Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hậu Giang chi 30 tỷ đồng hỗ trợ người lao động tự do gặp khó khăn do Covid-19
Trúc Giang - 19/07/2021 08:07
 
Dự kiến tổng số đối tượng được hỗ trợ khoảng 20.000 người, mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người/lần, với tổng kinh phí là 30 tỷ đồng.
Người bán hàng rong gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19 là một trong số đối tượng được tỉnh Hậu Giang hỗ trợ

UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn Tỉnh.

Theo Kế hoạch trên, đối tượng hỗ trợ là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, bị mất việc làm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện:

Thời điểm mất việc làm có thu nhập thấp hơn 1.300.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị và 1.000.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn.

Cư trú hợp pháp tại địa phương (có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc có giấy xác nhận đăng ký tạm trú, lưu trú của cơ quan công an cấp xã).

Làm công việc thường xuyên mang lại thu nhập chính để nuôi sống bản thân, gia đình, thuộc một trong các nghề: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; mua bán phế liệu lưu động; bốc vác tại các chợ; vận chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ; lái xe honda ôm; bán lẻ vé số lưu động (bán vé số dạo); tự làm hoặc làm việc tại các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống; cắt, uốn tóc.

Thời gian áp dụng đến ngày 31/12/2021. Mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người/lần.

Về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện, người lao động gửi Đề nghị hỗ trợ (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Kế hoạch) và chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân đến UBND cấp xã.

Trong 03 ngày làm việc, UBND cấp xã tổ chức rà soát và lập danh sách (theo mẫu số 02) người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ với sự tham gia giám sát của đại diện Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và công khai với cộng đồng dân cư; niêm yết công khai danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ bằng hình thức phù hợp; tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Trong 02 ngày làm việc, UBND cấp huyện thẩm định gửi Tờ trình và danh sách (theo mẫu số 03) đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ (theo mẫu số 04) và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ trong 02 ngày làm việc. Trường hợp không phê duyệt, Chủ tịch UBND tỉnh trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Dự kiến tổng số đối tượng được hỗ trợ khoảng 20.000 người, với tổng kinh phí là 30 tỷ đồng. Tổng kinh phí này sẽ có điều chỉnh theo tình hình thực tế của diễn biến dịch bệnh COVID-19.

Nguồn kinh phí thực hiện do ngân sách sách Nhà nước đảm bảo và nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Riêng kinh phí hỗ trợ đối tượng là người bán lẻ vé số lưu động chi từ nguồn kinh phí hoạt động của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Hậu Giang.

UBND tỉnh Hậu Giang giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Kế hoạch này; kịp thời giải đáp những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời phối hợp với Sở Tài chính, các địa phương, các cơ quan liên quan tiến hành tổng hợp dự kiến số lượng, tổng nhu cầu kinh phí các đối tượng trong toàn tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh.

Hậu Giang tái thiết lập các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19
Kể từ 0 giờ 0 phút ngày 24/6/2021, tỉnh Hậu Giang sẽ tái thiết lập các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại các tuyến giao thông trọng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư