Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Hàng chưa chính ngạch để đi đường biển, đường sắt thì xuất sang Trung Quốc còn khó
Nguyễn Lê - 15/03/2022 09:06
 
Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi hoạt động thông quan hàng hóa trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đã, đang và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn
.
Xe chở nông sản ùn ứ ở biên giới phía bắc.

Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi hoạt động thông quan hàng hóa trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đã, đang và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Nhận định này được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu tại báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Phiên chất vấn sẽ diễn ra trong sáng 16/3, từ Nhà Quốc hội kết nối đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội. 

Giải pháp bảo đảm lưu thông xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản là một nội dung nằm trong nhóm vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn đế chất vấn Bộ trưởng Công Thương.

Báo cáo vấn đề này, Bộ trưởng Diên cho biết, lưu thông hàng hóa qua biên giới phía Bắc chỉ chuyển biến xấu từ tháng 12/2021 tới nay, khi đợt dịch thứ 4 lan rộng tại miền Bắc và nhất là từ khi phía Trung Quốc cũng bắt đầu phát hiện các ca mắc Covid-19 tại khu vực biên giới.

Mặc dù phía Việt Nam đã chủ động giao thiệp ở tất cả các cấp để giữ cho lưu thông hàng hóa được thông suốt, nhưng phía Trung Quốc vẫn hết sức quan ngại. Họ chủ động tăng cường các biện pháp quản lý, như thủ tục giao nhận chặt chẽ hơn, quy trình kiểm dịch phức tạp hơn. Đặc biệt, chỉ cần phát hiện dấu vết virus trên hàng hóa hoặc bao bì là phía Trung Quốc dừng ngay hoạt động thông quan để tiến hành khử khuẩn toàn khu vực; nếu phát hiện ca nhiễm thì đóng cửa khẩu và thực hiện giãn cách xã hội để tầm soát, khoanh vùng, dập dịch. Các cặp cửa khẩu quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu như Hà Khẩu - Kim Thành (Lào Cai), Đông Hưng - Móng Cái (Quảng Ninh), thậm chí là cả Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đều bị tạm dừng thông quan vì lý do này.

"Như vậy, có thể thấy nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu nhất dẫn đến hiện tượng ùn tắc hàng hóa lần này là do các quy định phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, nhất là khi phía bạn cũng xuất hiện các ca mắc Covid-19 tại khu vực cửa khẩu. Ùn tắc xảy ra ở cả 2 phía, gây thiệt hại không chỉ cho ta mà còn cho cả xuất khẩu của Trung Quốc", báo cáo nêu rõ.

Theo Bộ trưởng, nhờ nỗ lực và thiện chí của tất cả các bên, tình hình tới trước Tết Nguyên đán đã có sự cải thiện đáng kể. 2 tỉnh Quảng Tây, Vân Nam đều đã khôi phục dần hoạt động thông quan tại các cụm cửa khẩu quan trọng đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trước Tết Nguyên đán, lượng xe chờ xuất khẩu tại các tỉnh biên giới đã giảm rất mạnh và trở về mức thông thường như trước khi xảy ra ùn tắc. Hàng hóa nhập khẩu cũng được giải tỏa đáng kể, đáp ứng nhu cầu vật tư, nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Song, từ sau Tết Nguyên đán, do phía Trung Quốc bắt đầu phát hiện các ca mắc Covid-19 tại khu vực biên giới nên cặp cửa khẩu Hà Khẩu - Kim Thành đã tạm dừng thông quan từ 17/2/2022 để tầm soát - khoanh vùng - dập dịch. Cặp cửa khẩu Đông Hưng - Móng Cái tạm dừng từ 25/2/2022 và gần đây nhất cửa khẩu Hữu Nghị cũng tạm dừng thông quan từ 6/3/2022 với lý do tương tự. 

Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi hoạt động thông quan hàng hóa trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đã, đang và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Vẫn theo Bộ trưởng thì năm 2022, với những diễn biến khó đoán định về bức tranh thương mại toàn cầu do phụ thuộc vào dịch Covid-19, cũng như những khó khăn từ chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.

Nêu giải pháp thời gian tới, ông Diên cho biết, Bộ Công thương cùng các Bộ, ngành liên quan, các địa phương biên giới phía Bắc tiếp tục giao thiệp, trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để bàn bạc các giải pháp nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định lâu dài.

Cần chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính,…) để tận dụng các kênh xuất khẩu khác như đường biển, đường sắt, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Giải pháp tiếp theo được nêu tại báo cáo là Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng, mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản để đa dạng hoá thị trường, tránh tình trạng phụ thuộc vào số ít thị trường lớn, truyền thông. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh đàm phán các nghị định thư cần thiết với Trung Quốc để giảm tỷ lệ nông sản Việt Nam phải qua kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc.

Trung Quốc tăng kiểm dịch với hàng hóa nông sản nhập từ Việt Nam
Phía Trung Quốc thông báo nếu còn phát hiện trường hợp dương tính với virus Sars Cov-2 thì sẽ áp dụng biện pháp quản lý khống chế tạm thời.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư