Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 23 tháng 10 năm 2024,
Hành động thế nào trong bối cảnh lạm phát?
Kỳ Thành - 21/06/2022 17:35
 
Nhà đầu tư cần chắt lọc để tìm ra cơ hội trong trung và dài hạn và cấp thiết nới room tín dụng là những vấn đề mà các chuyên gia khuyến nghị trong bối cảnh hiện nay.



Nhà đầu tư cần chắt lọc để tìm ra cơ hội đầu tư

Đưa ra khuyến nghị cho các nhà đầu tư tại Talkshow Chọn danh mục với chủ đề “Dấu hiệu lạm phát” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 16/6, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, trước những diễn biến của thị trường sau thông tin lạm phát và tăng lãi suất của Mỹ, tâm lý thị trường còn khá yếu, nên khả năng phục hồi chưa bền vững. Đặc biệt, thị trường không còn là giai đoạn “ăn xổi ở thì”, mà cần sự chắt lọc để tìm ra cơ hội đầu tư trung và dài hạn.

Do đó, theo bà Lam, nhóm đầu tư công, trong đó có nhóm về hạ tầng và giao thông thông minh sẽ ít chịu tác động của lạm phát và có thể tăng trưởng nhu cầu sau đại dịch.

Đối với nhóm có kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, các chuyên gia kỳ vọng vào nhóm tiện ích công cộng, nhóm tiêu dùng thiết yếu, nhóm bất động sản khu công nghiệp và hàng không. Riêng nhóm hàng không cần sự quan sát trong ngắn hạn, do chi phí nhiên liệu đang ở mức cao.

Tuy nhiên, vì Việt Nam là nước có nền kinh tế tăng trưởng tốt, nên chuyên gia đến từ VDSC khuyến nghị, nhà đầu tư có thể quan sát các nhóm ngành có sự hưởng lợi như: bất động sản khu công nghiệp, sản xuất, dệt may, thủy sản, ngân hàng, hàng tiêu dùng thiết yếu và bán lẻ.

Xét riêng hai nhóm thủy sản và dệt may, bà Lam cho rằng, nếu kịch bản suy thoái kinh tế xảy ra, nhóm dệt may sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn nhóm thủy sản. Nếu lạm phát được kiểm soát và sức mua của người tiêu dùng tăng lên, thì nhóm dệt may sẽ phục hồi tốt hơn nhóm thủy sản.

Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG - HNX), khi Mỹ và EU tăng lãi suất, ngành dệt may nói chung chịu ảnh hưởng giảm, nhưng không đồng đều giữa các doanh nghiệp. Thực tế, đơn hàng sẽ tập trung vào các doanh nghiệp lớn, uy tín, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bị giảm.

Do đó, dự báo về triển vọng của ngành dệt may thời gian tới, ông Thời cho rằng, chỉ tiêu doanh thu xuất khẩu 44 tỷ USD năm 2022, tăng 10% so với năm 2021 sẽ khó đạt, mà chỉ có thể đạt khoảng 5%. “Sau các tháng mùa vụ là tháng 6 và 7, giai đoạn chuyển mùa từ tháng 8 cho đến tháng 12, hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành sẽ có sự phân hoá rõ ràng”, ông Thời nói.

Theo Chủ tịch TNG, những doanh nghiệp lớn có uy tín vẫn ổn do tiếp tục cải tiến quy trình sản xuất và điều chỉnh giảm giá cho khách hàng, trong khi khó khăn sẽ xuất hiện rõ ràng hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nới room tín dụng là rất cấp thiết

Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Thời, việc nới room tín dụng là rất cấp thiết. TNG mới đây đã phát hành huy động thành công 300 tỷ đồng qua kênh trái phiếu để có vốn phục vụ lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, mở rộng đầu tư. “Đã có 8 nhà đầu tư chuyển tới 500 tỷ đồng, nhưng nhu cầu hiện tại của TNG chỉ cần 300 tỷ đồng, nên sẽ chuyển lại nhà đầu tư”, ông Thời nói.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể giải quyết nhu cầu vốn một cách thuận lợi như vậy, bởi trong bối cảnh lạm phát đang cao và nhiều tài sản có dấu hiệu bong bóng, Ngân hàng Nhà nước có động thái thận trọng với việc cấp room tín dụng mới cho các ngân hàng.

“Việc kiềm chế lạm phát là nhu cầu bức thiết, nhưng việc doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, góp phần tăng trưởng còn cấp thiết hơn nhiều”, ông Thời nói và đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép mở room tín dụng.

Theo Chủ tịch TNG, đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đều phụ thuộc lớn vào nguồn vốn từ tín dụng. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê đến tháng 6/2022, room tín dụng ngân hàng đạt 8,13%, đây là mức thấp và gần như các tổ chức tín dụng đã hết room.

“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không được tiếp cận thêm vốn tín dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nếu room tín dụng không được nới, thì chương trình hỗ trợ lãi suất 2% của Ngân hàng Nhà nước từ nguồn ngân sách 40.000 tỷ đồng cũng không giải quyết được vấn đề, do doanh nghiệp không được vay”, ông Thời nói.

Cũng tại buổi talkshow nêu trên, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích VDSC cho biết, theo quan sát từ những năm trước, cuối tháng 6, đầu tháng 7 là thời điểm điều chỉnh room thứ hai và đến cuối năm, tức khoảng cuối quý III, đầu quý IV là đợt điều chỉnh cuối cùng. “Sản xuất, tiêu dùng tập trung ở quý cuối năm nhiều, nên room tín dụng được mở ở thời điểm đó nhiều hơn so với đợt giữa năm”, bà Lam nói.

Theo bà Lam, cuộc họp gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, room tín dụng năm 2022 vẫn ở mức khoảng 14% và được điều tiết theo giải ngân của gói cấp bù hỗ trợ lãi suất 2%. “Năm nay, dòng tín dụng sẽ đi vào các nhóm ngành sản xuất và các nhóm ngành ưu tiên khác, chứ khó có sự lan tỏa ra tất cả lĩnh vực khác”, bà Lam nhận định.

[Talkshow] Chọn Danh mục: Dấu hỏi lạm phát
Diễn biến thị trường tuần này vẫn gây bất ngờ cho nhà đầu tư, với mức giảm lớn mà nguyên nhân được cho là lạm phát cao khiến Cục Dự trữ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư