Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kỳ vọng lợi nhuận ngân hàng tích cực hơn nhờ giảm trích lập dự phòng
 
Với mục tiêu và kỳ vọng đẩy nhanh được tiến trình xử lý nợ xấu trong những tháng còn lại của năm, các ngân hàng cho rằng, dự phòng rủi ro cũng sẽ giảm theo, từ đó tác động tích cực lên lợi nhuận, bên cạnh điều kiện để gia tăng doanh thu khi tăng trưởng tín dụng dần được cải thiện.
Nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua kỳ vọng sẽ giúp giải phóng 600.000 tỷ đồng nằm trong các khoản nợ xấu
Nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua kỳ vọng sẽ giúp giải phóng 600.000 tỷ đồng nằm trong các khoản nợ xấu

Thực tế, trong một giai đoạn dài sau suy thoái, các ngân hàng kinh doanh kém hiệu quả, một phần bởi nợ xấu tăng cao nên phải trích lập dự phòng rủi ro lớn, khiến lợi nhuận thu về bị teo tóp. Tuy nhiên, 1-2 năm trở lại đây, việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng phần nào được cải thiện, tác động tích cực lên kết quả kinh doanh nhờ hoàn nhập phần nào dự phòng.

Chẳng hạn, Báo cáo tài chính quý II/2017 của Ngân hàng mẹ Eximbank cho thấy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Ngân hàng lãi ròng hơn 330 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ trích lập dự phòng rủi ro giảm mạnh hơn 60% so với cùng kỳ, bên cạnh việc tiết giảm đáng kể các chi phí hoạt động.

Về chất lượng tín dụng, hoạt động huy động tiền gửi từ khách hàng tăng hơn 10,5%, đạt trên 113.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động cho vay lại khá chậm khi tốc độ tăng trưởng tín dụng khách hàng mới chỉ đạt 3,3% so với đầu năm cùng dư nợ 89.747 tỷ đồng. Eximbank đang có hơn 1.300 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 2,89% dư nợ, giảm nhẹ so với mức 2,94% ở thời điểm cuối năm 2016. Ngoài ra, Eximbank còn sở hữu hơn 5.344 tỷ đồng trái phiếu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Mặc dù kết quả kinh doanh thời gian qua có sự cải thiện rõ rệt, song Eximbank vẫn chưa thoát lỗ lũy kế. Tính đến 30/6/2017, trên sổ sách Ngân hàng mẹ vẫn ghi nhận số lỗ lũy kế gần 191 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank cho hay, trong năm nay, Eximbank nỗ lực giải quyết các tồn đọng về nợ xấu để cải thiện dần hoạt động kinh doanh, qua đó khắc phục dần lỗ lũy kế.

Tại VIB, tính đến cuối tháng 6/2017, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,59% trên tổng dư nợ. Trong 6 tháng đầu năm, VIB tiếp tục mua lại trái phiếu từ VAMC để xử lý thu nợ như mục tiêu. Luỹ kế 6 tháng, số nợ mua lại từ VAMC để xử lý đến nay chiếm gần 50% tổng số dư ban đầu đã bán cho VAMC.

Doanh thu tăng trưởng ở hầu hết các khoản mục chính của VIB trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 23%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 54%. Chất lượng của danh mục cho vay được kiểm soát tốt, cùng với tốc độ xử lý nợ xấu nhanh chóng đã giúp chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh 29% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã tác động tích cực lên lợi nhuận trước thuế của VIB. Hai quý đầu năm nay, VIB đạt 380 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và đạt 51% kế hoạch năm.

Nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua kỳ vọng sẽ giúp giải phóng 600.000 tỷ đồng nằm trong các khoản nợ xấu.

Theo công bố của OCB, tính đến 30/6/2017, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng đã giảm về mức 1,67% (bao gồm cả nợ đã bán cho VAMC là 2,61%). Lợi nhuận trước thuế OCB 6 tháng 2017 đạt 494 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ 2016, một phần do OCB đã nỗ lực xử lý nợ xấu, hoàn nhập được dự phòng rủi ro.

Lãnh đạo OCB cho biết, quá trình xử lý, thu hồi nợ xấu tuy chưa thể đẩy nhanh, nhưng phần nào giúp đẩy lùi khó khăn. Trải qua quá trình tái cơ cấu, OCB đã xử lý các tồn đọng, tỷ lệ nợ xấu trên bảng cân đối của Ngân hàng cũng giảm dần, khiến dự phòng rủi ro không còn tăng cao. Đó cũng là lý do vì sao OCB đã chuẩn bị sớm trong việc triển khai Basel II, cho dù không nằm trong 10 ngân hàng thực hiện thí điểm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà Nước.

Chủ tịch HĐQT OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho hay, tỷ lệ nợ xấu thấp sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận. Tuy nhiên, nợ xấu cũ tồn tại chủ yếu ở nhóm 5, còn nợ mới phát sinh không nhiều do OCB đã thận trọng trong việc cho vay.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận định, với việc Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 và các khoản nợ xấu được áp dụng chính sách thí điểm này là các khoản nợ xấu trước ngày 15/8/2017, được phân loại nợ nhóm 3, 4, 5 sẽ là điều kiện tốt để các ngân hàng xử lý nợ xấu.

Theo đánh giá của CTCK BIDV (BSC), Nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua kỳ vọng sẽ giúp giải phóng 600.000 tỷ đồng nằm trong các khoản nợ xấu.

Còn theo nhìn nhận của Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Lê Minh Hưng, xử lý nợ xấu nhằm giảm chi phí giá vốn tại các tổ chức tín dụng, chỉ qua đó mới giảm được ãi suất cho vay và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Lợi nhuận ngân hàng có thể "giảm tốc"
Những ngân hàng đầu tiên công bố kết quả 6 tháng đầu năm 2017 đã cho thấy những khoản lãi ấn tượng. Nhưng triển vọng kinh doanh của ngành này...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư