Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Hậu M&A: Bóng ma nợ xấu không tha ngân hàng
Thùy Vinh - 27/11/2013 08:58
 
Các ngân hàng luôn kỳ vọng có bước tăng trưởng bứt phá sau sáp nhập và mua bán (M&A). Để đạt được kỳ vọng đó không dễ, bởi đòi hỏi nhiều thời gian cũng như khả năng tái cơ cấu, xử lý gánh nặng nợ xấu. Nhà băng sáp nhập tự nguyện: Lựa chọn khôn ngoan

Kỳ vọng nâng tầm

Trong thương vụ sáp nhập DaiA Bank vào HDBank vừa công bố cuối tuần qua, ngân hàng sau sáp nhập (HDBank) sẽ tăng quy mô hoạt động và năng lực phát triển, với vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng, tổng tài sản trên 85.000 tỷ đồng, mạng lưới hoạt động hơn 210 điểm giao dịch trên khắp cả nước và tổng số nhân viên hơn 4.000 người.

HDBank là ngân hàng mới nhất thực hiện thương vụ M&A. Ảnh: Đức Thanh

Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, HDBank kỳ vọng, sau khi mở rộng quy mô hoạt động sẽ tiếp cận gần hơn với khách hàng, nhằm đẩy mạnh hơn nữa chiến lược bán lẻ.

Vì thế, cùng với chiến lược mua lại DaiA Bank, HDBank đã mua thêm Công ty Tài chính SGVF (Pháp), chuyển đổi thành công ty con trực thuộc có tên HDFinance và lên kế hoạch bán 30% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Không chỉ thương vụ DaiA Bank sáp nhập vào HDBank, mà các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng trước đó (Habubank sáp nhập vào SHB; hợp nhất giữa Ficombank, TinNghia Bank, SCB; WesternBank hợp nhất với PVFC…), cũng đều kỳ vọng sẽ được nâng tầm sau M&A.

Trong đó, Ngân hàng hợp nhất Pvcom Bank (giữa WeternBank và PVFC) có mức vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng (hợp nhất từ mức 3.000 tỷ đồng của WesternBank và 6.000 tỷ đồng của PVFC) và kỳ vọng tăng lên 12.000 tỷ đồng vào năm 2015...

Với SCB, sau hợp nhất, vốn điều lệ của nhà băng này đạt mức trên 10.500 tỷ đồng, nhưng vào cuối quý III/2013, SCB tiếp tục tăng vốn lên trên 3.500 tỷ đồng, với kỳ vọng đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu sau 2 năm hợp nhất.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, không dừng lại với mức vốn hiện tại, Ngân hàng sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược ngoại để bán cổ phần, nhằm nâng cao năng lực tài chính, tái cấu trúc nhanh hơn.

Thực tế, sau M&A, vốn và quy mô của các ngân hàng đều được nâng lên. Đây chính là cơ hội để có thể đẩy nhanh hơn quá trình phát triển. Đáng chú ý là, các thương vụ M&A diễn ra trên tinh thần tự nguyện và kết hợp được sức mạnh.

Chẳng hạn, với thương vụ DaiA Bank - HDBank, tuy DaiA Bank là ngân hàng nhỏ, nhưng không thuộc danh sách các nhà băng yếu kém phải tái cơ cấu theo chủ trương bắt buộc.

Đồng thời, sáp nhập DaiA Bank vào HDBank dựa trên tinh thần tự nguyện, nên ngân hàng sau sáp nhập tiếp nhận toàn bộ nguồn nhân lực và bộ máy của DaiA Bank. Vì thế, thương vụ M&A này được các chuyên gia đánh giá là sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng to lớn, nâng cao được năng lực điều hành, năng lực cạnh tranh của Ngân hàng.

Giải quyết gánh nặng nợ xấu

Một trong những nguyên tắc của M&A là ngân hàng mới sẽ phải tiếp nhận, thực thi và chịu trách nhiệm về tất cả các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính do các bên đã xác lập trước đó. Do vậy, với trường hợp Pvcom Bank, các khoản nợ xấu của PVFC trước hợp nhất sẽ trở thành gánh nặng cần xử lý cho ngân hàng sau hợp nhất.

Tại SHB, đến tháng 10/2013, nợ xấu vẫn ở mức 9%. Còn tại SCB, sau gần 2 năm tới cơ cấu, nợ xấu của nhà băng này đã giảm đáng kể từ mức trên 7% sau hợp nhất, song vẫn còn cao.

Đối với trường hợp DaiA Bank sáp nhập vào HDBank, tính đến cuối tháng 9/2013, nợ xấu của DaiA Bank xấp xỉ 5%, trong khi HDBank chỉ khoảng 3%. Vì thế, ngân hàng sau sáp nhập sẽ phải đẩy mạnh xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank, tỷ lệ nợ xấu của DaiA Bank hiện nay không phải là vấn đề quá lo ngại, bởi DaiA Bank là ngân hàng không thuộc nhóm ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu theo yêu cầu, nên xử lý nợ xấu của DaiA Bank sau sáp nhập sẽ không quá khó khăn.

“Chúng tôi sẽ rà soát lại các khoản nợ xấu, khoanh nợ, đồng thời xem xét việc bán nợ trong thời gian tới”, bà Lê Thị Băng Tâm cho biết thêm.

Nhìn nhận hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, để hoạt động này mang lại hiệu quả, các ngân hàng phải kiểm soát rủi ro, tạo cơ cấu khuyến khích để ngân hàng yếu mạnh hơn, thay đổi động cơ hoạt động, gia tăng giá trị cho cổ đông và cải thiện cốt lõi hoạt động trong thời kỳ hậu M&A.

Bầu Hiển: SHB trả cổ tức 8% là khả thi
SHB được gán mác quán quân nợ xấu trong ngành ngân hàng sau khi sáp nhập Habubank, tuy nhiên Chủ tịch Đỗ Quang Hiển vẫn tin sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư