Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 23 tháng 08 năm 2024,
Hàng trăm vụ việc thi hành án ngân hàng mắc kẹt: Vướng tại pháp lý
T.L - 23/08/2024 15:29
 
Các vụ khởi kiện thu hồi nợ của ngân hàng tăng nhanh trong khi thi hành án gặp khó khăn. Số liệu của 15 ngân hàng cho thấy, hiện có 399 vụ việc thi hành án có khó khăn, tập trung tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Nghệ An…

Án tín dụng gia tăng

Ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội ngân hàng) cho hay, thời gian qua, do tác động tiêu cực của kinh tế trong và ngoài nước, nhiều khách hàng gặp khó khăn, số lượng án tín dụng ngân hàng, các bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng do Ngân hàng khởi kiện khách hàng nợ xấu và yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) các cấp thi hành ngày càng tăng nhanh.

Mặc dù Tổng cục THADS và các cơ quan có liên quan đã tích cực, quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp giúp đẩy mạnh công tác THADS các cấp, góp phần giúp các ngân hàng thu hồi sớm các khoản nợ tồn đọng, khai thông dòng vốn tín dụng, song thực tế tại các ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều vụ việc thi hành án bị trì hoãn trong thời gian dài, số lượng án tồn đọng còn nhiều, ảnh hưởng đến kết quả thu hồi nợ xấu của các ngân hàng.

Qua tổng hợp số liệu của 15 ngân hàng hội viên, đến nay có 399 vụ việc thi hành án có khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung vào các địa bàn lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Nghệ An...

Ông Long cho biết, một trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là các vướng mắc, bất cập quy định pháp luật liên quan tới công tác thi hành án khiến quá trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng kéo dài, nhiều vụ việc tồn đọng nhiều năm chưa được xử lý.    

Cần sửa đổi hành lang pháp lý về thi hành án

Theo Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, trong 2 năm qua, Hiệp hội ngân hàng đã có nhiều văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ. Theo đó, một số kiến nghị đã được Bộ Tư pháp và các Bộ ngành tiếp thu sửa đổi tại các văn bản Luật và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thời gian qua và tại các dự thảo văn bản đang được lấy ý kiến như dự thảo sửa đổi Nghị định 62/NĐ-CP...

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập của pháp luật, nhất là pháp luật thi hành án chưa được xem xét tháo gỡ, làm quá trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng kéo dài, nhiều vụ việc tồn đọng nhiều năm chưa được xử lý.

Chia sẻ thêm lý do thi hành án tín dụng ngân hàng còn chậm, bà Tạ Thị Hồng Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ 11 (Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) cho biết, án liên quan đến tín dụng ngân hàng là án lớn, luôn chiếm tỉ lệ cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao rất quyết tâm để thi hành, nhưng do tài sản thế chấp, do bản án tuyên không rõ, dẫn đến khó thi hành, khó cưỡng chế, chưa có căn cứ để ra quyết định... Đây là những lý do khách quan dẫn đến việc khó thi hành của cơ quan THADS đối với các vụ việc tín dụng Ngân hàng.

Ngoài ra cũng có một số lỗi do chủ quan của cơ quan thi hành án như việc xác định bản án khó thi hành. Thực tế, quá trình kiểm sát đã phát hiện nhiều trường hợp vụ việc, bản án tuyên không rõ nhưng Cơ quan THADS không có văn bản hỏi Toà án hoặc có nhưng cách cách hỏi Tòa không rõ ý dẫn dến Toà án trả lời chung chung nên vẫn không thể thi hành án.

Ngược lại, có trường hợp, theo nội dung Bản án tuyên vẫn rõ, có thể thi hành nhưng cơ quan THADS khi nghiên cứu đã hiểu không đúng nên cho rằng khó thi hành.  

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc nêu trên và nâng cao hiệu quả THADS nói chung và THADS liên quan đến các ngân hàng nói riêng ông Long đề nghị cần xem xét sớm đề xuất sửa đổi Luật THADS và Nghị định 62, đặc biệt là các quy định về thời gian thực hiện thủ tục cưỡng chế thi hành án, thời hạn tối đa cơ quan thi hành án phải giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, thủ tục đấu giá rút gọn, tạm ngưng thi hành án, ủy thác xử lý tài sản đảm bảo, xử lý các tài sản đặc thù như cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp...

Đối với các trường hợp một tài sản đảm bảo cho nhiều khoản vay hoặc một khoản vay được bảo đảm bằng nhiều tài sản thì Cơ quan thi hành án phải xử lý tất cả tài sản thế chấp để thu hồi các khoản vay của khách hàng mà không yêu cầu Ngân hàng xác định lại tỷ lệ, phạm vi bảo đảm của tài sản thế chấp.

Đối với các trường hợp khiếu nại về thi hành án, cần quy định cụ thể những trường hợp nào người có thẩm quyền khiếu nại sẽ ra quyết định tạm ngừng thi hành án, tạm dừng việc thực hiện quyết định, hành vi về thi hành án, nhằm tránh việc người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình lợi dụng việc khiếu nại liên tục nhưng không có căn cứ để trì hoãn việc thi hành nghĩa vụ theo bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án.

Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế (Hiệp hội ngân hàng) cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc khác tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và đề nghị có sự sửa đổi phù hợp thực tiễn.

Bà Hoa đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp, NHNN tiếp tục quan tâm hơn, kịp thời chỉ đạo các nội dung còn vướng mắc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn theo phản ánh của các đơn vị theo thẩm quyền (về cơ chế, về quy định pháp luật…), đa dạng hóa các phương pháp phối hợp để nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.   

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư