Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tiếp sức cho nền kinh tế
Nguyên Đức - 01/06/2020 08:24
 
Chính phủ vừa ban hành hàng loạt chính sách nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Việc Chính phủ vừa ban hành hàng loạt chính sách nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần quan trọng, tiếp sức cho nền kinh tế, vốn đang bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19.

Sau thời gian giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh dần trở lại bình thường, kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2020 tăng 5,2% so với tháng trước. Ảnh: Đ.T
Sau thời gian giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh dần trở lại bình thường, kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2020 tăng 5,2% so với tháng trước. Ảnh: Đ.T

Hậu giãn cách, “lửa” tiếp tục thử “vàng”

Những dấu cộng (+) hiếm hoi, biểu thị sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019, trong bảng liệt kê một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu trong 5 tháng đầu năm mà Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, nền kinh tế đang thực sự đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Trong 8 chỉ tiêu được công bố, dấu cộng được đặt trước 4 chỉ tiêu: chỉ số sản xuất công nghiệp (+1), vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (+15,6%), chỉ số giá tiêu dùng (+4,39%) và lạm phát cơ bản (+2,88%). Có điều, ngoài chỉ tiêu về vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước được cho là rất đáng ghi nhận, đạt mức tăng cao nhất trong cả giai đoạn 2016 - 2020, thì các chỉ tiêu còn lại, dù vẫn tăng dương (+), song lại hàm chứa những nỗi lo.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang tăng khá cao, đe dọa mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay. Lạm phát cơ bản cũng tăng khá. Trong khi đó, mức tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) lại chỉ có 1%, quá thấp so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. IIP tăng quá thấp sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong khi đó, với các chỉ tiêu tăng trưởng âm (-), tất nhiên càng đáng lo hơn. Tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 1,7%; tổng kim ngạch nhập khẩu giảm 3,8%; khách quốc tế đến Việt Nam giảm 48,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,9%, nếu tính cả yếu tố giá cả, thì còn giảm tới 8,6%. Năm tháng đầu năm nay so với 5 tháng đầu năm ngoái, các chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng này đã sụt giảm đáng kể như vậy.

Bất cứ một nền kinh tế nào cũng có hai thị trường để trông vào, đó là thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Nhưng các chỉ số kinh tế trên cho thấy, dù ở thị trường nào, kinh tế Việt Nam cũng đang gặp khó. Đã từ rất lâu, dù khó khăn, thì xuất khẩu của Việt Nam chỉ “giảm tốc”, còn lần này, là suy giảm thực sự. Tương tự, sức mua của nền kinh tế chưa bao giờ giảm sốc đến thế, lên tới gần 9%.

Covid-19 đã giáng đòn khá mạnh vào kinh tế Việt Nam. Đó là một thực tế. Nhưng Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất chịu những ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19. Thậm chí, mức ảnh hưởng này còn được cho là nhẹ nhất, nhờ việc Chính phủ đã rất nỗ lực trong ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Cả Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… đều đã đánh giá cao sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam.

Chống chịu tốt, nên dù tính chung trong 5 tháng đầu năm, các chỉ số kinh tế vĩ mô còn đáng lo ngại, nhưng nếu chỉ nhìn trong tháng Năm, tháng đầu tiên sau giãn cách, nền kinh tế bắt đầu giai đoạn “bình thường mới”, thì vẫn có thể có những tia hy vọng mới.

Số liệu thống kê cho thấy, hậu giãn cách, trong tháng 5/2020, đã có 5.056 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,7%. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 26,9%; IIP tăng 11,2%; xuất khẩu tăng 5,2% so với tháng trước... Điều này cho thấy, hậu giãn cách, nền kinh tế đang bắt đầu “nhúc nhắc” và dần dần bình thường trở lại.

Tuy vậy, khó khăn phía trước còn rất lớn. “Lửa” Covid-19 sẽ tiếp tục thử thách sức chống chịu và khả năng bật dậy của nền kinh tế Việt Nam.

Tiếp sức cho nền kinh tế

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, “tiếp sức” cho nền kinh tế vốn đang chịu nhiều tổn thương bởi Covid-19, Chính phủ vừa chính thức ký ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Đây là một động thái tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí là cả nền kinh tế chờ đợi từ lâu. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng quan điểm của nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế là “chưa đủ”.

Ngay cả Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khi báo cáo Quốc hội mới đây cũng cho rằng, cần có thêm gói kích thích kinh tế mới. Gói giải pháp hỗ trợ mới, trên một góc độ nào đó, cũng sẽ góp phần quan trọng để “kích thích” nền kinh tế.

Đánh giá cao các nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi đại dịch Covid-19, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tính toán rằng, quy mô các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ Việt Nam có thể lên tới 8,5% GDP.

Theo ông Tuấn, điểm khác biệt của các gói chính sách của Việt Nam so với các nước khác là đều đặt trọng tâm vào hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, sau đó mới có hàm ý kích thích kinh tế. “Nhưng dù với mục đích trọng tâm là gì, thì cũng cần phải đến đúng đối tượng được thụ hưởng. Điều này đòi hỏi một chính sách quản lý công minh bạch và thủ tục hành chính đơn giản”, ông Tuấn nói. Một khi các gói hỗ trợ đến được đúng đối tượng, khó khăn, vướng mắc qua đi, thì nền kinh tế sẽ sớm được vực dậy.

Tuy vậy, cái khó đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay là không thể một mình đứng dậy, mà phải phụ thuộc vào bên ngoài. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã nói, tất cả các kịch bản kinh tế hiện nay mới chỉ dựa trên kết quả phòng, chống dịch bệnh trong nước. “Chúng ta phòng, chống dịch bệnh tốt, nhưng khi những đối tác thương mại lớn còn đang lao đao, thì chúng ta buôn bán, trao đổi hàng hóa với ai?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi báo cáo Quốc hội hai kịch bản tăng trưởng kinh tế, với độ doãng giữa các kịch bản này khá lớn, là 4,4 - 5,2% hoặc 3,6 - 4,4%, cũng đã lý giải rằng, là do tình hình bất định, rất khó dự đoán.

Ngay cả Trung Quốc cũng đã lần đầu tiên quyết định không đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2020. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lý giải, việc này bắt nguồn từ việc nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với những yếu tố khó dự đoán, cũng như những sự không chắc chắn liên quan đến đại dịch Covid-19 và môi trường kinh tế, thương mại toàn cầu.

Đó cũng chính là điều mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.

Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách để vực dậy nền kinh tế
Hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bao gồm giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước, chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư