Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 05 năm 2024,
Hãng trang sức PNJ tất toán hơn nghìn tỷ đồng vay nợ
Thanh Thuỷ - 29/04/2024 15:08
 
Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đến cuối quý I/2024 chỉ còn xấp xỉ 364 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng chỉ tron vỏn vẹn 3 tháng. Đây cũng là mức vay vốn tín dụng thấp nhất của công ty theo các số liệu công bố.

Bất ngờ thu hẹp mạnh vốn vay, tồn kho giảm hơn 1.300 tỷ đồng trong quý đầu năm

Theo báo cáo tài chính quý I/2024 vừa công bố, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ - sàn HoSE) đã giảm 85% (xấp xỉ 2.022 tỷ đồng) nợ vay ngắn hạn ngân hàng trong 3 tháng đầu năm. Qua đó, dư nợ tại ngày 31/3 giảm xuống còn 363 tỷ đồng, mức vay nợ ngân hàng thấp nhất từng ghi nhận theo các số liệu công bố kể từ khi PNJ niêm yết năm 2009.

PNJ không vay ngân hàng kỳ hạn dài. Do đó, vốn từ kênh tín dụng ngân hàng chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 2,8% trong tổng cơ cấu nguồn vốn của hãng trang sức này. Tính chung các khoản nợ phải trả, tỷ lệ nợ của hãng trang sức này vào cuối quý I cũng chỉ hon 19,2%.

Cũng phải nói thêm rằng, lãi suất vay của PNJ nhiều năm nay chỉ quanh 3-4% kể cả với hình thức đảm bảo bằng tín chấp hay hàng tồn kho - mức rất thấp nếu so với lãi suất cho vay bình quân chung.

Việc thu hẹp các khoản dư nợ không “làm khó” dòng tiền của PNJ. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong 3 tháng đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh “thặng dư” 1.887 tỷ đồng, một phần nhờ tồn kho đã giảm 1.328 tỷ đồng so với đầu năm. Đối với hoạt động đầu tư, dòng tiền vào cũng lớn hơn dòng tiền ra khi công ty giảm các khoản tiền gửi ngắn hạn từ 810 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn hơn 100 tỷ đồng. Dù dòng tiền hoạt động tài chính thâm hụt lớn vì trả nợ vay, tại ngày 31/3, lượng tiền và tương đương tiền xấp xỉ 1.660 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ có chưa đến 900 tỷ đồng.

Đến cuối quý I, tổng tài sản của PNJ đạt 12.969 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Hàng tồn kho dù giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu tài sản (73%).

Ngoài giảm tồn kho, khoản cho vay đối với CTCP Người bạn vàng đã giảm còn 40 tỷ đồng, dù có thời điểm từng cho vay trên 200 tỷ đồng hồi giữa năm 2023. Đây là công ty do PNJ sở hữu 19,9% vốn điều lệ đang hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ. Khoản cho vay này hiện có mức lãi suất 9,5%/năm.

Doanh thu kỷ lục nhưng biên lợi nhuận gộp thấp nhất trong 28 quý

Kết quả kinh doanh quý I của PNJ.

Ngoài việc đưa nợ vay ngân hàng về mức thấp nhất nhiều năm, doanh thu quý I vừa qua của hãng trang sức này còn ghi nhận kỷ lục mới với doanh thu thuần đạt 12.594 tỷ đồng, tăng 29% cùng kỳ. Tương đương, bình quân mỗi ngày, PNJ thu về hơn 138 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng cùng tốc độ với doanh thu. Mỗi 100 đồng doanh thu kiếm được, PNJ dành gần 7,75 đồng cho chi phí bán hàng.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp quý này lại giảm đáng kể, từ mức 19,4% hồi quý I/2023 về còn hơn 17% quý này. Tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu ghi nhận mức thấp nhất trong 28 quý trở lại đây.

Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của PNJ chỉ còn tăng 13% so với cùng kỳ. Đây cũng là lý do chính khiến PNJ chỉ còn báo lãi ròng 738 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ.

Theo kế hoạch kinh doanh đã được ĐHĐCĐ thông qua tại cuộc họp thường niên năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu 37.147 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 6% lên 2.089 tỷ đồng. Các con số trên đều là mức kỷ lục trong lịch sử kinh doanh của hãng trang sức này. Với kết quả đạt được trong quý đầu năm, PNJ hiện hoàn thành 33,9% kế hoạch doanh thu và 35,3% kế hoạch lợi nhuận. 

Bài toán nguồn nguyên liệu vàng

Trước sức nóng vàng thế giới, thị trường vàng trong nước đã tăng rất nóng thời gian qua. Giá vàng SJC trong nước sát mốc 85 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn cũng lên sát ngưỡng 80 triệu đồng/lượng,

Phân tích cơ cấu doanh thu trong 3 tháng đầu năm 2024, mảng vàng 24K (vàng 9999) ghi nhận sự bứt phá khi tăng 66,3% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh vàng miếng/vàng 24K ngày càng đóng góp nhiều hơn trong tổng doanh thu của PNJ các năm qua. Riêng năm 2023, doanh thu từ mảng này đạt hơn 11.313 tỷ đồng, tăng hơn 32% trước lo ngại về suy thoái toàn cầu. Chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ hồi giữa tháng 4 vừa qua, lãnh đạo công ty cho biết doanh thu vàng 24K chiếm tỷ trọng 41% tổng doanh thu của PNJ trong quý đầu năm.

Thị trường vàng quý I/2024 đã rất sôi động nhưng một vấn đề được bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ chỉ ra là việc có những thời điểm công ty không mua được nguồn nguyên liệu vàng để kinh doanh.

Trong tháng 4, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã có văn bản xin cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu trong phạm vi có kiểm soát cho 3 doanh nghiệp, bao gồm DOJI, SJC và PNJ để chế tác vàng nữ trang với lượng nhập là 1,5 tấn vàng/năm (mỗi doanh nghiệp nhập 500 kg vàng/năm).

Cũng theo Hiệp hội, trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn để xác định nguồn gốc của vàng nguyên liệu. Vì họ không có cơ sở, điều kiện và nghĩa vụ để xác minh nguồn gốc. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp thu mua vàng trên thị trường. Doanh nghiệp đang có tâm lý lo ngại về rủi ro kể cả về mặt pháp lý trong việc tổ chức thu mua vàng nguyên liệu.

ĐHĐCĐ PNJ: Mục tiêu doanh thu tăng 12%, lợi nhuận sau thuế trên 2.000 tỷ đồng
Ngày 16/4, PNJ tiến hành ĐHĐCĐ 2024 trình cổ đông kế hoạch kinh doanh, doanh thu 37.147 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023. Đặc biệt, lợi nhuận sau...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư