Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hành trình tới mục tiêu không phát thải khí nhà kính vào năm 2050 của doanh nghiệp hàng không
Bảo Như - 13/07/2022 17:58
 
Các doanh nghiệp hàng không toàn cầu đang nỗ lực cho mục tiêu “ngược dòng” tăng tốc phục hồi và giảm phát thải gây ô nhiễm về 0 vào năm 2050.
: Bamboo Airways là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên tham gia chương trình đánh giá môi trường của IATA
: Bamboo Airways là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên tham gia chương trình đánh giá môi trường của IATA

“Phát thải ròng carbon về 0” hay “Net Zero” đang trở thành mục tiêu quan trọng mà các quốc gia, các doanh nghiệp trên toàn thế giới nỗ lực hiện thực hóa vì sự phát triển bền vững của hành tinh. Đây là mục tiêu nhằm đưa lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (CO2) do con người gây ra về mức cân bằng trên toàn cầu, bằng cách loại bỏ CO2 trong một khoảng thời gian nhất định.

Mục tiêu toàn cầu

Thực hiện mục tiêu này không có nghĩa các quốc gia, doanh nghiệp phải cắt hoàn toàn phát thải khí nhà kính mà tiến hành loại bỏ khí carbon bằng nhiều phương pháp như áp dụng công nghệ thu hồi carbon, phát triển trang trại điện gió, thu giữ khí mê-tan, trồng rừng… song song với quá trình phát thải.

Năm ngoái, trong Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam cùng 150 quốc gia đã cùng cam kết đưa “mức phát thải ròng về 0” vào năm 2050. Cam kết của các quốc gia được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong giảm phát thải khí nhà kính, là nỗ lực quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Với lượng phát thải CO2 chiếm 2% toàn cầu, các doanh nghiệp hàng không trên thế giới ý thức được trách nghiệm của mình trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu “Net Zero” toàn cầu. Theo các tính toán của các chuyên gia, nếu lượng người đi lại bằng máy bay vào năm 2050 đạt tới 10 tỷ lượt, đồng nghĩa với việc ngành hàng không phải xử lý 21,2 gigatons carbon để đạt “Net Zero”. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho rằng con này sẽ không quá cao, nếu một số khí thải sẽ được giảm thiểu thông qua việc áp dụng các nguồn năng lượng sạch hơn, và thiết kế máy bay tốt hơn.

Những kế hoạch tương lai

Theo số liệu của Tổ chức Hoạt động vận tải hàng không, Bộ Năng lượng Mỹ và một số nghiên cứu khoa học, nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) được pha trộn trực tiếp với nhiên liệu thường ở tỷ lệ 50 – 50, cho phép giảm tới 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thậm chí trong tương lai có thể đạt 100%. Do đo, các hãng hàng không sẽ cần sử dụng 100% nhiên liệu bền vững trước năm 2050.

Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ), trong Báo cáo bền vững hàng năm công bố vào cuối tháng 6 vừa qua khẳng định sự ủng hộ với mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050 của toàn ngành. Boeing cam kết từ năm 2030 sẽ cung cấp các máy bay thương mại có thể hoạt động 100% bằng nhiên liệu bền vững.

Hãng sản xuất máy bay đến từ Brazil - Embraer công bố ý tưởng về dòng máy bay mới mang tên Energia, bao gồm 4 phiên bản. Trong đó, các phiên bản “Electric” hoạt động hoàn toàn bằng điện, “H2 Fuel Cell” sử dụng 100% nhiên liệu hydro, “H2” được cung cấp năng lượng trực tiếp bằng cách đốt cháy nhiên liệu hydro và nhiên liệu sinh học nên hoàn toàn không phát thải khí nhà kính. Embraer dự kiến sẽ lần lượt đưa các dòng máy bay này vào chở khách từ năm 2030 – 2040, hướng tới giảm 50% lượng khí thải carbon từ năm 2030.

Không nằm ngoài cuộc, nhà sản xuất máy bay dân dụng lớn nhất thế giới Airbus đã tiến hành nghiên cứu ba mô hình máy bay hydrogen và đặt mục tiêu phát triển chúng khả thi kỹ thuật trong vòng 3 năm tới nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Nếu dự án này thành công, máy bay hydrogen của Airbus có thể chính thức đưa vào khai thác thương mại vào năm 2035.

Hành động từ hiện tại

Đó là những mục tiêu tương lai và rõ ràng sẽ không thể hiện thực hóa nếu không bắt đầu từ những bước đi của hiện tại. Song song với nỗ lực nghiên cứu, cải tiến, chế tạo các dòng máy bay không phát thải CO2 của các nhà sản xuất máy bay, các hãng hàng không cũng tích cực đẩy mạnh các kế hoạch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của mình

Vào tháng 10 năm ngoái, IATA đại diện cho 290 hãng hàng không, chiếm 83% lưu lượng hàng không toàn cầu đã cam kết cắt giảm phát thải về mức 0 vào năm 2050. Đồng thời, IATA thiết kế chương trình đánh giá môi trường (IEnvA) với hệ thống tiêu chuẩn chung để đánh giá một cách độc lập, nhằm cải thiện hoạt động quản lý môi trường của một hãng hàng không. Đây là nền tảng để hãng tiến tới tính bền vững trong các hoạt động trên không và trên mặt đất.

Nhiều hãng hàng không quốc tế đã tham gia chương trình này và đạt được kết quả bước đầu rất tích cực. Đơn cử như Etihad Sirways đã khai thác chuyến bay bền vững nhất từ trước đến nay của hãng vào tháng 10 năm ngoái, giảm 72% lượng khí thải carbon so với chuyến bay tương tự được khai thác vào năm 2019.

Tại Việt Nam, Bamboo Airways là hãng hàng không đầu tiên tham gia chương trình IEnvA. Hãng hàng không sẽ áp dụng các tiêu chuẩn của IEnvA trong hoạt động khai thác, bảo dưỡng và vận hành, cung cấp dịch vụ, cũng như tham gia các hoạt động đào tạo nhân sự và sử dụng dịch vụ tư vấn liên quan đến đánh giá tác động môi trường do IATA cung cấp.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Bamboo Airways đã ý thức được tầm quan trọng của kế hoạch phát triển bền vững, khai thác đi cùng với bảo vệ môi trường. Hãng bay đã triển khai nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa trên các chuyến bay, bảo tồn sinh thái tại điểm đến.... Ngay cả trong quá trình phát triển đội bay, “Tre Việt” cũng không ngừng nỗ lực chuẩn hóa đội tàu với dòng máy bay hiện đại, đa dạng tải trọng và tiết kiệm nhiên liệu, tối ưu nhất hiệu quả khai thác và hạn chế xả thải ra môi trường.

Đại diện Bamboo Airways cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng tham gia IEnvA không chỉ giúp gia tăng khả năng vận hành các chuyến bay thân thiện với môi trường mà còn góp phần đẩy mạnh hiệu suất khai thác và chất lượng dịch vụ của hãng. Đồng thời, chúng tôi hi vọng rằng các nỗ lực của Bamboo Airways ngày hôm nay sẽ đóng góp tích cực cho mục tiêu môi trường chung mà Việt Nam đã cam kết thực hiện cùng cộng đồng quốc tế – đưa mức phát thải về 0 vào năm 2050”.

Bamboo Airways đón đoàn khách Famtrip Úc đầu tiên đến Việt Nam trong năm 2022
Đoàn du khách Famtrip Úc đầu tiên đến Việt Nam sau dịch, gồm nhiều doanh nghiệp lữ hành và đại diện các đơn vị truyền thông đến từ Melbourne,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư