Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Hàng khủng ngân hàng dội sàn chứng khoán
- 14/08/2017 08:29
 
Ngày 17/8, Ngân hàng VPBank sẽ chính thức giao dịch trên sàn HOSE. Trong năm 2017, có ít nhất 4 ngân hàng lên sàn và làn sóng này chưa dừng lại.

Nhộn nhịp lên sàn, giá cổ phiếu tăng nóng

Cổ phiếu của Ngân hàng VPBank (mã VPB) đang nóng lên trên sàn OTC sát thời điểm lên sàn chính thức. Với giá chào sàn khởi điểm 39.000 đồng/cổ phiếu như đã công bố, mã VPB đang được nhà đầu tư đua nhau mua gom trên thị trường OTC với giá 36.000 - 38.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, từ cuối năm 2016 đến nay, giá cổ phiếu VPBank đã tăng gần 4 lần, từ mức 10.000 đồng/cổ phiếu lên tới 38.000 đồng/cổ phiếu. Tới đây, nếu mức giá tham chiếu 39.000 đồng/cổ phiếu được giữ vững khi niêm yết trên sàn, VPB sẽ có giá trị vốn hóa khoảng 52.000 tỷ đồng, lớn thứ tư trong hệ thống ngân hàng và dẫn đầu “họ” cổ phiếu ngân hàng về giá.

Sau VPBank, hiện có ít nhất 8 ngân hàng đang lên kế hoạch niêm yết vào cuối năm nay hoặc sang năm sau. Trong ảnh: Hoạt động tại quầy giao dịch của ngân hàng VPBank. Ảnh: Đức Thanh
Sau VPBank, hiện có ít nhất 8 ngân hàng đang lên kế hoạch niêm yết vào cuối năm nay hoặc sang năm sau. Trong ảnh: Hoạt động tại quầy giao dịch của Ngân hàng VPBank. Ảnh: Đức Thanh

Thời gian gần đây, các mã cổ phiếu ngân hàng được giới đầu tư quan tâm đặc biệt và có mức độ tăng trưởng rất tốt. Đầu năm nay, Ngân hàng VIB chào sàn với giá tham chiếu 17.000 đồng/cổ phiếu, nhưng hiện giá đã lên tới 22.000 đồng/cổ phiếu. Theo kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông năm 2016 thông qua, VIB dự kiến niêm yết trên HOSE trong năm 2018.

Hay như cổ phiếu LPB của LienVietPostBank cũng gây sốt thị trường ngay khi có kế hoạch niêm yết trên sàn. Hiện mã cổ phiếu ngân hàng này đang giao dịch trên sàn OTC với giá 13.000 - 14.000 đồng/cổ phiếu, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2016.

Trong số các ngân hàng vừa lên sàn hoặc sắp lên sàn, chỉ có cổ phiếu KLB (KienLongBank) là vẫn xập xình quanh mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu), còn lại đều tăng khá mạnh.

Việc cổ phiếu ngân hàng phục hồi đang trở thành động lực khiến nhiều ngân hàng mạnh dạn đẩy nhanh kế hoạch lên sàn. Từ đầu năm đến nay, đã có 2 ngân hàng chính thức niêm yết trên sàn UPCoM (VIB và KienLong Bank) và tuần này có thêm VPBank niêm yết trên sàn chính thức.

Cuối tháng 7 vừa qua, LienVietPostBank đã được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cấp mã chứng khoán LPB và việc lên sàn có thể được thực hiện trong tháng tới. Ngoài ra, Ngân hàng An Bình (ABBank) cũng đang chờ Ủy ban Chứng khoán nhà nước chấp thuận niêm yết.

Theo thống kê của Báo Đầu tư, hiện có ít nhất 8 ngân hàng khác cũng đang lên kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán cuối năm nay hoặc sang năm sau, bao gồm: HDBank, OCB, Techcombank (niêm yết trên HSX); Nam Á Bank, Maritime Bank nhiều khả năng sẽ lên sàn UPCoM trong năm sau; Việt Á Bank, TPBank, SeaBank cũng có khả năng lên sàn UPCoM, nhưng chưa chốt thời điểm.

Như vậy, nếu tính cả VPBank, đến thời điểm này đã có 12 ngân hàng lên sàn (trong đó có 2 ngân hàng niêm yết trên sàn UPCoM). Nếu các ngân hàng còn lại đẩy nhanh việc niêm yết, thì đến cuối năm sau, thị trường sẽ có vài chục ngân hàng tham gia sàn chứng khoán.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, tất cả các ngân hàng đều phải lên sàn chứng khoán (UPCoM, HNX hoặc HOSE), nhằm nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch mua bán cổ phiếu cũng như minh bạch về các báo cáo tài chính.

Giá có ảo

Việc “đánh hơi” các ngân hàng tốt sắp sửa lên sàn đang đem lại món hời cho các nhà đầu tư, bởi cổ phiếu OTC của các doanh nghiệp sắp lên sàn thường có xu hướng tăng rất mạnh và tăng chậm trở lại khi chính thức niêm yết.

Đây là lý do khiến cổ phiếu VPBank, LienVietPostBank… tăng từ 100% đến gần 400% chỉ trong vòng 8 tháng qua. Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định: “Nhóm cổ phiếu OTC lên niêm yết” sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của thị trường.

Vậy câu hỏi đặt ra là giá của cổ phiếu họ ngân hàng hiện nay, nhất là những ngân hàng sắp sửa chào sàn, liệu có ảo?

Theo các công ty chứng khoán, giá cổ phiếu các ngân hàng được thị trường đánh giá khá chính xác, dựa vào hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu (P/E) bình quân.

Đơn cử, giá chào sàn của VPBank đang cao nhất thị trường, song theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, điều này xuất phát từ lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của VPBank đang cao nhất hệ thống. Tại thời điểm quý II/2017, EPS của VPBank 2.525 đồng/cổ phiếu trong khi EPS Vietcombank thời điểm cuối tháng 7/2017 cũng chỉ ở mức 1.566 đồng/cổ phiếu. Riêng năm 2016, EPS của VPBank lên tới 4.485 đồng/cổ phiếu. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) của VPBank trong năm 2016 đạt 25,7%, cao nhất trong số các ngân hàng trên thị trường hiện nay. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) năm 2016 của VPBank là 1,9%, trong khi tỷ lệ bình quân của các ngân hàng chỉ đạt 0,8%.

Trong khi đó, tại LienVietPostBank, cổ phiếu tăng vọt một phần vì lợi nhuận những tháng đầu năm của ngân hàng này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Các công ty chứng khoán khuyến cáo, nhà đầu tư khi “bắt sóng” giá cổ phiếu ngân hàng phải dựa vào sức khỏe của các ngân hàng, đặc biệt là chiến lược kinh doanh, khả năng sinh lời và chỉ số nợ xấu, mức trích lập dự phòng.

Theo dự đoán của giới chuyên gia, những tháng cuối năm 2017 và năm 2018, ngành ngân hàng vẫn có lợi nhuận khả quan. Điều này có thể khiến cổ phiếu ngân hàng tiếp tục ấm lên trong thời gian tới.

Cổ phiếu ngân hàng kỳ vọng hồi phục
Với tình hình lợi nhuận khả quan hơn, làn sóng lên sàn cũng rõ nét hơn, cổ phiếu ngân hàng đang được kỳ vọng dần phục hồi.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư