Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Hàng triệu lao động nguy cơ mất việc, các Bộ trưởng ASEAN chuẩn bị ra tuyên bố chung
Thùy Liên - 16/09/2020 11:01
 
Các nước ASEAN đang nỗ lực giải quyết vấn đề lao động, việc làm trong bối cảnh thế giới đổi thay. Sáng nay (16/9), tuyên bố chung về vấn đề nhân lực sẽ được các Bộ trưởng ASEAN đưa ra.
T
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Lê Văn Thanh: Tất cả các nước ASEAN đều coi trọng nguồn nhân lực chất lượng cao

Hội nghị Bộ trưởng đặc biệt của ASEAN

Sáng nay, Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay đang chính thức diễn ra. Được tổ chức trong bối cảnh Covid-19 và cách mạng 4.0 đang đe dọa hàng triệu việc làm của người lao động, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN đã chọn vấn đề nóng nhất để thảo luận: Phát triển nguồn nhân lực trong thế giới đang đổi thay.

Phát biểu tại họp báo về hội nghị diễn ra ngày 15/9, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Lê Văn Thanh khẳng định, tất cả các quốc gia ASEAN đều nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đó là yếu tố hàng đầu để nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh. ASEAN luôn xác định con người là trung tâm của sự phát triển, chính vì vậy, phát triển nguồn nhân lực được lựa chọn là ưu tiên trong cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN.

Được biết, chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng lần này chính là sáng kiến của Việt Nam. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, sở dĩ Việt Nam lựa chọn chủ đề phát triển nhân lực bởi đây là chủ đề không bao giờ cũ, nhất là trong bối cảnh thế giới việc làm đang thay đổi, có nhiều yếu tố tác động như cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, dịch bệnh Covid 19, biến đổi khí hậu, dân số già đi... Trong bối cảnh đó, phát triển nguồn nhân lực quan trọng hơn bao giờ hết.

Đây cũng là lý do Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần này rất đặc biệt: 10 nước nhưng có tới 20 Bộ trưởng tham dự, lý do là Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần này có sự tham gia của cả hai kênh: giáo dục và lao động. Điều này cho thấy các lãnh đạo ASEAN đang rất quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực.

Hội nghị sẽ được diễn ra với 4 phiên thảo luận chủ đề bao gồm: Quan hệ đối tác cho phát triển nguồn nhân lực; phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên hậu đại dịch; vai trò lãnh đạo của khu vực tư nhân với việc phát triển nguồn nhân lực; các hệ thống giáo dục và đào tạo sẵn sàng cho tương lai để thúc đẩy các kỹ năng của Thế kỷ 21.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự trực tuyến có khoảng 150 đại biểu ở 70 điểm cầu bao gồm các Bộ trưởng Lao động ASEAN, các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, Tổng thư ký ASEAN, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, các đối tác đối thoại của ASEAN trong và ngoài khu vực, các đại diện thuộc Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN.

Dự kiến, trong phiên họp hôm nay, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN cũng sẽ chính thức thông qua Lộ trình của Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay.

Sẽ thành lập Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN

Ngoài ra tuyên bố chung, dự kiến tại Hội nghị cấp cao về “Phát triển Nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay” đang diễn ra, các nước ASEAN cũng sẽ chính thức ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) cho biết, Hội đồng sẽ có 6 nhiệm vụ lớn.

Thứ nhất, đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và các nền công nghiệp nhằm cải thiện chất lượng giáo dục nghề nghiệp và thích ứng với yêu cầu thị trường lao động đang thay đổi.

Thứ ba, hỗ trợ các chương trình để thu hẹp khoảng cách giữa cung - cầu kỹ năng mềm trong ASEAN (cải thiện hệ thống thông tin thị trường lao động);

Thứ tư, cải thiện việc tiếp cận giáo dục nghề nghiệp cho các nhóm yếu thế thanh niên, phụ nữ, người khuyết tật, người sống ở nông thôn, dân tộc thiểu số… đặc biệt kỹ năng lao động kỹ thuật số.

Thứ năm, hỗ trợ các quan chức cấp cao trong việc xác định, thúc đẩy, giám sát việc phát triển nguồn nhân lực;

Thứ sáu, xác định việc phản ứng toàn diện của ASEAN đến các thách thức tác động đến tương lai việc làm các nước ASEAN.   

[Infographic] ILO: COVID-19 làm mất 400 triệu việc làm quý II/2020
Theo ILO, đại dịch COVID-19 đã khiến tổng số giờ làm việc toàn cầu giảm 14% trong quý II năm 2020, tương đương với 400 triệu lao động toàn thời...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư