Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
HĐND TP.HCM khóa IX họp bất thường: Nóng chuyện sữa học đường, nhà hát 1.500 tỷ đồng
Gia Huy - Cơ Trần - 08/10/2018 14:25
 
Cuộc họp bất thường Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa IX diễn ra sáng 8/10 nóng lên với nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu liên quan đến các nội dung quan trọng thuộc nhiều lĩnh vực, đặc biệt là Đề án Chương trình sữa học đường giai đoạn 2018-2020 và dự án nhà hát 1.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm.

Tại kỳ họp bất thường lần này, các đại biểu bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với tờ trình số 4490/TTr-UBND của UBND Thành phố về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện Đề án Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn Thành phố.  

HĐND TP.HCM khóa IX bàn về nhiều vấn đề quan trọng của TP trong đó có chuyện nhà hát 1.500 tỷ đồng.
HĐND TP.HCM khóa IX bàn về nhiều vấn đề quan trọng của Thành phố, trong đó có chuyện xây dựng nhà hát 1.500 tỷ đồng.

Rất nhiều thắc mắc và ý kiến đóng góp của các địa biểu với chương trình sữa học đường. Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí cho rằng, nếu chương trình sữa học đường chỉ thực hiện trong 2 năm thì liệu có thể cải thiện được tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng hay thể hiện được kết quả của đề án hay không?

Mặt khác, đại biểu này cho rằng, nếu chương trình đã thể hiện được sự thiết thực và đạt được tỷ lệ đồng thuận cao từ các phụ huynh thì nên thực hiện trên toàn Thành phố thay vì chỉ các huyện vùng ven. Ngoài ra, cần đa dạng hóa các loại sữa bởi hàm lượng dinh dưỡng mà mỗi em cần là khác nhau, do thể trạng và do cơ địa của từng em.

Cũng liên quan đến chương trình sữa, đại biểu Tú Trâm và một số đại biểu khác thể hiện sự lo lắng về việc đấu thầu liệu có thể công khai minh bạch, cơ chế giám sát việc đấu thầu có đảm bảo.

Trước nhiều ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm Chủ tịch HĐND TP.HCM đã có những nhấn mạnh tới Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm dinh dưỡng và các ban ngành liên quan đến Chương trình sữa. Cụ thể, phải xem xét về ý kiến mở rộng phạm vi thí điểm ra các vùng ven chứ không chỉ 5 huyện của thành phố. Và mặc dù là thí điểm nhưng cần làm tập trung làm mới có thể đánh giá được hiệu quả và đưa ra lộ trình đúng cho công tác tổ chức sau thí điểm.

Với thắc mắc của đại biểu Tăng Hữu Phong về chi phí cho chương trình gồm 30% từ ngân sách từ Thành phố, 20% doanh nghiệp và 50% từ phụ huynh thì liệu có tạo gánh nặng với gia cảnh khó khăn của các hộ gia đình ở những huyện vùng ven hay không, bà Tâm cho biết, Thành phố hoàn toàn có thể cân đối và điều chỉnh được nguồn ngân sách này bởi không quá lớn, ngoài ra có thể xem xét đến việc mở rộng phạm vi. Đồng thời, bà nhấn mạnh với Sở Giáo dục và Đào tạo, ngoài minh bạch đấu thầu, phải làm rõ về vấn đề chiết khấu của các doanh nghiệp. Về vấn đề tổ chức chương trình, đặc biệt ở khâu kho bãi cũng phải xác định rõ có ảnh hưởng đến giá thành của sữa hay không.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM đề cao về những đóng góp của các đại biểu ở tất cả các nội dung. Riêng về đề án Chương trình sữa, ông cho rằng phải tập trung làm rõ để có lộ trình thực hiện tốt trong 2 năm sắp tới.

Một số nội dung quan trọng khác cũng được các đại biểu đóng góp sôi nổi như việc xây dựng dự án Nhà hát giao hưởng Thành phố và Quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TP.HCM giai đoạn 2018-2020.

Trong buổi chiều 8/10, cuộc họp sẽ tiếp tục xem xét một số tờ trình về triển khai cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.

HĐND cũng xem xét chủ trương đầu tư 45 dự án nhóm B sử dụng vốn cân đối ngân sách Thành phố với tổng mức đầu tư hơn 8.480 tỷ đồng; chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các tờ trình về phân cấp thẩm quyền quyết định bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn Thành phố (theo Nghị định 167/2017 của Chính phủ); việc ban hành quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của thành phố cũng được xem xét tại kỳ họp lần này.

Chung kết Start-up Việt sẽ diễn ra ngày 15/11 tại TP.HCM
Cuộc thi Start-up Việt sẽ không nhận hồ sơ đăng ký từ các startup trong nước đến ngày mai (05/10). Ngay sau đó, ban tổ chức sẽ sàng lọc và công bố...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư