụ việc này là rất rộng, bao gồm cả sản phẩm doanh nghiệp Hàn Quốc không sản xuất.

Ngoài ra, sản phẩm gỗ dán của Việt Nam không phải là sản phẩm tương tự, cạnh tranh với các mặt hàng mà các doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất.

Đề nghị thứ 3 được Bộ Công Thương đưa ra là KTC cần xem xét lại phương pháp tính toán biên độ bán phá giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng như xem xét đầy đủ các chỉ số hoạt động của ngành sản xuất trong nước khi đanh giá thiệt hại.

Thứ tư, Bộ Công Thương nhấn mạnh tác động của biện pháp chống bán phá giá đối với các ngành sản xuất khác của Hàn Quốc sử dụng gỗ dán là nguyên liệu chính, mà trong đó hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bộ Công Thương đề nghị KTC cân nhắc các ý kiến của Việt Nam và hủy bỏ điều tra. Trong trường hợp KTC vẫn quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ Công Thương đề nghị KTC cân nhắc áp dụng một mức thuế hợp lý căn cứ theo các quy định của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc để giảm thiểu tác động đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, không gây ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa hai nước đang diễn biến tốt đẹp.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, các hiệp hội liên quan để theo dõi và xử lý các vấn đề phát sinh của vụ việc.

Gần 160 vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng Việt, sắt thép "dính" nhiều nhất
Tính đến hết năm 2019, đã có 158 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư