Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hậu Covid-19, nỗi lo không thể xem nhẹ
Dương Ngân - 21/02/2022 08:43
 
Số lượng bệnh nhân cả người lớn và trẻ em đến khám do các vấn đề sức khỏe sau Covid-19 đang tăng những ngày qua. Các chuyên gia cảnh báo người dân không được xem nhẹ vấn đề này.
Sau khi được chữa khỏi Covid-19, các bệnh nhân thường bị nhiều hội chứng
Sau khi được chữa khỏi Covid-19, các bệnh nhân thường bị nhiều hội chứng

Điều trị kéo dài

Theo các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, số trường hợp đến khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện đang tăng lên, trung bình có 15-20 bệnh nhân tới khám/ngày, với biểu hiện như stress, tâm lý, hô hấp, tim mạch, bệnh nền.

Có bệnh nhân mắc Covid-19 sau nhiều tuần xuất viện vẫn khó thở dai dẳng và mệt mỏi. Trên phim chụp phổi cắt lớp vi tính, phát hiện bị tổn thương phổi dạng xơ hóa, giãn phế quản. Đây là di chứng vĩnh viễn, dù điều trị, nhưng khó trở về bình thường.

TS-BS. Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, nhóm bệnh nhân đầu tiên mắc hội chứng Covid-19 là nhóm phải can thiệp hô hấp. Sau khi khỏi, bệnh nhân vẫn khó thở, thậm chí không cai được ô-xy, ngay cả về nhà, bệnh nhân vẫn phải thở ô-xy.

Hiện có những bệnh nhân Covid-19 chưa thể ra viện dù đã âm tính nhiều lần. Những trường hợp này vẫn cần can thiệp hô hấp ở Khoa hồi sức tích cực, một số bệnh nhân vẫn cần can thiệp ô-xy hoặc tiếp tục điều trị bệnh lý khác.

Về nguyên nhân của tình trạng này, theo các bác sỹ là do khi mắc Covid-19, bệnh nhân phải điều trị dài ngày, thở ô-xy máy với áp lực cao, dẫn đến phổi bị xơ. Bên cạnh đó, với bệnh Covid-19, rối loạn đông máu có thể kéo dài 2-3 tháng sau điều trị. Điều này ảnh hưởng tới các bệnh lý tim mạch, chức năng thận của người bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, những người nên đi khám hậu Covid-19 gồm nhóm người có bệnh nền như tăng huyết áp, mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá...; nhóm người từ 60 tuổi trở lên; nhóm người phải nhập viện khi mắc Covid-19 (bị suy hô hấp, phải can thiệp thở ô-xy trở lên, sốt cao phải nhập viện).

Nhóm nữa là bệnh nhân mắc các bệnh lý thần kinh như stress, sang chấn tâm lý nặng nề, hay hoảng sợ, ngủ không ngon giấc. Nhóm cuối cùng là bệnh nhân không có dấu hiệu thực thể với triệu chứng điển hình là chóng mệt, ho kéo dài, khó thở, thở hổn hển, không tập trung vào công việc.

Còn với trẻ nhỏ, theo con số thống kê mới nhất tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tổng số trẻ được khám và chẩn đoán Covid-19 đến nay là 611 trẻ, trong đó có 545 ca được chuyển khám, cách ly tại địa phương; 66 ca điều trị nội trú tại bệnh viện.

Trong số các ca nội trú có 10 trẻ mắc hội chứng MISC (hội chứng hậu Covid-19) điển hình, trong đó có 4 cháu có tình trạng nặng, sốc, suy đa tạng, phải thở máy, 2 bệnh nhân phải lọc máu hỗ trợ.

BS. Đậu Việt Hùng, Phó trưởng khoa điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nhiều bố mẹ không biết trước đó con đã mắc Covid-19. Ở nhiều nơi, nhân viên y tế cũng không thể phát hiện sớm hội chứng MISC ở trẻ, bởi dễ lẫn với nhiều bệnh khác như Kawasaki, sốc nhiễm trùng, thực bào máu, dẫn đến không xử lý kịp thời.

Nên đi khám hậu Covid-19

Các hội chứng hậu Covid-19 còn khá mới, chưa có nghiên cứu cụ thể, nên việc tiếp cận thông tin ở các tuyến y tế cơ sở còn hạn chế. Do đó, ngành y tế cần đẩy mạnh tập huấn để y, bác sỹ các tuyến có thể nhanh chóng phát hiện hội chứng sau Covid-19, nhằm phát hiện, điều trị kịp thời.

Đại diện Bệnh viện Hồng Ngọc cho hay, những người có các dấu hiệu của hội chứng hậu Covid-19 cần đi kiểm tra ngay để tránh trình trạng suy giảm sức khỏe, tổn thương đa cơ quan, hay thậm chí tử vong do bệnh tiến triển nặng.

Hội chứng hậu Covid-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm Covid-19, thường là 3 tháng tính từ khi bắt đầu nhiễm bệnh, các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng với một số biểu hiện đặc trưng như khó thở hoặc hụt hơi; mệt mỏi, chóng mặt; ho; đau ngực hoặc dạ dày; đau đầu; tim đập nhanh; đau cơ hay khớp; tiêu chảy; sốt; mất ngủ; thay đổi tâm trạng…

Ông Nguyễn Văn Thường cho biết, để triển khai Phòng khám hậu Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã cử 4 bác sỹ và 2 điều dưỡng tham gia khóa đào tạo của Tổ chức Y tế thế giới từ đầu tháng 1/2021.

Theo ông Thường, điều trị hậu Covid-19 phải kéo dài. Các bác sỹ không chỉ thăm khám nhiều chức năng cho người bệnh, mà còn phải đưa ra phác đồ điều trị cá thể hóa, hướng dẫn bệnh nhân các bài tập liên quan đến thở, ăn uống, dinh dưỡng, vận động; tập cai ô-xy, tư vấn tâm lý cho bệnh nhân để có thể vượt qua stress.

Đồng thời, các bác sỹ cũng hướng dẫn bệnh nhân theo dõi bệnh nền vì sau Covid-19, bệnh nền có xu hướng tăng nặng. Đặc biệt, nhóm bệnh nhân tiểu đường, huyết áp sau Covid-19 có xu hướng khó kiểm soát hơn, thậm chí nhiều trường hợp phải thay đổi cả phác đồ điều trị.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khuyến cáo, bệnh nhân Covid-19 dù nặng hay nhẹ, kể cả không triệu chứng, nên đến khám để sớm phát hiện những di chứng hậu Covid-19.

Theo đó, có những trường hợp nhiễm Covid-19 nhẹ, nhưng có thể tiềm tàng bệnh lý nào đó. Có những bệnh nhân hậu Covid-19 vẫn gặp vấn đề rối loạn đông máu, phải xét nghiệm lại, hay cần chụp X-quang phổi để xem còn tổn thương hay không.

Với trẻ nhỏ, nếu cha mẹ thấy con có triệu chứng sốt, ban trên da, mắt đỏ, rối loạn tiêu hóa, khó thở, môi tái, mệt mỏi... thì cần nghĩ tới hậu Covid-19.

Đặc biệt, với trẻ chưa tiêm vắc-xin hoặc mắc mà cha mẹ không biết (do trẻ triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng), nếu thấy mệt mỏi kéo dài, ban, sốt, ho, cũng nên đến cơ sở y tế để có chẩn đoán kịp thời.

Để hạn chế các vấn đề sức khỏe hậu Covid-19, các gia đình nên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Hiện thế giới đã có hơn 40 quốc gia đánh giá yếu tố an toàn và nguy cơ của vắc-xin, do đó, nếu trẻ được tiêm vắc-xin đầy đủ sẽ giảm nguy cơ nhiễm bệnh và tránh được các vấn đề hậu Covid-19.

[Infographic] Lộ trình khôi phục cuộc sống hậu Covid-19 tại một số nước
Nhằm thích nghi với cuộc sống bình thường mới hậu đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia trên thế giới đã tái khởi động lộ trình khôi phục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư